Đề xuất kéo dài thời gian đào tạo sư phạm

16/12/2017 21:33 GMT+7

Thời gian đào tạo các ngành sư phạm nên kéo dài thành 5 năm thay vì 4 năm như hiện nay.

Đề xuất này được nêu ra trong hội thảo quốc tế đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm do Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Ngân hàng Thế giới tổ chức sáng 16.12.

Trong bối cảnh tuyển sinh, đào tạo giáo viên bộc lộ nhiều bất cập như hiện nay, một số chuyên gia đã mạnh dạn nêu ra các đề xuất trong đào tạo đội ngũ này.

Trên cơ sở so sánh chương trình đào tạo giáo viên giữa các quốc gia phát triển, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng- nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng chương trình đào tạo sư phạm trong nước cần thay đổi thời gian đào tạo. 

tin liên quan

Đề thi ngày càng thực tế hơn: Đưa Chi Pu vào đề thi, có sao?
Trong xu thế vận dụng thực tiễn cuộc sống vào việc dạy và học, vài năm gần đây, giáo viên luôn cố gắng đưa những sự kiện nhiều người quan tâm vào đề thi ở nhiều góc cạnh tùy từng môn. Sự đồng tình của dư luận về cách làm này cũng nhiều nhưng phản ứng cũng không kém.

Cụ thể, thay vì đào tạo cử nhân sư phạm 4 năm thì nên kéo dài thành 5 năm và chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 đào tạo bậc cử nhân khoa học trong 3 năm tại các khoa khoa học chuyên ngành của các trường ĐH. Giai đoạn 2 đào tạo thạc sĩ giáo dục 2 năm trong các khoa, trung tâm đào tạo giáo viên của trường ĐH.

Tuy nhiên thời gian 5 năm này không áp dụng cho chương trình đào tạo giáo viên mầm non do đây là ngành đặc thù. Thay vào đó, giáo viên mầm non cần được đào tạo theo một chương trình thống nhất ngay từ khi bắt đầu học ĐH.

Cũng theo ông Hồng, nên thay đổi chương trình đào tạo giáo viên hiện có bằng đào tạo thạc sĩ giáo dục mà trước mắt là bậc THCS, THPT. “Sinh viên sau khi nhận bằng cử nhân khoa học ở các trường ĐH khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, nông nghiệp… mới được dự tuyển các khóa học thạc sĩ giáo dục”, ông Hồng đề xuất.

Trong chương trình đào tạo thạc sĩ giáo dục này sẽ gồm các học phần: tâm lý học, giáo dục học, lý luận và phương pháp dạy học chung, lý luận và phương pháp dạy học bộ môn, kỹ thuật dạy học, thực tập sư phạm. "Đáng chú ý, những sinh viên học chương trình thạc sĩ giáo dục phải có thời gian làm việc thực tế trong các trường phổ thông không ít hơn 1 năm để vừa thực hành nghề nghiệp, vừa học các môn về phương pháp tổ chức và kỹ thuật dạy học", ông Hồng ý kiến.

Trong bài tham luận của mình, tiến sĩ Vũ Thị Thu Hoài và thạc sĩ Nguyễn Đức Nguyên (Phòng đào tạo Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng có đề xuất tương tự.

Trên cơ sở phân tích kinh nghiệm từ các mô hình đào tạo giáo viên trên thế giới, nhóm nghiên cứu này cho rằng cần tăng thời gian đào tạo giáo viên liên tục từ 4 lên 5 năm. Trong đó, tăng thời gian thực tập, trải nghiệm thực tiễn đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới.

Trong 5 năm này thì quá trình đào tạo khoa học cơ bản thực hiện trong 6 học kỳ tại các trường ĐH đa ngành, đa lĩnh vực về khoa học cơ bản.  Giai đoạn đào tạo giáo viên sẽ tổ chức cho sinh viên đăng ký và thi vào các ngành đào tạo giáo viên. Nếu trúng tuyển sinh viên phải học thêm 4 học kỳ về các môn khoa học giáo dục, thực tập giảng dạy tại trường phổ thông. Sinh viên không trúng tuyển có thể học tiếp 2 học kỳ để lấy bằng cử nhân khoa học.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.