Cảnh báo những mặt trái của tự chủ đại học

Quý Hiên
Quý Hiên
28/11/2020 07:01 GMT+7

Tại hội thảo ' Tự chủ trong giáo dục đại học - Từ chính sách đến thực tiễn', bên cạnh ưu điểm trong quá trình thực hiện tự chủ đại học, nhiều ý kiến cảnh báo những tác động tiêu cực khi thực hiện chủ trương này.

Hội thảo diễn ra hôm qua (27.11), tại Hà Nội do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với một số trường đại học (ĐH) tổ chức.
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ra một số vấn đề thực thi luật Giáo dục ĐH bổ sung, sửa đổi; qua đó chỉ ra những khó khăn, rào cản, thách thức, đòi hỏi phải đổi mới của giáo dục ĐH VN. Các nội dung mà đại biểu quan tâm: thể chế tự chủ trong giáo dục ĐH, tự chủ tài chính trong giáo dục ĐH…
Tại hội thảo, khi bàn về vấn đề thể chế tự chủ trong giáo dục ĐH, các đại biểu phân tích nhiều ưu, khuyết trong quá trình thực hiện tự chủ ĐH được quy định trong luật Giáo dục ĐH, từ đó đưa ra một số khuyến cáo với các cơ quan hoạch định chính sách.
Cảnh báo những mặt trái của tự chủ đại học

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo

ẢNH: LÊ ANH HOA

Dễ có tình trạng bằng mọi giá tăng nguồn thu từ học phí

Đáng chú ý, có đại biểu chỉ ra một số mặt trái, hạn chế tác động tiêu cực của tự chủ ĐH, dù hành trình tự chủ ĐH mới bắt đầu chưa được bao lâu. PGS Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, nêu ý kiến: “Bên cạnh tác động tích cực không thể phủ nhận của tự chủ ĐH đối với sự phát triển giáo dục ĐH ở VN, tự chủ ĐH cũng có mặt trái và hạn chế của nó. Vấn đề là phải nhận diện những tác động tiêu cực đang và sẽ xảy ra để tìm cách hạn chế chúng”.

Tự chủ nhưng không được làm giảm cơ hội tiếp cận của người nghèo, của người diện chính sách

Phó thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM

Theo PGS Lan Anh, tác động tiêu cực rõ nét nhất của tự chủ ĐH chính là dễ dẫn đến tình trạng các cơ sở giáo dục ĐH chỉ chú trọng và quan tâm đến vấn đề tự chủ tài chính, bằng mọi giá tăng nguồn thu từ học phí khi nhà nước thay đổi cách thức sử dụng ngân sách và các nguồn lực đầu tư cho các cơ sở giáo dục ĐH, không bao cấp dàn trải như trước đây. Từ đó, có thể dẫn đến việc các trường bỏ qua trách nhiệm xã hội (với người học, người sử dụng lao động và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước). Tăng học phí có thể khiến người nghèo mất đi cơ hội sử dụng dịch vụ giáo dục ĐH.

Cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường

Bên cạnh đó, có nguy cơ gia tăng cạnh tranh không lành mạnh giữa các trường có cùng ngành nghề, lĩnh vực đào tạo. Nhiều trường do muốn thu hút người học nên hạ giá dịch vụ đào tạo dẫn tới giảm chất lượng đào tạo hay sử dụng quá công năng của cơ sở đào tạo về nhân lực và cơ sở vật chất… “Giải pháp hiệu quả nhất là bên cạnh việc xây dựng chính sách phù hợp (tín dụng sinh viên, hỗ trợ sinh viên, xã hội hóa giáo dục ĐH…) và tăng cường tuyên truyền, cần phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo”, PGS Lan Anh nêu ý kiến.

Tự chủ không có nghĩa là nhà nước không đầu tư nữa

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chia sẻ một số quan điểm chỉ đạo của Chính phủ về việc thúc đẩy tự chủ ĐH. Ông Đam nêu những vấn đề các bên liên quan cần giải quyết khi thực hiện tự chủ ĐH, trong đó có quan điểm tự chủ không có nghĩa là nhà nước không đầu tư nữa. Với ý này, ông Đam giải thích: “Có nghĩa rằng đây không phải là điều kiện đánh đổi, kiểu như nhà nước không đầu tư nữa thì mới có tự chủ. Không phải thế. Thực tế là Học viện Nông nghiệp VN, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân… tuy được thực hiện tự chủ nhưng nhà nước vẫn rót thêm tiền thông qua khoản vay mấy chục triệu USD của Ngân hàng Thế giới để đầu tư tiếp. Thực sự là Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan liên quan làm quyết liệt việc tạo cơ chế giao nhiệm vụ - đặt hàng đào tạo bằng ngân sách nhà nước”.

Quan tâm về cách tính học phí của các trường ĐH hiện nay

Trao đổi với PV Thanh Niên ở hành lang hội thảo, Giáo sư Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết khi đến hội thảo, vấn đề ông quan tâm nhất là cách tính học phí của các trường ĐH hiện nay như thế nào. Theo ông Bình, để tính học phí, vấn đề lớn nhất là dựa vào chi phí đơn vị. “Đây là chi phí để đào tạo ra được một sinh viên, trên thế giới người ta tính học phí là dựa vào chi phí đơn vị. Nhưng hiện nay thì không nơi nào hướng dẫn về cách tính chi phí đơn vị. Còn định mức kinh tế - kỹ thuật là cái rất khó để áp dụng cho giáo dục vì giáo dục là một lĩnh vực rất đặc thù”, ông Bình nói.
Một vấn đề được ông Đam nhấn mạnh là tự chủ nhưng không được làm giảm cơ hội tiếp cận của người nghèo, của người diện chính sách. “Có số liệu chứng minh là chỉ số này không giảm, nhưng chúng ta cần phải làm mạnh hơn nữa, vì hiện còn chậm về cơ chế đặt hàng. Ví dụ, nhà nước khuyến khích và cấp tiền cho con em đồng bào dân tộc thiểu số đi học ĐH, trước thì rót khoản tiền này về cho trường, nay có thể cấp qua học bổng. Hoặc nhà nước muốn phát triển một ngành nghề cụ thể nào đó thì đặt hàng cho các trường đào tạo”, ông Đam nói.
Theo ông Đam, những vướng mắc về quản lý nhà nước liên quan tới ngành GD-ĐT trong tự chủ ĐH không còn nhiều, và cũng không có vấn đề gì lớn. Một số cái tưởng như còn vướng là do các trường chưa đọc kỹ văn bản, hoặc do vẫn nghĩ giống như cũ. Hiện còn 2 vấn đề thực sự vướng về quản lý nhà nước. Một là liên quan tới các quy định về viên chức và tiền lương của Bộ Nội vụ; hai là về ngân sách, đầu tư, đặt hàng, liên quan tới các ngành tài chính và đầu tư, và đây mới là cái vướng cơ bản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.