Theo đánh giá của giới chuyên môn, phiên bản này đạt được những tiến bộ đáng kể so với bản đầu tiên công bố cách đây gần 1 năm rưỡi. Góp phần vào sự thay đổi này có nhiều loạt bài của Thanh Niên liên quan đến những bất cập trong việc công nhận chức danh giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) ở VN trong thời gian qua.
|
Dùng điểm công trình bù vào các tiêu chuẩn thiếu
Trong phiên bản lần này tuy vẫn còn những yêu cầu mà trước đây từng bị các nhà khoa học cho rằng “không giống ai” nhưng đã không còn cứng nhắc mà cho giải pháp thay thế.
|
Chẳng hạn với ứng viên chức danh GS, một trong những tiêu chuẩn để được xét là kể từ khi được bổ nhiệm cho đến khi hết hạn nộp hồ sơ xét GS đủ 3 năm, đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định. Nếu không đạt tiêu chuẩn này, ứng viên vẫn được các cấp hội đồng xem xét nếu có ít nhất gấp hai lần điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu đóng góp từ các bài báo khoa học hoặc các thành tựu khác như bằng độc quyền sáng chế, giải pháp khoa học, công nghệ hữu ích; tác phẩm, biểu diễn nghệ thuật, thành tích thi đấu thể dục thể thao đoạt giải thưởng quốc gia, quốc tế (sau đây gọi chung là bài báo) thì vẫn đủ tiêu chuẩn này.
Ứng viên GS vẫn phải chủ trì thực hiện ít nhất 2 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hoặc một nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia (đã nghiệm thu kết quả từ đạt yêu cầu trở lên). Phải hướng dẫn chính ít nhất 2 nghiên cứu sinh (đã được cấp bằng tiến sĩ). Nhưng nếu không đủ các tiêu chuẩn này thì ứng viên được phép thay thế bằng bài báo. Mỗi nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, hoặc một nghiên cứu sinh được thay thế bằng một bài báo khoa học hoặc công trình khoa học quy đổi khác.
Với tiêu chuẩn công bố kết quả nghiên cứu khoa học, dự thảo đưa ra lộ trình với 2 mốc thời gian. Trước mắt, với chức danh GS, ứng viên phải là tác giả chính đã công bố được ít nhất 3 bài báo. Từ tháng 1.2020, ứng viên phải là tác giả chính công bố được ít nhất 5 bài báo. Ứng viên không đủ công trình khoa học thì thời gian trước mắt phải có ít nhất 2 trong số các công trình khoa học nêu trên và một cuốn sách hoặc một chương sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản. Từ tháng 1.2020 trở đi số lượng công trình khoa học hoặc sách phục vụ đào tạo do nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản (tiêu chuẩn thay thế) cũng tăng lên.
Các tiêu chuẩn trên cũng đặt ra với ứng viên PGS, nhưng ở mức độ thấp hơn, và cũng được lấy bài báo bù vào cho các tiêu chuẩn còn thiếu. Các bài báo khoa học được dùng để tính vào các tiêu chuẩn của quy định này là các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín từ sau khi ứng viên có quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS (với ứng viên GS), hoặc sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ (với ứng viên PGS).
Điểm viết sách không còn là điểm cứng
Một điểm mới của dự thảo tiêu chuẩn GS, PGS phiên bản mới nhất này đặc biệt gây chú ý với các nhà khoa học là bỏ hẳn tiêu chuẩn viết sách đối với ứng viên chức danh PGS. Còn với chức danh GS, dự thảo quy định ứng viên vẫn phải chủ trì biên soạn sách phục vụ đào tạo từ trình độ đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS. Tuy nhiên, điểm viết sách không còn là điểm cứng, đến nỗi có những ứng viên thiếu 0,3 điểm vẫn bị loại dù thành tích nghiên cứu khoa học rất xuất sắc như những năm trước mà Báo Thanh Niên đã từng nhiều lần phản ánh.
tin liên quan
Sẽ công nhận 1.131 ứng viên đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sưDự thảo quy định cũng liệt kê cụ thể công trình khoa học được tính điểm quy đổi, cách tính điểm cho tác giả của công trình khoa học.
Trong phụ lục của dự thảo còn nêu rõ cách tính điểm quy đổi đối với bài báo khoa học. Theo đó, một bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có mã số ISSN thuộc danh mục ISI trong web of Science (bao gồm: SCI, SCIE, SSCI, ESCI, A&HCI) và danh mục Scopus được tính tối đa đến 2 điểm. Một bài báo khoa học được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có mã số ISSN, không thuộc danh mục ISI và Scopus, nếu có xuất bản trực tuyến được tính tối đa đến 1 điểm, không có xuất bản trực tuyến được tính tối đa đến 0,75 điểm. Hội đồng GS nhà nước lựa chọn và công bố danh mục các tạp chí khoa học quốc tế được tính điểm trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT và trang thông tin điện tử của Hội đồng GS nhà nước.
