'Thị trường ngầm' mua bán bài báo khoa học: Công bố trên tạp chí quốc tế 'dỏm'

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
15/08/2020 07:16 GMT+7

Mấy năm trở lại đây, công bố nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế được nhiều nhà khoa học trong nước rất quan tâm. Thế nhưng, bên cạnh đó cũng dấy lên những lo ngại về chất lượng của không ít các công bố này.

Tạp chí “săn” tác giả vì mục đích kinh doanh

Khoảng giữa tháng 6 năm nay, cơ quan điều hành Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia đã có buổi họp với đại diện các hội đồng khoa học ngành trong lĩnh vực khoa học tự nhiên và kỹ thuật thảo luận về việc nâng cao chất lượng của các công trình công bố do quỹ tài trợ trên các tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành. Tại đây, nhiều nhà khoa học đã thẳng thắn chia sẻ về việc nhận diện các tạp chí kém chất lượng và sự ảnh hưởng của nó đối với chất lượng chương trình nghiên cứu cơ bản của quỹ này.
Không chỉ thảo luận ở cuộc họp, rất nhiều nhà nghiên cứu đã bày tỏ quan điểm thậm chí tranh luận gay gắt trên các trang cá nhân về chất lượng của nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí được xem là “dỏm”, các tạp chí mở kém chất lượng… Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đề cập đến vấn đề “chạy đua công bố quốc tế” tại một số trường ĐH. Điều đó cho thấy rõ ràng trong giới khoa học đang có sự nghi ngờ đối với một số bài báo quốc tế, nhất là những bài được đăng trên các tạp chí thiên về lợi nhuận, tạp chí ngụy tạo.
PGS-TS Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Quốc tế TP.HCM, cho biết: “Có thể nói việc nhận biết những tạp chí này là rất dễ. Họ thường gửi thư mời qua email và yêu cầu phải trả phí mới được đăng bài. Tôi vẫn nhận được rất nhiều thư mời kiểu đó, với mức phí phải trả là từ 2.000 - 3.000 USD. Đây rõ ràng là một dạng kinh doanh. Họ nhận bài mà không hề có phản biện, chỉ sửa chính tả. Bài trên các tạp chí đó cũng không có ai đọc, hiện nay trên thế giới có hàng trăm ngàn tạp chí kiểu như vậy”.
Tiến sĩ Trần Nguyễn Hải, Viện Nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng tại TP.HCM (Trường ĐH Duy Tân), cho rằng tạp chí “dỏm”, nhà xuất bản “dỏm” ngày nay rất nhiều, ra đời liên tục và luôn thay đổi cách thức “dụ dỗ” các nhà nghiên cứu ít kinh nghiệm. “Các tạp chí “dỏm” bắt trả phí, chỉ muốn lấy tiền mà không quan tâm tới chất lượng.
Một số dấu hiệu nhận biết tạp chí “dỏm” là gửi lời mời liên tục qua email, thông báo mức phí phải đóng, thông tin trên tạp chí rất đơn giản, giao diện xấu, thông tin về biên tập là giả, đề tên tuổi nổi tiếng nhưng không được sự cho phép, các chỉ số cũng là giả, khi nhận bài thì phản biện cho có, “bao đậu”… Nếu đăng ở mấy tạp chí này nhiều lần sẽ bị “nghiện”, vì nhanh quá, phản biện nếu có thì đa phần khen nhiều hơn chê”, tiến sĩ Hải cho hay.
Theo tiến sĩ Hải, thông thường các nhà khoa học nếu “lỡ” đăng trên các tạp chí kiểu này rồi mà muốn xóa dấu tích, muốn tên và bài của mình biến mất trên hệ thống thì lại phải trả một lượng tiền nữa, nhiều khi gấp đôi số tiền khi đăng.
Tuy nhiên, PGS Thuận cho biết không phải tạp chí thu tiền nào cũng đều là tạp chí “dỏm”, vẫn có những tạp chí thực sự chất lượng nên các nhà nghiên cứu cần phải có kinh nghiệm và hiểu biết.

Đăng để làm đẹp hồ sơ

Các nhà khoa học phân tích có 2 nguyên nhân khiến nhiều nhà nghiên cứu gửi bài cho các tạp chí chất lượng kém.
Thứ nhất, do những bài này khó có thể gửi đăng trong các tạp chí uy tín nên họ buộc phải gửi tạp chí “dỏm” cho các mục đích và nhu cầu khác nhau như làm đẹp hồ sơ để xin tiền tài trợ nghiên cứu, thăng chức, đủ điều kiện xét công nhận giáo sư, phó giáo sư... Vì thế, dù biết tạp chí có chất lượng kém, các tác giả này vẫn gửi bài.
Nguyên nhân thứ hai là do tác giả chưa có kinh nghiệm, thiếu hiểu biết về tạp chí. Các tác giả này thường là nghiên cứu sinh. “Trong trường hợp này, để biết được tạp chí uy tín, tác giả nên hỏi ý kiến, lời khuyên của các thầy cô, các nhà khoa học trong cùng lĩnh vực, những người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu, viết, đăng và phản biện các bài báo quốc tế trong các tạp chí uy tín. Ngoài ra, các tác giả có thể sử dụng những công cụ đánh giá sơ bộ tạp chí phù hợp cho bài báo dựa trên công cụ của nhà xuất bản uy tín hoặc Web of Science”, một tiến sĩ Việt tại Mỹ đưa ra lời khuyên.

