Can thiệp sớm, giúp trẻ tự kỷ hòa nhập và phát triển tốt

Lê Thanh
Lê Thanh
26/11/2019 15:48 GMT+7

'Trẻ rối loạn tự kỷ nếu được can thiệp sớm sẽ có nhiều cơ hội tham gia giáo dục hòa nhập, đem lại niềm hạnh phúc cho gia đình trẻ, giảm thiểu gánh nặng cho xã hội'...

Trên là chia sẻ của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tại lễ phát động dự ánDạy học cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ” (Autism Spectrum Disorder - ASD), diễn ra vào ngày 26.11, tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Tại buổi lễ, bà Tan Sze Wee, Giám đốc Điều hành Trung tâm Rainbow Singapore (RCS), bộc bạch: "Giấc mơ của chúng tôi là giúp đỡ những cá nhân khuyết tật, tiếp sức để họ sống mạnh mẽ và thành công trong các cộng đồng hòa nhập ở Việt Nam".
Theo bà Tan Sze Wee, sở dĩ trung tâm thực hiện dự án này là muốn lan tỏa những điều tốt đẹp cho cộng đồng, mà đối tượng thụ hưởng dành cho trẻ đa tật. “Mục tiêu của dự án là nhằm cung cấp cho các nhà giáo dục chuyên biệt hiểu biết sâu sắc về văn hóa tự kỷ cũng như phát triển các chiến lược hiệu quả trong giao tiếp với trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ...", bà Tan Sze Wee, nói.
Dự án “Dạy học cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ” do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Quỹ Quốc tế Singapore (SIF), Trung tâm Rainbow Singapore (RCS) phối hợp triển khai nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường chất lượng giáo dục đặc biệt dành cho trẻ bị tự kỷ tại Việt Nam ngày một tốt hơn.

Bà Rozila Bà Rozila Binte Mahmud (áo đen), giảng viên của Trung tâm Rainbow Singapore tương tác với giáo viên Việt Nam trong buổi học vào ngày 26.11

Lê Thanh

Theo đó, trong vòng 2 năm rưỡi, nhóm các tình nguyện viên quốc tế Singapore, gồm những chuyên viên giáo dục chuyên biệt đa ngành sẽ đến Việt Nam chia sẻ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn trong việc điều trị ASD. Song song đó, dự án sẽ đào tạo nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng miễn phí theo chuẩn quốc tế cho hàng trăm giáo viên ở các trường chuyên biệt của Việt Nam, giúp họ hiểu biết sâu sắc về văn hóa tự kỷ cũng như các chiến lược, kỹ năng để có cách dạy hiệu quả hơn với trẻ tự kỷ, đảm bảo tính bền vững của chương trình.
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ: “Dự án này mang tính nhân văn sâu sắc. Tôi mong các học viên sau khóa học này sẽ tiếp nhận được những kiến thức can thiệp cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam và thực hành bằng cả trái tim, lòng nhân ái, sự chuyên nghiệp...”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.