Cơ hội ngăn chặn sách kém chất lượng
Theo nhiều nhà khoa học, yêu cầu viết sách (như một tiêu chuẩn cứng bắt buộc) không chỉ làm khó các nhà khoa học đích thực mà còn gây ra hệ lụy lớn cho xã hội khi nó mở đường cho sản phẩm kém chất lượng tràn ngập môi trường GD-ĐT. Một nhà khoa học nhận xét: “Bỏ được tiêu chuẩn viết sách với ứng viên PGS là một thành công lớn trong việc góp ý hoàn thiện dự thảo. Hãy tưởng tượng xem, phần lớn ứng viên PGS là những tiến sĩ mới bảo vệ được mấy năm, trình độ đại trà đang non mà giờ lại yêu cầu họ viết sách. Mỗi năm có khoảng 1.000 ứng viên PGS, nếu yêu cầu họ viết sách thì mỗi năm chúng ta sẽ có thêm cả ngàn cuốn sách, điều này có nghĩa là sẽ có những trận cuồng phong sách kém chất lượng”.
Xem toàn bộ phiên bản mới nhất của Dự thảo quy định tiêu chuẩn GS, PGS TẠI ĐÂY
Ý kiến
Nhiều điểm tiến bộ
Điểm tiến bộ nhất của dự thảo là yêu cầu công khai hóa hồ sơ ứng viên tham gia xét GS, PGS. Quy định này sẽ giúp xóa bỏ tình trạng mù mờ về năng lực của ứng viên, qua đó tạo cơ sở để cộng đồng khoa học và dư luận xã hội thực hiện quyền giám sát việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS của hội đồng các cấp. Hoặc quy định nhiệm kỳ bổ nhiệm chức danh GS, PGS là 5 năm, cũng là một yếu tố tạo động lực để tăng chất lượng đội ngũ GS, PGS. Với quy định này, kết thúc nhiệm kỳ, người đứng đầu cơ sở GD ĐH tổ chức rà soát, đánh giá theo các quy định về cơ cấu vị trí, số lượng, tiêu chuẩn và điều kiện bổ nhiệm chức danh GS, PGS để quyết định việc bổ nhiệm lại. Vì thế sẽ ngăn chặn được tình trạng “làm GS xong” là... xong, như vẫn đang xảy ra với nhiều nhà khoa học.
PGS Nguyễn Đức Chính, (Viện Cơ học, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ VN)
Tích cực với các nhà khoa học trẻ có năng lực
Nếu so với kỳ vọng thể hiện trong góp ý của Viện thì không đạt, nhưng việc cho phép thay đổi các tiêu chuẩn không giống ai của VN bằng công trình quốc tế là rất tích cực đối với số nhà khoa học trẻ có năng lực và thành tích công bố.
GS Lê Tuấn Hoa (Nguyên Viện trưởng Viện Toán học)
Còn mang tính cào bằng
Quy định của dự thảo còn có tính chất cào bằng. Chẳng hạn sự kiện mới đây, lần đầu tiên một nhà khoa học VN, TS Vương Thị Ngọc Lan có công trình được đăng trên tạp chí New England Journal of Medicine. Đấy là một tạp chí y khoa hàng đầu thế giới, mà những ĐH danh tiếng nhất thế giới có người được đăng trên tạp chí đó cũng chắc chắn lấy làm hãnh diện.
Nhưng nếu theo chuẩn này, công trình đăng ở tạp chí New England Journal of Medicine cũng chỉ được 2 điểm, chia cho 10 người trong nhóm tác giả, TS Lan cũng chỉ được 0,2 điểm, không bằng cái người viết một mình một bài đăng ở tạp chí trong nước 1 điểm. Quy định này bất công ở chỗ ngay cả trong ISI, Scopus cũng rất rộng, có những tạp chí được đăng là cực kỳ khó, có những nơi chỉ cần cố gắng một chút là đăng được. Vậy mà ban soạn thảo đánh đồng 2 điểm hết. Nên chăng, riêng tạp chí quốc tế cần tăng số điểm và chia cụ thể theo số bậc. Được đăng ở tạp chí Q1, có cho đến 10 điểm cũng xứng đáng, trong khi đó nếu đăng ở Q4 chỉ cần 2 - 3 điểm thôi.
Tiến sĩ Trần Quang Tuyến (Trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội)
Quý Hiên
|
Bình luận (0)