Lỗ hổng trong quản lý trung tâm dạy học ngoài nhà trường

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
10/05/2018 08:24 GMT+7

Từ những lùm xùm của 'trung tâm' MST, nơi có giáo viên mạt sát người học bằng những ngôn từ chợ búa, đã lộ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý các trung tâm và hoạt động giáo dục ngoài nhà trường hiện nay.

“Trăm hoa đua nở”
Tìm kiếm trên Google từ khóa “Tiếng Anh cô/thầy…” sẽ thấy hàng trăm kết quả của các lớp luyện thi tiếng Anh dạng tự phát. Những lớp học này mở ra khá dễ dàng và chủ yếu dựa trên uy tín của một số cá nhân, thông báo chiêu sinh công khai.
Trên các diễn đàn chia sẻ về địa chỉ, trung tâm dạy tiếng Anh ở Hà Nội, các bố mẹ cũng chỉ quan tâm tới việc thầy cô đó dạy giỏi thế nào, học sinh học ở đó đỗ vào các trường chuyên, lớp chọn ra sao… chứ hầu như không ai hỏi rằng, trung tâm thầy cô đó được cấp phép hoạt động hay không, bằng cấp, chứng chỉ hành nghề của giáo viên thế nào… Có trung tâm/lớp học nhồi nhét cả trăm học viên vào một lớp, ai đến thì mua phiếu vào lớp, đến sớm thì có chỗ ngồi, đến muộn chấp nhận đứng… Lớp học chật chội, thiếu ánh sáng, thiếu an toàn về phòng chống cháy nổ… nhưng người học có vẻ không quan tâm điều đó. Tâm lý là các thầy cô càng đông, càng “kén” người học thì lại càng đổ xô đến học.

Lỗ hổng trong quản lý các trung tâm dạy trực tuyến càng rõ ràng hơn. Với ưu điểm rẻ, tiện và nhanh, các khóa học tiếng Anh trực tuyến đang là sự lựa chọn của nhiều người. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề đặt ra như lựa chọn website và phương pháp học nào là tốt nhất? Khi có vấn đề gì xảy ra thì cơ quan nào sẽ bảo vệ quyền lợi của học viên?...
Quy định chưa bao quát thực tiễn
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, tính đến đầu năm 2018, TP có hơn 1.100 cơ sở giáo dục ngoài nhà trường, trong đó, tỷ lệ trung tâm ngoại ngữ, tin học chiếm hơn 50%. Loại hình hoạt động này cũng ngày càng đa dạng, gồm trung tâm ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng nghiệp vụ, văn hóa, kỹ năng, dịch vụ tư vấn du học... Sự ra đời của các mô hình đó góp phần đáp ứng nhu cầu học tập của người học, tuy nhiên công tác quản lý cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần xem xét.
Ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT, nhận định: “Một trong những khó khăn hiện nay xuất phát từ việc các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường chịu sự chi phối của khá nhiều quy định. Trong khi đó, một số nội dung trong các văn bản quy phạm pháp luật lại không có hướng dẫn thực hiện, chưa bao quát thực tiễn hoạt động...

Tại một hội nghị mới đây về quản lý các trung tâm giáo dục ngoài nhà trường do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, Phòng An ninh chính trị nội bộ (PA83) Công an TP.Hà Nội, thông tin có đơn vị quảng bá một đằng, thực hiện một nẻo; không thực hiện đúng cam kết với người học; lấy tên tư vấn du học nhưng lại đưa người đi xuất khẩu lao động...
Cần luật hóa các quy định
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục TP.Hà Nội, cho rằng để xảy ra sự việc một trung tâm tiếng Anh hoạt động “chui”, có giáo viên xúc phạm học viên là “lợn” thì trách nhiệm trong phân cấp quản lý ở cơ sở đã xuất hiện lỗ hổng. Nhà giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch hội đồng Trường phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, cũng lo lắng cho rằng chẳng lẽ cứ mỗi khi có sự cố xảy ra, cơ quan chức năng mới biết trung tâm này, trung tâm kia hoạt động không phép.
TS Hoàng Ngọc Vinh, Phó chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng vẫn thiếu công cụ để kiểm soát những hình thức dạy học trực tuyến, các khóa học online, chiêu sinh qua mạng xã hội... Trong khi đó, dạy học trực tuyến phát triển quá mạnh với nhiều hình thức, phương tiện và tư liệu khác nhau. Do vậy, một mặt nhà nước phải có chính sách khuyến khích hình thức này phát triển để đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, thường xuyên nhưng mặt khác phải có những cách thức quản lý về chương trình, tư liệu học tập, cách thức kiểm tra, đánh giá, cấp chứng chỉ... để đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như an ninh quốc gia. “Nếu không kiểm soát thì sẽ có đối tượng lợi dụng các khóa học trực tuyến để tuyên truyền những thông tin sai lệch về chính trị, xã hội”, ông Vinh nói.
Do vậy, ông Vinh cho rằng trong góp ý sửa luật Giáo dục tới đây, cần phải nêu rõ vai trò của giáo dục thường xuyên trong dự thảo luật; cần viết chi tiết hơn nữa về một vài khái niệm liên quan giáo dục thường xuyên (tại chức, công nghệ, học từ xa, trực tuyến)... bổ sung quy định trách nhiệm của chính quyền các cấp; quy định về nhà giáo trong hệ thống giáo dục thường xuyên…
Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát
Hôm qua (9.5), ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ký công văn gửi các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ sư phạm yêu cầu tăng cường quản lý đối với các trung tâm ngoại ngữ, tin học. Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát, đánh giá tổng thể về hoạt động của các trung tâm này và các trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn đang hoạt động trong địa bàn hoặc phạm vi quản lý. Công văn của Bộ cũng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc việc công bố công khai thông tin về danh sách các trung tâm ngoại ngữ, tin học (công lập, tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài), trung tâm bồi dưỡng ngắn hạn trong phạm vi quản lý đã được cấp phép hoạt động.
Chậm nhất ngày 25.5 các cơ sở phải báo cáo kết quả rà soát với Bộ GD-ĐT để lãnh đạo Bộ nắm tình hình và từ đó có thể điều chỉnh, bổ sung các quy định phù hợp hơn.
Cùng ngày, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu quận, huyện rà soát kiểm tra các cơ sở tổ chức dạy và học ngoại ngữ - tin học không phép trên địa bàn. Ông Hồ Phú Bạc, Trưởng phòng GDTX, Sở GD-ĐT, cho biết hiện nay TP có 694 trung tâm ngoại ngữ - tin học, trong đó 90% số trung tâm đang tổ chức giảng dạy tiếng Anh.
Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết theo kế hoạch từ đầu năm 2018, Sở sẽ siết chặt quản lý, tổ chức kiểm tra đột xuất 30% số cơ sở giáo dục ngoài nhà trường trên địa bàn mỗi quận, huyện, thị xã, đồng thời xử lý nghiêm, dứt điểm các vi phạm.
Tuệ Nguyễn - Bích Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.