Miễn học phí ngành sư phạm: Không còn phù hợp?

14/12/2017 08:36 GMT+7

Chính sách miễn học phí để thu hút sinh viên giỏi vào sư phạm đến nay đã thực hiện được gần 20 năm. Nhưng theo nhiều ý kiến, chính sách nhân văn này đã bị “lỗi thời”.

Nội dung này được nêu ra tại hội thảo Tác động của chính sách miễn học phí với sinh viên (SV) sư phạm (SP) đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên, do Văn phòng Chương trình khoa học giáo dục (Bộ GD-ĐT) và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức sáng 13.12.
Không thu hút được SV giỏi
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thẳng thắn cho rằng cần phải bỏ ngay chính sách miễn học phí cho SV SP. Lý giải nhận định này, ông Dũng cho biết Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM hiện có 13 ngành đào tạo SP. Khảo sát của trường cho thấy có tới 90% SV theo học SP tại trường nhưng lại đi làm những công việc ngoài ngành. Việc nhà nước và trường phải cấp kinh phí để đào tạo những người này là không hợp lý. Hơn nữa, kinh phí cấp bù học phí trường nhận được từ ngân sách nhà nước lại quá thấp, không đủ nguồn lực để đào tạo một người thầy “ra ngô ra khoai”.

tin liên quan

Bắt đầu rà soát lại các ngành sư phạm
Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các trường ĐH, CĐ có đào tạo nhóm ngành giáo viên triển khai việc rà soát điều kiện đảm bảo chất lượng các ngành này. 
PGS-TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho rằng chính sách này đã trở nên thiếu tính thực tiễn. Cụ thể những SV cam kết phục vụ ngành để được miễn học phí sẽ thấy không công bằng vì không được phân công công tác. Do vậy không thể đầu tư cào bằng hay dàn trải theo chính sách chung mà nên chăng xem xét thành học bổng. Ông Sơn cho biết thêm một nghiên cứu đang được Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thực hiện cho thấy có tới 28% SV ngành SP mầm non không gắn bó với giáo dục, tỷ lệ này lên tới 40% với ngành tâm lý học và tâm lý giáo dục, công nghệ thông tin trên 36%...

Học phí không phải là vấn đề quyết định sinh viên có hay không theo học sư phạm

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng

PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng khẳng định: “Học phí không phải là vấn đề quyết định SV có hay không theo học SP vì thực ra học phí chỉ chiếm khoảng 1/3 chi phí học tập”. Ông Hồng thông tin một nghiên cứu đang thực hiện cho thấy trước đây tỷ lệ SV nông thôn theo học tại các trường SP thường cao hơn trường khác trên 25%. Tuy nhiên 4 năm gần đây, tỷ lệ này tương đương, thậm chí thấp hơn.
PGS-TS Nguyễn Thám, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), cho biết: “Bất cập trong tuyển sinh SP cũng đã hiện rõ. Ở thời kỳ đầu thực hiện chính sách này, tỷ lệ chọi vào SP có khi lên tới 1/10. Nhưng năm 2017 tình hình đáng báo động khi mặt bằng thí sinh trúng tuyển thấp”.
Trong khi đó theo ông Thám, tính trung bình chỉ khoảng 50 - 60% SV SP ra trường có việc làm, con số này là sự lãng phí ngân sách khá lớn nếu chỉ nhìn từ số tiền miễn học phí.
Chuyển sang cho vay, tăng thu nhập
Nhiều đề xuất ưu tiên khác nhau cho SV SP được đưa ra thay vì miễn học phí trực tiếp. Theo PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nên ưu tiên cho SV SP trong việc nhận học bổng, cho vay dài hạn chấp nhận sự rủi ro. Sau 4 - 5 năm ra trường, SV đi làm gắn bó với nghề giáo thì có thể xóa khoản vay này. “Thực tế chính sách miễn học phí SP là thu hút người giỏi chứ không phải cho đủ người học, nhưng chính sách không đồng bộ giữa lương giáo viên, phân công công tác sau khi tốt nghiệp thì không giải quyết được vấn đề”, ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, mức học phí được đề xuất cho một SV SP nên bằng với các trường được thí điểm tự chủ (khoảng 26 triệu đồng/năm, tức gấp 3 lần hiện nay). Tuy nhiên, SV SP được phép vay tiền để đóng học phí này.
Tương tự, PGS-TS Đỗ Văn Dũng đề xuất vẫn nên thu học phí bình thường với SV SP. Nhưng với người theo đuổi ngành giáo dục thì học phí đã đóng có thể chuyển về nơi công tác để tăng thu nhập cho những năm đầu đi làm.
PGS-TS Lê Văn Tiến, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm T.Ư TP.HCM, cũng đồng ý bỏ chính sách miễn học phí nhưng phải có lộ trình và điều kiện cần thiết đi kèm. Trong đó điều kiện tiên quyết là lương giáo viên phải cao. Bởi theo ông Tiến, trong số 100 giáo viên, người tâm huyết sẵn sàng hy sinh cho nghề chỉ vài người.
Thạc sĩ Hồ Sỹ Anh, Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), cho rằng cần áp dụng nhiều chính sách đồng bộ mới hiệu quả, trong đó quan trọng nhất là việc làm SV. Việc tuyển dụng giáo viên hoàn toàn do UBND các tỉnh thực hiện, không có sự tham gia từ phía đào tạo nên dẫn đến những bất cập.
Theo bà Đồng Anh Đào, Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa (Cần Thơ), chính sách miễn học phí cho SV SP không thể giữ như trước đây mà cần có nghiên cứu để phù hợp hơn với thực tế. Đặc biệt cần có quy định rõ ràng với đối tượng được hưởng chính sách này, đồng thời giải quyết việc làm.
Nhiều sinh viên sẽ bỏ học nếu không được miễn học phí ?
Nhiều ý kiến vẫn cho rằng chính sách miễn giảm học phí vẫn còn hiệu quả. PGS-TS Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật Hà Nội, nhận định: “Chính sách này tốt cho SV nghèo, đặc biệt trong thời gian tới khi luật Giáo dục ĐH sửa đổi được thực thi, học phí các trường ĐH công lập tăng theo cơ chế giá thị trường. Khi đó, chính sách miễn học phí sẽ có giá trị rất lớn để thu hút SV vào các trường SP”. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Lan Anh, việc quan trọng cần làm là phải dự báo nhu cầu nhân lực, quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo SP.
Tại hội thảo, tiến sĩ Trần Lương, Trường ĐH Cần Thơ, công bố kết quả nghiên cứu cho thấy chính sách miễn học phí đã thu hút tới 50,5% SV theo học SP. Trong khi đó, lý do chọn ngành này vì phù hợp năng lực chỉ chiếm 33,7%, dễ xin việc chỉ 2,1%.
Cũng theo nghiên cứu, 86% SV của trường cho rằng chính sách này tạo cơ hội học tập. Nếu bỏ chính sách, có tới 55,8% SV bỏ học và 22,1% lưỡng lự giữa việc học tiếp hay bỏ học. Trong số này chỉ có 13,7% SV cho biết có khả năng tự đóng học phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.