Khen thưởng nhiều cũng… có hại

Từng học tập và giảng dạy tại Hàn Quốc, PGS-TS Nguyễn Văn Thuận nhìn nhận, cách đây 10 - 15 năm quốc gia này cũng có thực trạng tương tự, nghĩa là “chạy đua số lượng” sau đó mới đi vào chất lượng, và hầu hết các quốc gia trên thế giới đều như vậy.
“Nhiều trường ĐH không cần chất lượng, chấp nhận cả những bài báo đăng trên các tạp chí kém chất lượng đó. Vì thế, để chất lượng thì trước hết “người gác cổng” - những người đứng đầu đơn vị học thuật - phải đủ tài và đủ tầm mới có thể phân biệt và quản lý được”, PGS-TS Nguyễn Văn Thuận nêu quan điểm.
Còn một tiến sĩ Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài thì cho rằng việc khen thưởng từ các cơ quan (trường, viện) dành cho các nhóm nghiên cứu một cách đúng mực, kịp thời là rất đáng hoan nghênh, giúp thúc đẩy công việc nghiên cứu. Các nước như Hàn Quốc và Trung Quốc đều có thưởng cho các bài báo quốc tế ở giai đoạn đầu khi bắt đầu phát triển của khoa học. Chính sách này cũng đã kích thích khoa học của họ phát triển rất mạnh.
“Tuy nhiên việc thưởng tiền “quá lớn”, tính theo số bài, hoặc theo thứ hạng Q1, Q2... mà một số trường đang làm hiện nay cũng vô hình tạo một xu thế “sản xuất bài kiếm tiền” mà không chú trọng nhiều về chất lượng nghiên cứu. Vì thế, cần phải kiểm soát chặt chẽ, quy định cụ thể bài phải đăng trên các tạp chí uy tín, có trích dẫn tốt”, vị tiến sĩ này nhấn mạnh.
Hội đồng khoa học ngành của Cơ quan điều hành Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia sau buổi thảo luận hồi tháng 6 cũng đã kêu gọi các nhà khoa học không đăng bài báo trên các tạp chí chất lượng kém. Đồng thời siết chặt quy trình đánh giá hồ sơ đăng ký, đánh giá kết quả thực hiện các đề tài do quỹ này tài trợ. (còn tiếp)
Trả tiền đăng báo
Thời gian qua, giới quan tâm khoa học Việt Nam xôn xao về chuyện MDPI - một nhà xuất bản khoa học với nhiều tạp chí open-access (thu tiền trả phí khi đăng bài) có dấu hiệu gian lận khoa học.
Đây là tạp chí mà nhiều “nhà nghiên cứu” trên thế giới, trong đó có một số giáo sư, tiến sĩ ở Việt Nam, tận dụng để công bố khoa học ồ ạt.
Theo tiến sĩ Hoàng Xuân Trung, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, MDPI (Multidisciplinary Digital Publishing Institute) là một trong những nhà xuất bản thuộc kiểu tác giả phải trả tiền đăng bài báo. Nhà xuất bản MDPI được Shu-Kun Li, sinh ra ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thành lập. MDPI được đăng ký chính thức ở Thụy Sĩ, văn phòng biên tập đặt ở Trung Quốc, Tây Ban Nha, Serbia và Anh. Văn phòng hoạt động chủ yếu ở Trung Quốc. Tổng số tạp chí của nhà xuất bản này là 227. Các tạp chí này sẽ có các mức phí đăng bài báo khác nhau.
Tương tự như vậy, các tạp chí thuộc Growing Science (http://growingscience.com/) mặc dù không khẳng định thu tiền phí đăng bài nhưng lại thu tiền dưới dạng sửa bài. Đây là một cách thu phí tiền đăng bài một cách tinh vi. Điều nổi bật của những tạp chí thuộc Growing Science là thời gian gửi bài và đăng bài rất nhanh, khoảng 1 tháng.
Theo tiến sĩ Lê Nam, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ  tại University College Dublin (Ireland), chuyện công bố “tạp chí dỏm” không phải chỉ có ở Việt Nam. “Có rất nhiều nơi công bố “dỏm”, dù là tạp chí hay hội nghị, chấp nhận đăng các công trình khoa học kém chất lượng với mục đích chính là thu tiền. Một số cá nhân ở các quốc gia đang phát triển giáo dục khoa học đã lợi dụng điều này”, tiến sĩ Nam nhận định. 
Đăng Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.