Điểm chuẩn sư phạm giảm sút: Khi cung vượt cầu

Mấy năm qua, mỗi năm có khoảng trăm nghìn giáo sinh tốt nghiệp trong khi nhu cầu tuyển dụng giáo viên của các địa phương rất ít.

Thậm chí, lãnh đạo ngành giáo dục của nhiều tỉnh tuyên bố tỉnh sẽ không có nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong một khoảng thời gian dài và khuyên sinh viên tỉnh nhà cân nhắc thi vào trường sư phạm.
Đây là những dấu hiệu để dẫn đến thực trạng hiện nay: đầu vào các trường sư phạm ngày một giảm sút.

tin liên quan

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM xét tuyển bổ sung
Từ nay đến hết ngày 23.8, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển bổ sung đợt 1. Theo đó, trường xét tuyển bổ sung 9 ngành theo 2 phương thức.

Xác định chỉ tiêu không căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng
Tôi không rõ trường sư phạm đóng trên địa bàn đào tạo giáo viên để cung cấp cho thị trường nào. Còn giáo viên THPT của Nghệ An thì chúng tôi không có kế hoạch tuyển dụng hằng năm, chỉ lúc nào thiếu mới đề xuất tuyển mà kể cả có tuyển thì cũng rất ít
NGUYỄN THỊ KIM CHI - Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An
Theo thống kê, năm nay chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm của cả nước là 55.611 (bao gồm các trình độ ĐH, CĐ và trung cấp). So với năm 2014 với 91.230 chỉ tiêu là giảm gần một nửa. Dù chính sách giao chỉ tiêu cho các trường năm nay là cho các trường tự xác định căn cứ vào các điều kiện đảm bảo chất lượng, nhưng riêng với khối trường sư phạm, Bộ GD-ĐT cũng khá mạnh tay cắt giảm. Chẳng hạn Trường CĐ Hải Dương, năm nay Bộ cắt giảm còn 50% so với năm ngoái với 1.180 chỉ tiêu và là trường CĐ có chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm lớn nhất nước.
Mặc dù lãnh đạo nhiều trường sư phạm địa phương cho rằng Bộ cắt giảm chỉ tiêu thiếu thuyết phục nhưng cũng xác nhận việc xác định chỉ tiêu của các trường hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào năng lực đào tạo của các trường, còn khảo sát tình hình tuyển dụng tại địa phương nếu có cũng chỉ là một kênh tham chiếu chứ không phải là một căn cứ để quyết định.
Ông Cao Văn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương (Phú Thọ), nói: “Các trường vẫn có đủ giảng viên thì người ta vẫn đăng ký chỉ tiêu theo nghĩa là chỉ tiêu có thể đào tạo được. Thực tế mâu thuẫn ở chỗ, có thể có chỉ tiêu nhưng không tuyển sinh được vì nhu cầu tuyển dụng ít”. Ông Văn giải thích: “Sinh viên tốt nghiệp nhiều ngành sư phạm những năm trước chưa xin được việc, tồn lại thì dồn cho những năm sau nên tình trạng càng trầm trọng, ảnh hưởng việc tuyển sinh sau này”.
Cũng theo ông Văn, trước khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh, trường cũng đã khảo sát nhu cầu việc làm ở địa phương và nhận thấy có một số ngành như hóa, sinh ở các trường THCS còn rất thiếu giáo viên nhưng chỉ tiêu biên chế của tỉnh lại không có với giáo viên các môn này.

tin liên quan

Điểm chuẩn sư phạm giảm sút: Nỗi lo chất lượng giáo viên
Năm học mới bắt đầu, trong rất nhiều nỗi lo thường trực vào mỗi mùa tựu trường, năm nay trỗi lên sự bất an về chất lượng nhà giáo khi dư luận đang sôi sục về điểm chuẩn của ngành sư phạm, nhất là ở các trường cao đẳng sư phạm địa phương, thí sinh chỉ cần 3 điểm mỗi môn đã trúng tuyển.

