Không ai được góp ý trước khi SGK ban hành?

Hà Ánh
Hà Ánh
22/11/2019 14:46 GMT+7

Không ai ngoài hội đồng thẩm định được góp ý SGK vì bản thảo không được đưa ra ngoài trước khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký quyết định ban hành.

Thông tin về SGK này đã được nêu ra tại hội thảo khoa học cấp quốc gia hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật để triển khai thực hiện luật Giáo dục năm 2019 diễn ra tại Trường ĐH Luật TP.HCM sáng 22.11.

'Xã hội hoá' biên soạn SGK là đúng đắn

Hội thảo đã có nhiều ý kiến góp ý việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là biên soạn và thẩm định SGK.
Trước một băn khoăn về việc cần đưa ra góp ý các bộ SGK trước khi được chọn lựa, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết bản thân ông hiện vẫn là Tổng biên tập Nhà xuất bản Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - một trong 3 nhà xuất bản đang làm SGK hiện nay.
Theo ông Hồng, việc thực hiện chương trình phổ thông mới được triển khai trong năm học 2020-2021 thống nhất trong toàn quốc. SGK chỉ là một trong những tài liệu để tổ chức dạy học. Quyết định "xã hội hoá" biên soạn SGK là một quyết định đúng đắn.
Lý giải về mặt quy trình làm sách, theo ông Hồng, trước khi thực hiện việc biên soạn, Bộ Thông tin truyền thông đã ra quyết định 6 nhà xuất bản được tổ chức bản thảo và cấp phép sách giáo khoa. Trên thực tế, các nhóm tác giả đã chọn 3 nhà xuất bản để xin phép xuất bản. Bộ GD-ĐT đã soạn thảo các văn bản quy định về Hội đồng thẩm định sách, Bộ trưởng ký duyệt danh sách Hội đồng thẩm định. Tất cả các bản thảo đều được Hội đồng thẩm đinh môn học thông qua và sau khi có quyết định cuối cùng của hội đồng thẩm định, Bộ trưởng sẽ xem xét và ra quyết định những cuốn sách nào được phép sử dụng trong nhà trường phổ thông.
"Không ai ngoài hội đồng thẩm định được góp ý SKG vì bản thảo không được đưa ra ngoài trước khi bộ trưởng ký quyết định ban hành. Bản thân tác giả, nhóm tác giả cũng chỉ có quyền trình bày bản thảo và chỉnh sửa theo yêu cầu của hội đồng thẩm định", ông Hồng nói.
Liên quan đến việc chọn lựa SGK, tiến sĩ Hồ Sĩ Anh, Viện nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đề xuất nên chăng ở những địa phương lớn như Thanh Hoá có thể được chọn 1-2 bộ SGK để đáp ứng sự khác nhau về điều kiện vùng miền. Trước ý kiến này, PGS-TS Trần Hoàng Hải, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Luật TP.HCM, đặt lại vấn đề nếu việc chọn lựa SGK thực hiện tới cấp huyện thì chuyện gì sẽ xảy ra. Theo ông Hải, từ sự khác nhau nhiều giữa các bộ sách có thể dẫn tới hệ luỵ làm vỡ hệ thống hơn cái mà học sinh đạt được.

Cần có tiêu chí đánh giá chất lượng SGK

Bài tham luận của PGS-TS Đỗ Minh Khôi, Trưởng bộ môn Lý luận nhà nước và pháp luật, khoa Luật hành chính nhà nước Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng tập trung nhiều vào việc thẩm quyền chọn SGK.
Theo ông Khôi, chương trình giáo dục phổ thông và SGK là hai vấn đề hoàn toàn độc lập trong hệ thống giáo dục và pháp lý. Tuy nhiên có nhận thức không phân biệt giữa chương trình và sách dẫn đến sự không đồng thuận trong đổi mới biên soạn SGK.
"Quan điểm về mỗi môn học trong chương trình giáo dục phổ thông có thể có một số SGK thay cho bộ sách nhà nước biên soạn trước đây là đúng. Tuy nhiên những thay đổi này chỉ trong biên soạn SGK phổ thông, những nội dung khác như phi tập trung hoá thẩm quyền chọn SGK để sử dụng, biên soạn tài liệu giáo dục theo đặc thù địa phương chưa thay đổi triệt để và chưa được quy định chi tiết", ông Khôi nhìn nhận.
Theo ông Khôi, cần có cơ chế giám sát kiểm tra những hoạt động liên quan đến phân định thẩm quyền về SGK, tài liệu học tập giữa Bộ GD-ĐT và UBND cấp tỉnh nhằm đảm bảo chất lượng SGK phổ thông, tài liệu học tập và tạo sự thống nhất trong sử dụng.
Ông Khôi nhấn mạnh: "Một việc quan trọng cần làm là xác định tiêu chí để đánh giá chất lượng SGK. Nó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động giáo dục, đến người học và người dạy mà còn ảnh hưởng đến gia đình, xã hội và cả hoạt động thị trường viết và xuất bản SGK". Vì vậy, theo ông Khôi, Bộ GD-ĐT cần có quy định rõ ràng, cụ thể hơn trong việc tổ chức triển khai thực hiện những nội dung quy định của luật Giáo dục liên quan đến SGK phổ thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.