Sau những bức xúc của dư luận trong và ngoài ngành GD-ĐT thời gian qua về sách giáo khoa (SGK) lớp 1, nhiều câu hỏi đặt ra về vai trò và trách nhiệm hội đồng thẩm định quốc gia với SGK tiếng Việt khi đánh giá những SGK ấy là đạt và không cần sửa chữa.
Chiều nay 12.10, theo dự kiến, lãnh đạo Bộ có cuộc họp với hội đồng thẩm định SGK lớp 1 xung quanh các vấn đề này, trước đó, Bộ có đề nghị hội đồng thẩm định rà soát và báo cáo những vấn đề xung quanh SGK tiếng Việt mà dư luận nêu.
Bộ không thể “khoán trắng” việc tập huấn SGK cho nhà xuất bản
|
Trước đó, ngày 9.10, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký công văn gửi Hội đồng quốc gia thẩm định SGK môn tiếng Việt lớp 1 về việc rà soát, báo cáo về nội dung SGK môn tiếng Việt lớp 1. Công văn nêu rõ, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK đã tổ chức thẩm định SGK lớp 1. Căn cứ kết quả thẩm định, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1 để các nhà trường lựa chọn, triển khai các hoạt động dạy học theo quy định. Những ngày qua, trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã có nhiều phản ánh về việc SGK môn tiếng Việt lớp 1 có một số nội dung chưa phù hợp đối với HS lớp 1. Bộ GD-ĐT đề nghị hội đồng rà soát, kiểm tra các nội dung báo chí nêu. Báo cáo của Hội đồng thẩm định gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 17.10.
Hội đồng thẩm định đã làm hết trách nhiệm chưa ?
Nhìn lại quá trình thẩm định SGK lớp 1, Bộ GD-ĐT đặt ra yêu cầu hội đồng thẩm định là những nhà khoa học có uy tín, những thầy cô đến từ các trường ĐH sư phạm và ít nhất 1/3 hội đồng là giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường tiểu học trên cả nước. Thực tế, các hội đồng từng môn được cơ cấu từ 7 - 15 người. Với môn tiếng Việt lớp 1, hội đồng thẩm định có số thành viên nhiều nhất so với tất cả các môn, với 15 người.
Những người soạn sách rất chủ quanTrẻ em lần đầu tiên tiếp cận với chữ viết là giai đoạn mà chúng chuyển kỹ năng thay thế cái tương đương sang cái khác biệt và trừu tượng. Chữ viết là dạng ký hiệu trừu tượng nhất trong mọi hình thức thay thế từ thực đến ảo. Cho nên dạy học chữ là khó nhất.
Những người soạn sách rất chủ quan khi cho rằng, trẻ vào lớp 1 đã biết nói và có một vốn từ nhất định, cho nên họ đã tích hợp dạy chữ với phát triển từ mới, kể cả phát triển kỹ năng xã hội. Đó là lý do họ vừa đưa những từ xa lạ vào sách kết hợp với những câu chuyện ngụ ngôn cũng rất xa lạ với trẻ em. Trong khi họ quên một nguyên tắc tối thiểu của dạy học phát triển năng lực là dựa vào “nguồn” đã có để đi đến cái “đích” chưa có.
Nguồn đã có chính là vốn ngôn ngữ tự nhiên mà trẻ em đã nói thông thạo trong giao tiếp hằng ngày. Sự liên kết giữa cái đã biết với cái trừu tượng mới có thể giúp trẻ phát triển đúng năng lực của trẻ mà không bị rối loạn. Cho nên khi tiếp cận với ký hiệu trừu tượng là con chữ thì những ký hiệu đó phải gắn liền với tiếng nói phổ thông của trẻ đã. Điều tối kỵ khi dạy trẻ mới học chữ là đưa vào những từ xa lạ, kể cả những biện pháp tu từ như nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ…
Nhiệm vụ của giáo dục, từ nói đến viết là một quá trình chuẩn hóa. Trẻ em trong quá trình giao tiếp với người lớn, chúng đã có những vốn từ cả chuẩn lẫn chưa chuẩn trước khi học chữ nhưng khi học chữ, tất cả cái vốn tự nhiên ấy phải được chuẩn hóa.
Hậu quả của việc dạy chữ ắt kéo theo rối loạn về kỹ năng sống. Hầu như tất cả những chuyện ngụ ngôn, ngoài sửa chữa nguyên tác cho vừa khung học vần, bắt ép con chữ với mớ ngữ liệu xa lạ, tối nghĩa, lệch chuẩn vào trong đó, làm cho trẻ em không biết mình đang trải nghiệm vốn sống gì ở đây?
