Việc làm quan trọng hơn miễn học phí cho sinh viên sư phạm?

15/12/2017 16:20 GMT+7

Nhiều ý kiến cho rằng thay vì miễn học phí, nhà nước cần thực hiện tốt hơn các chế độ ưu đãi với người học sau khi tốt nghiệp, trước hết là việc làm.

Phát biểu tại hội thảo Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên được tổ chức tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM vừa qua, PGS-TS Nguyễn Thám, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) đã nói sự bất cập trong đào tạo giáo viên của nước ta hiện nay nằm ở nhiều khâu mà trước hết là về mặt quản lý.

Ông Thám phân tích hiện nay cả nước có tới trên 120 cơ sở đào tạo giáo viên, con số này quá lớn. Năm 2017 dù giảm chỉ tiêu tuyển sinh 20% nhưng cả nước vẫn có trên 150.000 người được tuyển mới. Trong khi nhu cầu tuyển dụng giáo viên rất thấp, điều này dẫn tới tình trạng cạnh tranh gay gắt về việc làm của sinh viên sư phạm.

“Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc sinh viên giỏi ít mặn mà với ngành học này hiện nay. Do vậy vấn đề cần làm cho bằng được là quy hoạch lại mạng lưới trường, giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo”, ông Thám nói.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng đã đến lúc cần điều chỉnh lại chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm. Theo ông Vinh, trước đây miễn học phí để thu hút người giỏi vào sư phạm nhưng hiện cung đã vượt xa cầu. Nếu không thể thực hiện cùng lúc miễn học phí, cấp học bổng và phân công công tác thì nên tiến tới dừng lại việc này.

tin liên quan

Trả học phí, sinh viên mới có trách nhiệm!
Miễn học phí cho sinh viên sư phạm cả của cho và cách cho đều không thể hiện chính sách ưu tiên nhà giáo. Bởi của cho không đủ cho các trường hoạt động, còn cách cho thì không khuyến khích người học.

Cũng theo ông Vinh, việc nhà nước cấp ngân sách cho các trường sư phạm không đủ còn ảnh hưởng tới cuộc sống của chính giảng viên khiến động cơ giảng dạy bị ảnh hưởng. Vì vậy một số ĐH sư phạm phải tăng cường liên kết và mở lớp cao học ở các địa phương lại ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính của trường.

Tương tự, nhiều ý kiến từ các chuyên gia ở nước ngoài cũng cho rằng chính sách đãi ngộ sau khi ra trường mới là vấn đề mấu chốt để tăng chất lượng giáo viên.

Bà Nguyễn Phương Thùy (sống tại Phần Lan) nói: “Ở Phần Lan, người dân nước này và các nước châu Âu được miễn học phí từ giáo dục tiểu học cho đến hết cao học và không phân biệt ngành nào. Theo mình thì miễn học phí cũng là một biện pháp khích lệ cần thiết nhưng quan trọng hơn là nâng cao chất lượng đào tạo và cơ hội việc làm cho người học sau khi ra trường”.

Còn ông Trần Việt Dũng (Trường ĐH Grenoble Alpes, Pháp) chia sẻ: “Theo mình biết ở Pháp, sinh viên các trường sư phạm được xem như viên chức dự bị và được hưởng lương bình quân 1.300 euro/tháng kèm theo các ưu đãi khác. Đổi lại, đối tượng này phải làm việc cho nhà nước ít nhất 10 năm. Tất nhiên số trường sư phạm ở Pháp rất ít và đầu vào rất cao”.

tin liên quan

Miễn học phí ngành sư phạm: Không còn phù hợp?
Chính sách miễn học phí để thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm đến nay đã thực hiện được gần 20 năm. Nhưng theo nhiều ý kiến, chính sách nhân văn này đã bị “lỗi thời”.

Các đề xuất này rất đúng khi nhìn vào thực tế kết quả khảo sát việc làm được thực hiện bởi chính các trường đào tạo sư phạm. Chẳng hạn, theo bảng thống kê tình hình việc làm SV năm 2016 Trường ĐH Sài Gòn được công bố trên website, dù chỉ dựa vào số SV khảo sát được thì tỷ lệ có việc làm cũng khá thấp ở nhóm ngành sư phạm.

Cụ thể, tỷ lệ sinh viên có việc làm bậc ĐH ngành sư phạm địa lý chỉ trên 37%, sư phạm vật lý trên 33%, sư phạm lịch sử trên 46%, sư phạm hóa học trên 48%... Đáng lưu ý ở bậc CĐ, ngành sư phạm vật lý chỉ đạt trên 11%, sư phạm hóa trên 21%, sư phạm địa lý trên 56%...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.