Mua bán bài báo khoa học: Thị trường ngày càng sôi động

Lê Đăng Ngọc
Lê Đăng Ngọc
18/08/2020 08:03 GMT+7

Một nhà khoa học cho biết theo bản hợp đồng mời 'bán bài' được soạn tháng 9.2016 mà anh nhận được từ một trường ĐH, trường này tính giá mua dựa trên nhiều chỉ số.

Chẳng hạn, với tác giả chính (hoặc tác giả liên hệ), bài ISI được trả theo chỉ số ảnh hưởng IF (số lần trích dẫn hay tham khảo trung bình các bài báo mà tạp chí đã công bố) x 30 triệu đồng. Nhà khoa học này cho biết vì anh từ chối “bán” bài cho trường này, nên về sau anh không còn được mời.
Theo quan sát của Thanh Niên, khoảng năm 2017 - 2018, khi hiện tượng bán bài của các nhà khoa học trong nước cho Trường ĐH Tôn Đức Thắng và một số trường tư khác bắt đầu rầm rộ, một số lãnh đạo trường ĐH có “bắn tiếng” nhắc nhở cán bộ. Sau một lần bị “nhắc nhở” khi có một số bài xuất bản ghi địa chỉ Trường ĐH Tôn Đức Thắng, một cán bộ trẻ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xin nghỉ việc.
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về lý do xin nghỉ việc, nhà khoa học này nói “vì chán làm nghiên cứu”. Năm 2019, nhà khoa học này làm việc cho một trường ĐH tư khác ở Hà Nội. Theo dữ liệu mà PV Thanh Niên truy cập được, trong các năm 2019 - 2020 nhà khoa học này vẫn tiếp tục công bố công trình với địa chỉ là Trường ĐH Tôn Đức Thắng. Còn hiệu trưởng một trường ĐH ở TP.HCM cho biết đầu năm 2018 trường đã không ký tiếp hợp đồng lao động với một giảng viên sau khi phát hiện vị này bán bài cho Trường ĐH D.
Nhưng 2 năm gần đây, giới quản lý các cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu bắt đầu có xu hướng “châm chước” cho hành vi bán bài. Thậm chí, trong một buổi xét ứng viên GS, PGS của một ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, khi một ứng viên của một trường ĐH ở TP.HCM bị đề nghị không đưa vào diện xét thì thủ trưởng đơn vị mà ứng viên làm việc phản đối với lý do: “Lương trả cho cán bộ thấp, nếu chúng tôi không cho cán bộ bán bài thì họ sẽ bỏ việc”.
“Có nhà khoa học trẻ chỉ trong vài năm mua được cả chung cư nhờ bán bài, trong khi nhiều cơ sở chỉ thưởng từ 3 - 5 triệu đồng cho một bài báo, nơi nào có nguồn thu thì 15 - 20 triệu đồng. Vì thế nhiều cơ sở có người bán bài cũng không dám làm căng với cán bộ của mình”, một nhà khoa học chia sẻ.
Gần đây, một số nhà khoa học khi biết chuyện tiến sĩ V. trượt một giải thưởng danh giá trong nước đều tỏ ra tiếc cho một người trẻ tuổi và tài năng. Xét về thành tích khoa học, hồ sơ của tiến sĩ V. vượt lên hẳn so với các nhà khoa học được nhận giải thưởng này năm nay. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tiến sĩ V. đã được đánh giá rất cao về chuyên môn, duy chỉ có bị kiện là không xứng đáng được nhận giải thưởng do vi phạm đạo đức khoa học, vì công trình được đưa ra để xét giải thưởng của tiến sĩ V. ghi địa chỉ làm việc ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng, trong khi tiến sĩ V. là cán bộ cơ hữu của một trường ĐH công lập ở TP.HCM.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.