Tiến sĩ Chu Mộng Long (Trưởng bộ môn khoa học xã hội, Khoa Giáo dục tiểu học và mầm non, Trường ĐH Quy Nhơn)
|
Khi quảng bá bộ sách Cánh Diều, bộ sách có cuốn tiếng Việt 1 gây nhiều tranh cãi nhất trong thời gian qua, nhóm tác giả cho biết đây là bộ SGK duy nhất có bản thảo của đầy đủ các môn được hội đồng thẩm định quốc gia thông qua với tỷ lệ phiếu "đạt" tuyệt đối.
Trả lời câu hỏi hội đồng thẩm định đã làm hết trách nhiệm chưa, tiến sĩ Giáp Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Time School, cho rằng “chưa”. Tuy nhiên, ông cho rằng phản ứng của xã hội về SGK những ngày qua cho thấy một nội dung rất quan trọng: Khi biên soạn bộ SGK này, các tác giả đã không có một triết lý giáo dục đúng và tường minh dẫn dắt, nên các tác giả đã không hình dung được SGK của mình sẽ được sử dụng để đào tạo con người nào.
Vì thế, ngữ liệu, nội dung, hình ảnh minh họa... thiếu nhất quán, tự phát và bị giới hạn bởi trải nghiệm tuổi thơ và giáo dục của chính các tác giả. Đó chính là lý do vì sao trong sách có nhiều từ địa phương, xa lạ và ít sử dụng với trẻ em hiện giờ.
Ngoài ra, cách dùng từ ngữ, cách nói của các tác giả khi còn nhỏ cũng đi thẳng vào SGK vì cho rằng trẻ con nào cũng sẽ nói năng như vậy. Nhưng thực tế không phải vậy, vì vùng miền khác nhau, thời đại khác nhau, nên cách dùng từ của trẻ hiện nay rất khác so với cách dùng từ của các tác giả khi còn nhỏ trước kia.
Theo tiến sĩ Giáp Văn Dương, điểm yếu cốt tử của việc biên soạn SGK từ xưa đến nay vẫn chưa khắc phục được, đó là không có một tổng công trình sư chỉ huy việc biên soạn SGK cho toàn cấp học. Việc này dẫn đến một thực tế rằng, các tác giả trong cùng một bộ sách, nhưng thuộc các bộ môn khác nhau, hiếm khi làm việc cùng nhau để đồng bộ hóa, dẫn đến nhịp đi của các bộ sách bị vênh nhau, gây khó cho học sinh (HS) và giáo viên, làm giảm chất lượng giáo dục rất nhiều. Nếu không xác lập được một triết lý giáo dục đúng thì các bộ SGK của năm sau cũng không hy vọng sẽ khắc phục được các sai sót này.
Thiếu khâu thực nghiệm SGK trước khi thẩm định ?
Một chuyên gia từng phụ trách về giáo dục tiểu học nhiều năm cũng cho rằng, khi nhiều ý kiến đồng loạt kêu về chương trình và SGK nặng, Bộ không thể nói đã giao quyền và trách nhiệm cho giáo viên và quản lý ở cấp trường vì họ không có trách nhiệm điều chỉnh những bất hợp lý của chương trình và SGK.
Vị này cũng cho biết một chuyên gia người Úc đã từng nói với ông: “Tôi khuyên các ông khi làm SGK mới cho lớp 1 nên hạn chế tối đa việc đưa ngữ liệu của nước ngoài vào để dạy tiếng Việt cho HS tiểu học vì văn hóa VN là vô cùng phong phú. Dạy tiếng Việt cho HS lớp 1 cũng là dạy văn hóa cho trẻ nhỏ của VN”.
Chuyên gia này cũng cho rằng: “Hội đồng thẩm định khi thẩm định bản mẫu SGK có đặt vấn đề SGK đã được dạy thực nghiệm chưa, góp ý của giáo viên của HS đã được sửa chữa thế nào trước khi trình ra hội đồng thẩm định. Việc thiếu khâu thực nghiệm SGK trước khi thẩm định và phê duyệt chính thức đã cho thấy hậu quả không nhỏ. Lẽ ra nếu thực nghiệm SGK thì chắc chắn sẽ bớt được những phàn nàn về những bất cập ở mức sơ đẳng như thời gian vừa qua.
Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD-ĐT, cho rằng: SGK phổ thông, đặc biệt là tiểu học và lớp 1 thì cần viết hết sức gần gũi, đơn giản và dễ hiểu. Tránh đưa những chuyện phỏng theo truyện nước ngoài vào giảng dạy cho HS trong khi ngữ liệu, các nhân vật, danh nhân, trong nước rất nhiều chuyện hay, câu từ phong phú.
“Theo tôi, Bộ GD-ĐT và hội đồng thẩm định nên rà soát kỹ lưỡng, nên loại bỏ những bài không phù hợp, gây quá nhiều phản ứng ra khỏi SGK, thay thế bằng những ngữ liệu phù hợp hơn”, ông Vinh đề nghị.
Bình luận (0)