Các nước chọn sách giáo khoa ra sao?

22/11/2019 11:10 GMT+7

Chiều nay 22.11, Bộ GD-ĐT sẽ họp báo về việc chính thức công bố các bộ sách giáo khoa mới lớp 1. Như vậy, dự kiến từ năm học 2020-2021, các địa phương, nhà trường có thể lựa chọn sách giáo khoa phù hợp với học sinh của mình.

Luật Giáo dục 2019 quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Thành phần của Hội đồng lựa chọn SGK ở các địa phương dự kiến sẽ bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học và đa số là các giáo viên trực tiếp giảng dạy.
Việc lựa chọn SGK từ các nước như thế nào cũng là kinh nghiệm Việt Nam cần tham khảo, học hỏi.
Ông Nguyễn Văn Cường đến từ ĐH Potsdam, Đức, chia sẻ kinh nghiệm vận hành SGK ở Đức, ông Cường cho biết: “Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành (hằng năm) danh mục các cuốn SGK được sử dụng trong nhà trường thì các trường phổ thông căn cứ vào đó lựa chọn những bộ SGK phù hợp. Hằng năm các nhà trường ở bên Đức có danh mục những cuốn SGK cần phải mua, Đức có luật quy định mỗi năm cha mẹ có trách nhiệm mua SGK cho con nhưng người ta khống chế giới hạn về mức chi phí cho việc này. Ví dụ, ở Berlin quy định nhà trường không được yêu cầu cha mẹ học sinh phải chi phí quá 100 euro cho mỗi học sinh/năm học. Do vậy nhà trường phải bàn nhau xem nên chọn những SGK nào là thiết yếu nhất cho học sinh chứ không phải mua tất cả danh mục SGK có trên thị trường”.
Tại các trường công ở Mỹ, một hội đồng giáo dục địa phương sẽ bỏ phiếu chọn những SGK cần mua từ danh sách đã được Bộ Giáo dục duyệt. Giáo viên nhận sách và phát cho học sinh theo từng bộ môn. Tuy nhiên, các giáo viên thường không bị bắt buộc phải sử dụng SGK nên nhiều người sử dụng các tài liệu khác để giảng dạy.
Tại Nhật, việc sử dụng SGK là bắt buộc ở trường phổ thông. Các nhà xuất bản tư nhân biên soạn và nộp lên Bộ Giáo dục xem xét để chọn ra những sách được sử dụng trong nhà trường. Trước Thế Chiến 2, cơ quan chức năng tại Nhật chỉ định những SGK dùng trong nhà trường và quy trình này đến nay vẫn còn áp dụng tại nhiều nước trong khu vực, theo Nippon.
Tại Singapore, hệ thống giáo dục bắt đầu thay đổi mạnh từ năm 1997 dưới thời Thủ tướng Goh Chok Tong với tầm nhìn chiến lược “Thinking School, Learning Nation” (Nhà trường tư duy, Quốc gia học tập). Theo Hội đồng Thư viện quốc gia Singapore, dưới chính sách này, nền giáo dục thúc đẩy lối tư duy sáng tạo, trong khi các trường học trở nên đa dạng hơn và tự chủ hơn trong việc quy định chương trình học.
Tại nhiều nước phương Tây, vấn đề kiến thức và hiệu quả giảng dạy được chú trọng hơn, trong khi tài liệu giảng dạy có thể linh động, đa dạng và không mang tính bắt buộc hay gói gọn chỉ trong một bộ SGK duy nhất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.