Trước thực tế này, năm nay Bộ GD-ĐT yêu cầu tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi đầu năm học. Cùng lúc, lãnh đạo các địa phương cũng đưa ra các biện pháp quyết liệt.
Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nhấn mạnh: "Những sự việc vi phạm đạo đức nhà giáo, hiệu trưởng phải đi tù vì lạm thu… ở một số địa phương là bài học đau lòng để không lặp lại trong năm học tới".
Ngoài ra, ông Độ cũng cho rằng Bộ yêu cầu các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện công khai các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng các quy định hiện hành; không để xảy ra tình trạng lạm thu; kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong thu, chi.
Các trường phải công khai theo quy định
Lạm thu cũng là nỗi lo canh cánh của lãnh đạo các sở GD-ĐT vì năm nào cũng ra văn bản, lập các đoàn kiểm tra nhưng vẫn xảy ra các sự cố tương tự.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết năm nay Sở sẽ không lập các đoàn kiểm tra như mọi năm mà sẽ giám sát thực tế bằng nhiều kênh thông tin và xử lý thật nghiêm nếu xảy ra sai phạm, không bỏ qua trường hợp nào. Việc thu chi cần thực hiện theo chỉ đạo, công khai minh bạch để học sinh (HS), phụ huynh, giáo viên biết. Ngoài các trường công lập, trường ngoài công lập cũng cần công khai theo quy định.
Trước đó, Sở GD-ĐT Hà Nội đã quy định rõ 7 khoản mà nhà trường và ban đại diện cha mẹ HS không được thu, gồm: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông xe của HS; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm thiết bị cho trường, lớp hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên...; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Trưởng phòng GD-ĐT phải chịu trách nhiệm
Tương tự, bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cũng ký văn bản nhấn mạnh yêu cầu các phòng GD-ĐT kiểm tra các khoản thu và có biện pháp xử lý người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra lạm thu. Địa phương nào để xảy ra lạm thu thì trưởng phòng GD-ĐT phải chịu trách nhiệm. Sở này cũng nêu rõ các khoản được thu, ví dụ tiền trông xe đạp, xe điện tối đa 15.000 đồng/tháng; trông giữ xe máy tối đa là 30.000 đồng/tháng; về dạy thêm, học thêm đối với các trường THCS và trường THPT tối đa không quá 17.000 đồng/buổi/HS đối với lớp dưới 30 HS; tối đa không quá 15.000 đồng/buổi/HS đối với lớp từ 30 - 45 HS.
Đối với các trường tiểu học, không được thu tiền dạy tăng buổi, bồi dưỡng nghệ thuật, thể thao của HS. Về hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động ngoài giờ chính khóa, mức thu tổ chức hoạt động theo lớp học 5.000 đồng/tiết học/HS. Về dạy làm quen tiếng Anh cho HS mẫu giáo, lớp 1 và lớp 2, các trường có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, khuyến khích tổ chức dạy trên tinh thần tự nguyện của HS và không được thu tiền.
Nhiều khoản không được thu trong các cơ sở giáo dục
Theo quy định những khoản không được thu trong các cơ sở giáo dục như: tiền bảo vệ cơ sở vật chất và an ninh trường học; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Đồng thời không thu đóng góp của cha mẹ để phục vụ chi thường xuyên mà ngân sách nhà nước đã bố trí theo quy định như: chi hỗ trợ hoạt động giáo dục, điện sáng, bảo vệ trường, nước sinh hoạt, hoạt động tập thể, thi đua khen thưởng, phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi. Không được thu tiền vệ sinh trường, lớp và các công trình vệ sinh; các nhà trường thống nhất với hội cha mẹ HS về mẫu, màu sắc để cha mẹ tự may đồng phục cho HS.
|
Bình luận (0)