Mùa dịch Covid-19, giảng viên có kỹ năng 'đỉnh cao' trong dạy trực tuyến

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
25/02/2020 19:02 GMT+7

'Mọi người ơi mọi người ơi, các bạn ơi các bạn ơi dậy đi nào…', đó là lời mở đầu của giảng viên Lương Thị Nhung khi bắt đầu buổi học trực tuyến ca 7 giờ 30 sáng của mình.

Phải “xì tin” như sinh viên

Thạc sĩ Lương Thị Nhung, giảng viên khoa Cơ bản của Trường CĐ thực hành FPT polytechnic trong những ngày nghỉ vì dịch Covid-19 vừa qua, trở nên “xì tin” hơn hẳn. Vì theo cô Nhung, phải “teen” như sinh viên (SV) thì mới thu hút được trong các buổi dạy trực tuyến.
Ca dạy đầu tiên của thạc sĩ Nhung bắt đầu từ 7 giờ 30, giờ mà có khi nhiều SV còn đang ngái ngủ. Chính vì vậy, cô phải khuấy động không khí bằng cách nói vào mic y như... những người bán hàng online vẫn thường sử dụng để kêu gọi sự chú ý của khách hàng: “Mọi người ơi mọi người ơi, các bạn ơi các bạn ơi…”. Khi gọi tên các bạn mà chưa thấy mở camera để thấy hình thì cô Nhung sẽ hát luôn khiến cả lớp ai cũng cười nghiêng ngả.

Thạc sĩ Lương Thị Nhung được sinh viên rất yêu thích khi dạy online

NVCC

Nhiệt độ tại Việt Nam có giết chết virus corona hay không? | Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng giải đáp

Thạc sĩ Nhung kể: “Có nhiều bạn nghiêm túc lắm nha, ngày nào cũng mặc đồng phục của trường lên học online, hoặc đầu tóc cũng vuốt keo rất đẹp. Để lớp vui thì sau mỗi câu trả lời của mỗi bạn, mình lại yêu cầu cả lớp đều mở mic và vỗ tay (bình thường khi giảng viên nói thì SV sẽ tắt mic để không bị hú, khi thảo luận hoặc có ý kiến gì thì SV mở mic để hỏi). Mỗi buổi học sẽ có ít nhất một bạn kể một câu chuyện hài cho cả lớp vui vẻ, phấn khích. Học trực tuyến, bên cạnh truyền tải kiến thức thì cũng cần phải duy trì lửa để sinh viên không chán, không 'out' khỏi màn hình”.
Được biết, thạc sĩ Lương Thị Nhung dạy môn kỹ năng học tập và kỹ năng làm việc. Hai môn này đề cao sự tương tác trực tiếp nên tuần đầu dạy online cô Nhung cảm thấy khá mệt, không có người thật ở cùng để cho ví dụ nên một mình phải diễn nhiều vai trong các tình huống. Chưa kể kết nối mạng của SV ở tỉnh có thể chập chờn, nói xong, hướng dẫn xong, làm xong thì SV hỏi lại "cô ơi lúc nãy mạng rớt, em chưa nghe rõ, chưa thấy rõ". Ca thứ 2 của cô Nhung vào lúc 9 giờ 45 - 11 giờ 45. Để dạy suôn sẻ được cả 2 ca thì cô Nhung phải kết hợp cả máy tính và điện thoại.
Cô Nhung kể tiếp: “Có hôm một bạn SV đi chơi Valentine ở nhà bạn gái, không thấy online nên mình gọi nhắc học. Cậu ấy đã mở điện thoại lên học, lúc bị bạn gái nhéo tai, cô và cả lớp chụp được màn hình cười quá trời. Có bạn xài 3G hết tiền cúp mạng lại chạy ra tiệm net học tiếp. Có bạn đang học, mẹ gọi ra khiêng đồ giúp mẹ, chạy vô thì không biết cô vừa hỏi gì. Mình thì đã biết dùng phần mềm ảo ảo để nói chuyện với SV”.

