Thông tin này được công bố trong chương trình khai mạc Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên, phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai tổ chức tại Đồng Nai ngày 11.1.
Ngày hội thu hút gần 10.000 học sinh và đại diện gần 70 trường ĐH, CĐ tham gia. Chương trình diễn ra trực tiếp tại Trường ĐH Đồng Nai (số 4 Lê Quý Đôn, P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) và được truyền hình trực
tiếp trên nhiều kênh của Thanh Niên như tại: thanhnien.vn, Facebook/thanhnien.com và YouTube Thanh Niên.
Tham dự chương trình, tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), đã chia sẻ những dự kiến điều chỉnh về thi và tuyển sinh năm 2020.
Tổ hợp thi phải có 1 trong 3 môn văn, toán, ngoại ngữ
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn các đơn vị đã đồng hành trong tổ chức chương trình gồm: Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, Trường ĐH Đồng Nai, Vingroup, Công ty TNHH xử lý chất thải rắn VN, Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Phú Gia Hưng.
Cảm ơn Công ty Vietravel đã hỗ trợ đưa đón đoàn, cảm ơn Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Trường ĐH Lạc Hồng đã trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho các học sinh tham dự chương trình. |
Theo tiến sĩ Kim Phụng, từ năm 2017 - 2020 kỳ thi và tuyển sinh nhìn chung sẽ được giữ ổn định. Năm nay sẽ tiếp tục giữ ổn định như những năm vừa qua, chỉ có sửa đổi kỹ thuật rút kinh nghiệm từ những năm trước đây để đáp ứng kỳ thi tốt hơn về chất lượng và cách thức tổ chức. Do vậy, những điểm mới sẽ không nhiều trong năm tới, tuy nhiên Bộ GD-ĐT đang dự kiến một số thay đổi nhỏ về xét tuyển.
Cái mới thứ nhất là thí sinh (TS) đăng ký vào các ngành sư phạm tiếp tục có quy định về điểm sàn nhưng khác với các năm trước, năm tới sẽ không tuyển trung cấp sư phạm và ở bậc CĐ chỉ còn tuyển CĐ sư phạm mầm non theo luật Giáo dục vừa thông qua.
Dự kiến thứ hai là điều chỉnh về các tổ hợp tuyển sinh của các trường. Những năm trước bắt buộc tổ hợp môn xét tuyển có 1 môn văn hoặc toán thì năm có thể mở ra là 1 trong 3 môn văn, toán, ngoại ngữ.
“Điều này chỉ mở ra cơ hội cho TS có điểm ngoại ngữ tốt và không ảnh hưởng với TS khác”, tiến sĩ Phụng chia sẻ thêm.
Thứ ba là Bộ đang nghiên cứu lộ trình đăng ký trực tiếp với các trường không thông qua tuyến các sở GD-ĐT. Tuy nhiên, nếu áp dụng điểm mới này sẽ từ năm 2021 trở đi.
Thứ tư là trong xác định điểm sàn học bạ với ngành sức khỏe và ngành đào tạo giáo viên. Theo đó, điểm sàn học bạ năm trước đã được quy định rõ nhưng năm nay dự kiến bổ sung thêm điểm trung bình xét tốt nghiệp THPT khá hoặc giỏi. Khi đó, nếu học sinh có lực học không giỏi nhưng đến khi thi có điểm giỏi thì vẫn có cơ hội xét vào các ngành này.
Thứ năm là dự kiến có quy định cho các trường có tổ chức thi để tuyển sinh riêng của trường. “Chúng tôi yêu cầu một số điều kiện để đảm bảo chất lượng và các quy định này chỉ ảnh hưởng đến trường ĐH. Ví dụ trường đó phải có đơn vị chuyên trách tổ chức, có quy định quy chế, thông báo công khai các quy định này, người phụ trách phải được đào tạo và có kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức thi tuyển sinh, công khai quy định đề thi”..., tiến sĩ Phụng cho biết.
Làm gì nếu rớt tốt nghiệp ?
Chương trình lan tỏa với học sinh cả nước bằng cách tiếp cận mớiNăm nay, Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với Báo Thanh Niên tổ chức chương trình Tư vấn mùa thi tại 12 tỉnh thành, lan tỏa tới học sinh cả nước. Tất cả chương trình đều phát trực tiếp trên thanhnien.vn và kênh YouTube Báo Thanh Niên.
Kênh YouTube của Báo Thanh Niên được YouTube trao nút vàng, hiện đã vượt qua mốc 1,3 triệu đăng ký. Đây là kênh của một cộng đồng công chúng trẻ tuổi cùng quan tâm về tin tức, các phóng sự... Qua kênh này, TS được hỏi đáp trực tiếp với nguyện vọng của mình về thi cử, chọn ngành.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên
|
Đặt câu hỏi trực tiếp với đại diện Bộ GD-ĐT, một HS Trường THPT Lê Quý Đôn (Đồng Nai) hỏi: “Em nghe nói năm nay Bộ sẽ không có đề minh họa, vậy tụi em nên học ôn vào những phần kiến thức nào?”. Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, năm nay không có dự kiến thay đổi về cấu trúc đề thi và tỷ lệ kiến thức trong đó. Đề thi sẽ kiểm tra kiến thức trong chương trình THPT và chủ yếu lớp 12.
Đề tham khảo của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay chính là đề mẫu và đề chính thức của năm 2019. Nếu theo dõi 3 năm vừa qua, năm 2017 và 2018 điểm thi có lúc cao thấp khác nhau nhưng năm 2019 khá sát với học lực học sinh. “Đề thi mẫu khá sát với đề thi thật, học sinh chỉ cần chuẩn bị tốt sẽ có điểm cao thôi”, tiến sĩ Phụng khẳng định.
Thục Uyên (học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn, Đồng Nai) băn khoăn: “Nếu rớt tốt nghiệp thì sẽ làm gì?”.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng nói: “Mỗi người sẽ có đáp án khác nhau nhưng không có đáp án nào sai cả”. Bà Phụng chia sẻ tiếp: “Có nhiều con đường lập nghiệp nhưng không nhất thiết phải vào ĐH, CĐ. Nếu rớt thì có thể có một số lựa chọn như học nghề, tự tạo việc làm ở chính quê hương mình hoặc sau này khi thực hiện luật Giáo dục mới có thể xin cấp chứng nhận hoàn thành phổ thông để theo học nghề...”.
Theo bà Phụng, vấn đề quan trọng ở chỗ cần chúng ta có nghị lực, ý chí và muốn sống có ích.
Bình luận (0)