Theo nhóm nghiên cứu chế tạo BK-AntiCovid, robot có khả năng di chuyển tốt trong các khu vực cách ly của bệnh viện, khu vực cách ly tập trung. Nhiệm vụ trước mắt của BK-AntiCovid là vận chuyển thức ăn, đồ dùng, thuốc men vào khu vực cách ly phục vụ người bệnh với tải trọng lên đến cả trăm ký.
BK-AntiCovid được đúc liền thành một khối thép không gỉ khép kín, đảm bảo mạch linh kiện hoạt động ổn định… Đây là điểm ưu việt của BK-AntiCovid (chống nước), nên có thể thường xuyên phun, xịt sát khuẩn mỗi khi ra vào khu vực cách ly mà không sợ ảnh hưởng mạch, linh kiện điện tử.
Tiến sĩ Võ Như Thành, Trưởng bộ môn cơ điện tử, Khoa Cơ khí (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, thành viên nhóm nghiên cứu), cho biết BK-AntiCovid hoạt động bằng động cơ 1 chiều, điều khiển tốc độ theo độ rộng của xung điện và bằng chế độ cầm tay. Các nhân viên y tế trong khu vực cách ly điều khiển BK-AntiCovid khá đơn giản bằng một nút duy nhất để robot di chuyển trái, phải, tới, lui...
“Chúng tôi làm BK-AntiCovid khá nhanh. Từ lúc nhận được yêu cầu của bệnh viện đến thiết kế, lập trình, gia công, chế tạo mạch đấu, nối dây và khung giàn chỉ mất chừng 5 ngày. Nếu có thời gian kết nối các khâu thì chi phí thành phẩm sẽ tiết kiệm và gói gọn trong khoảng 35 triệu đồng cho một sản phẩm robot”, tiến sĩ Thành chia sẻ.
PGS-TS Lê Quang Sơn, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng kiêm Giám đốc Quỹ Khoa học công nghệ ĐH Đà Nẵng (đơn vị hỗ trợ chi phí chế tạo BK-AntiCovid), cho biết: “Thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục lập trình, nâng cấp các tính năng cần thiết cho robot như đo nhiệt độ từ xa, điều khiển tự động… góp phần hiệu quả trong hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nói riêng, bệnh nhân ở khoa lây nhiễm các bệnh viện nói chung”.
Bình luận (0)