Không còn bỡ ngỡ với giảng dạy trực tuyến

Với thạc sĩ Hoàng Ngọc Long, giảng viên Khoa CNTT, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, hiện dạy môn cơ sở dữ liệu và môn ngôn ngữ lập trình Java, thì việc tìm cách để thu hút SV trong mỗi buổi dạy là điều vô cùng quan trọng. Hiện thầy Long sử dụng hệ thống iStudy của trường kết hợp với các công cụ khác như YouTube, Microsoft Office 365, Zalo, Facebook, để hỗ trợ việc dạy học online.

Thạc sĩ Hoàng Ngọc Long trong buổi học trực tuyến sáng 25.2

NVCC

Thầy Long cho biết: “Trong quá trình dạy, tôi điểm danh để tăng mức độ tương tác với SV. Tuy nhiên, thường điểm danh chỉ chiếm khoảng 5% trong môn học, phần trọng tâm sẽ là bài tập cá nhân và bài tập nhóm, thi giữa kỳ, thi cuối kỳ. Số lượng các em tham gia gần như đầy đủ. Sau buổi học trực tuyến, tôi cũng có ghi lại video bài giảng để các bạn có thể xem lại sau. Tôi thường đặt câu hỏi cho lớp hoặc cho một bạn bất kỳ để tăng tính tương tác và giúp buổi học thêm hứng thú”.
Đôi khi cũng có tình huống thú vị trong lớp học của thầy Long, như đang thảo luận trên nhóm ở Microsoft Teams, nhưng SV này bị rớt ra khỏi nhóm nên phải… trả lời qua Zalo. Có những bạn lần đầu tham gia lớp trên Microsoft Teams nhưng chưa biết cách bật mic khi nói chuyện, sau đó chat hỏi thầy qua Zalo là nãy giờ em nói quá trời mà sao không thấy ai trả lời…

Nhìn lại tròn 1 tháng Việt Nam chống lại dịch bệnh Covid-19

Thạc sĩ Phan Ái Nhi, giảng viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, đang phụ trách các môn pháp luật đại cương, luật du lịch và luật kinh tế, chia sẻ: “Để lớp học sinh động hơn, cũng như để ghi nhận thái độ tích cực, nghiêm túc của SV thì giảng viên phải tương tác với SV bằng cách nêu những câu hỏi ngắn hay câu hỏi trắc nghiệm hoặc bài tập tình huống, sinh viên có thể trả lời nhanh bằng cách tương tác trên diễn đàn của lớp. Nếu tích cực, SV đều được tích lũy điểm cộng, và giúp các em đạt điểm kết thúc học phần cao hơn so với những SV học thụ động”.
Theo thạc sĩ Ái Nhi, để thu hút SV, các ví dụ, các đề tài thảo luận mà cô đưa ra thường là những vấn đề mới và nhiều người quan tâm, hoặc những vụ việc hay vụ án tuy không còn mới nữa nhưng đó lại là những vụ án nổi tiếng mà ai cũng biết. Ngoài ra, giảng viên còn phải hiểu được tâm lý của SV. “Đôi khi, cách giảng, cách diễn đạt phải đời thường (thay vì sử dụng ngôn ngữ khoa học pháp lý) để SV dễ hiểu hơn; gương mặt, giọng nói của giảng viên phải tươi, vui vẻ, có phần hài hước (khi cần), thậm chí giảng viên phải cập nhật cả những ký hiệu ngôn ngữ tuổi "teen" để gần hơn với SV, để hiểu SV hơn. Điều này cho thấy bản thân mỗi giảng viên phải luôn luôn tìm tòi, sáng tạo”, Nhi bày tỏ.
Thầy Nguyễn Quốc Vỹ, giảng viên Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, cũng cho biết sau khi nhiều trường triển khai dạy online, người học phải học online để ôn tập, bổ sung kiến thức thì giảng viên không thể “đứng ngoài cuộc”. “Trước đây, tôi dạy với bảng đen phấn trắng, dùng máy móc, trang thiết bị để hướng dẫn thực hành là chủ yếu thì nay tôi phải thiết kế bài giảng cho sinh động, dễ hiểu để người học dù có học online hay tự học cũng dễ tiếp thu. Và như vậy, ngoài kiến thức chuyên môn, tôi phải tự tìm hiểu, tự học hỏi thêm về công nghệ thông tin để thiết kế bài giảng, cũng như giảng dạy trực tuyến. Cũng nhờ vậy mà tôi có thêm cơ hội để học thêm, có kỹ năng và áp dụng vào công việc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.