Năm học 'bản lề'

15/08/2017 08:47 GMT+7

Từ ngày 14.8, học sinh bắt đầu tựu trường. Năm học 2017 - 2018 được xem là năm 'bản lề' để chuẩn bị thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT bắt đầu từ năm 2018.

Đẩy nhanh tiến độ ban hành chương trình môn học mới
Theo Chỉ thị về nhiệm vụ chủ yếu năm học 2017 - 2018 của Bộ GD-ĐT, toàn ngành giáo dục tiếp tục triển khai 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản.
Trong nhiệm vụ về đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông, Bộ trưởng GD-ĐT yêu cầu: Đẩy nhanh tiến độ ban hành các chương trình môn học giáo dục phổ thông; triển khai biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo chương trình mới; tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo hướng tinh giản, tiếp cận định hướng chương trình giáo dục phổ thông mới.
Các địa phương tích cực chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; các trường sư phạm tích cực tham gia vào đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Về vấn đề đội ngũ, trong năm học này sẽ ban hành các chuẩn giáo viên và cán bộ quản lý, giảng viên sư phạm làm cơ sở để các địa phương, các trường sư phạm thực hiện rà soát, quản lý, sắp xếp, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn; có biện pháp xử lý đối với giáo viên, cán bộ quản lý chưa đạt chuẩn tối thiểu, không đáp ứng yêu cầu công việc.
Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD-ĐT, tăng cường tự chủ của các nhà trường trong việc xây dựng kế hoạch phát triển chương trình giáo dục nhà trường; đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.
Xây thêm trường, siết chặt các khoản thu
Hà Nội hiện có gần 2.700 trường học với hơn 1,8 triệu học sinh các cấp học, tăng so với năm học trước 42 trường và 95.000 học sinh.
Năm 2017, thành phố đã đầu tư 244 tỉ đồng xây dựng 7 trường THPT và hơn 4 tỉ đồng chống xuống cấp cho các trường. Cũng trong giai đoạn này, 20 dự án đầu tư xây dựng trường học được tích cực triển khai với tổng mức đầu tư hơn 850 tỉ đồng. Đây cũng là năm học toàn ngành tập trung cho việc thực hiện kiên cố hóa trường, lớp với hơn 3.700 phòng học được xây mới để thay thế các phòng học tạm, học nhờ. Tỷ lệ phòng học kiên cố là hơn 92%. Hà Nội cũng đã hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, công chức, viên chức ngành giáo dục giai đoạn 2011 - 2016 với tổng kinh phí 56.262 tỉ đồng.

tin liên quan

Điểm chuẩn sư phạm giảm sút: Nỗi lo chất lượng giáo viên
Năm học mới bắt đầu, trong rất nhiều nỗi lo thường trực vào mỗi mùa tựu trường, năm nay trỗi lên sự bất an về chất lượng nhà giáo khi dư luận đang sôi sục về điểm chuẩn của ngành sư phạm, nhất là ở các trường cao đẳng sư phạm địa phương, thí sinh chỉ cần 3 điểm mỗi môn đã trúng tuyển.

Một trong những vấn đề “nóng” của Hà Nội là việc quá tải trường lớp ở nhiều quận nội thành. Xung quanh vấn đề này, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết trong năm học tới sẽ tiếp tục rà soát quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Đối với khu vực nội thị, quy hoạch trường, lớp theo hướng mở rộng ra khu vực ngoại thành để khắc phục tình trạng sĩ số lớp quá đông.
Để ngăn chặn tình trạng lạm thu Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết các khoản được phép thu và không được phép thu trong nhà trường. Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục. Có hình thức xử lý nghiêm, kịp thời đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện thu chi không đúng quy định. Hiệu trưởng các trường sẽ phải chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý về những khoản thu chi sai quy định.
TP.HCM tăng gần 60.000 học sinh
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2017 - 2018 có hơn 1,6 triệu học sinh các bậc tiểu học, THCS, THPT và giáo dục thường xuyên tựu trường và chính thức bước vào năm học mới từ ngày 14.8.
So với năm học trước, năm nay số lượng học sinh tăng gần 60.000. Học sinh tăng tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, tại các quận như: Gò Vấp, Thủ Đức, 12, Bình Tân và các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn do đây là khu vực đang được đô thị hóa nhanh. Dự kiến sẽ có khoảng hơn 1.479 phòng học mới được đưa vào sử dụng; trong đó mầm non tăng 287 phòng, tiểu học tăng 198, THCS tăng 262 và THPT tăng 213 phòng. Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã tham mưu và được Thường trực UBND TP thống nhất đề xuất năm học 2017 - 2018 sẽ giữ nguyên mức học phí, không tăng so với năm 2016 - 2017. Theo kế hoạch của UBND TP, thời gian học kỳ 1 sẽ bắt đầu từ ngày 14.8 - 31.12.2017, học kỳ 2 bắt đầu từ 2.1 - 25.5.2018.
Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, dự kiến tuyển dụng 5.274 giáo viên nhằm thay thế giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc và phục vụ cho các trường mới thành lập.    
Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.