Bộ GD-ĐT có quyết định về việc thưởng bài báo được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI và SCIE năm 2019.
Theo đó, thưởng tiền cho tác giả của 2.412 bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín thuộc danh mục trên.
Tổng kinh phí dành cho xét thưởng là 8 tỉ đồng, trích từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ năm 2020 của Bộ GD-ĐT. Mức thưởng tối thiểu đối với một bài báo là 2 triệu đồng.
Theo danh sách xét thưởng, có 2.412 bài báo thuộc 33 cơ sở giáo dục đại học. Dẫn đầu danh sách năm 2019 là Trường ĐH Bách khoa Hà Nội với 375 bài báo với mức thưởng trên 1,2 tỉ đồng.
Tiếp đến là ĐH Huế 225 bài với trên 750 triệu đồng, ĐH Đà Nẵng 177 bài với trên 600 triệu đồng, ĐH Thái Nguyên 166 bài 537 triệu đồng…
Đáng chú ý, một số đơn vị có số bài báo đăng trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong năm qua ở mức thấp như: Học viện Quản lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Thể dục thể thao TP.HCM, Trường ĐH Hà Nội (mỗi đơn vị 1 bài). Bên cạnh đó, Trường ĐH Mở Hà Nội có 6 bài, Trường ĐH Kiên Giang 7 bài, Trường ĐH Thương Mại 10 bài…
Số lượng bài báo và mức thưởng từng trường như bảng sau:
Trước đó, trong năm 2019 Bộ GD-ĐT đã chi trên 6,1 tỉ đồng cho 1.718 bài báo quốc tế ở 28 cơ sở đào tạo ĐH trực thuộc bộ này. Mức thưởng tối thiểu cho 1 bài báo quốc tế là 2 triệu đồng.
Mức thưởng tối thiểu 2 triệu đồng/bài báo của Bộ GD-ĐT là mức thưởng ổn định trong các năm gần đây. Trong khi đó, một số trường ĐH hiện áp dụng nhiều mức thưởng cao hơn cho các công bố khoa học quốc tế uy tín. Chẳng hạn, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thưởng tới 200 triệu đồng/bài trên tạp chí khoa học thuộc danh mục cơ sở dữ liệu của ISI hoặc Scopus có chỉ số trích dẫn IF lớn hơn 2. Chính sách này áp dụng đến hết năm 2020.
Nhiều năm qua, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) thưởng 1.500 USD/bài báo quốc tế ISI (hơn 30 triệu đồng) cho giảng viên có công bố khoa học vượt quy định.
Bình luận (0)