Còn ông Trịnh Văn Tâm, Phó phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho biết: “Thực tế thị trường lao động ngành sư phạm ở một địa phương như Thanh Hóa thì bậc học mầm non, tiểu học đang có cửa, còn THCS, THPT gần như đóng kín, không có cơ hội để tuyển dụng. Số lượng học sinh THPT Thanh Hóa đang ổn định, mà theo một chỉ thị của tỉnh thì Thanh Hóa sẽ càng ngày càng giảm chỉ tiêu tuyển sinh vào THPT để phấn đấu đến 2020 là chỉ còn 70% học sinh tốt nghiệp THCS vào THPT, 30% đi học nghề. Như vậy quy mô học sinh THPT tương đối ổn định và có xu hướng giảm nhẹ. Nhu cầu tuyển mới chỉ nhìn vào việc thay thế đội ngũ về hưu, nên rất ít”.
Địa phương không có thông tin về đào tạo của trường
Nhiều lãnh đạo sở GD-ĐT cho phóng viên Thanh Niên biết việc các trường tuyển sinh, đào tạo thế nào, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của địa phương đến đâu, lãnh đạo Sở hầu như không hề có thông tin.
Ông Đặng Phương Bắc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình, cho biết: “Sở GD-ĐT không quản lý các trường sư phạm mà trực thuộc UBND tỉnh nên tôi không biết thực tế tuyển sinh của họ ra sao. Tỉnh sẽ trực tiếp giao chỉ tiêu cho các trường căn cứ vào định biên biên chế do tỉnh xác định. Chúng tôi không tham gia vào việc xác định chỉ tiêu này”.

tin liên quan

Nhìn từ điểm trúng tuyển các trường sư phạm
Giáo dục, vì tính chất quán tính đặc biệt của nó, ảnh hưởng đến tương lai lâu dài hơn, bền bỉ hơn nhiều ngành nghề khác, nên đầu vào các ngành sư phạm luôn nhận được sự quan tâm của xã hội vào mỗi mùa tuyển sinh.

Ông Hoàng Văn Thi, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 4 đơn vị tham gia đào đạo sư phạm, trong đó đơn vị có quy mô đào tạo lớn nhất là Trường ĐH Hồng Đức. “Mấy năm nay, nhu cầu tuyển dụng bậc mầm non của tỉnh rất mạnh nhưng nhu cầu tuyển dụng giáo viên THPT thì rất ít, như năm nay chắc chỉ tuyển khoảng hơn 200 người. Dĩ nhiên nguồn tuyển của chúng tôi là khắp nơi, như Hà Nội, Vinh, Thái Nguyên, Huế, thậm chí cả Đà Nẵng… chứ không chỉ riêng Trường ĐH Hồng Đức”.
Còn ông Lê Văn Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hồng Đức, chia sẻ: “Trừ ngành sư phạm mầm non 100% sinh viên ra trường có việc làm, các ngành sư phạm bộ môn dạy ở các trường THCS, THPT thì tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm sau năm đầu tiên khoảng 40%”.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, cũng cho biết tuy ngay tại địa phương có một trường ĐH, trong đó chủ yếu đào tạo sư phạm nhưng nguồn tuyển giáo viên của thành phố là khắp nơi mà chỉ là với các cấp học mầm non, tiểu học, THCS.
Còn tuyển dụng giáo viên THPT thì nhiều năm nay không có. Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cũng nói: “Tôi không rõ trường sư phạm đóng trên địa bàn đào tạo giáo viên để cung cấp cho thị trường nào. Còn giáo viên THPT của Nghệ An thì chúng tôi không có kế hoạch tuyển dụng hằng năm, chỉ lúc nào thiếu mới đề xuất tuyển mà kể cả có tuyển thì cũng rất ít”. (Còn tiếp)
Bộ GD-ĐT không tham gia việc tuyển dụng giáo viên ở địa phương
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ GD-ĐT), cho biết Bộ không được tham gia công tác tuyển dụng ngành sư phạm ở các địa phương. Hiện nay, hoạt động này do Bộ Nội vụ quản chung theo Nghị định 29/2012-NĐ-TTg về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Vì vậy, các địa phương xây dựng đề án vị trí việc làm là gửi thẳng lên Bộ Nội vụ để duyệt chứ không báo cáo Bộ GD-ĐT bao giờ. "Hiện tại chúng tôi cũng đang kiến nghị sửa Nghị định 29 vì các bộ ngành khác không được tham gia công tác tuyển dụng nên không nắm được thực tiễn, điều đó sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước đối với ngành", ông Minh nói.
Theo ông Minh, số liệu về tình hình giáo viên thừa thiếu bao nhiêu, nhu cầu dự kiến năm tới thế nào thì Bộ GD-ĐT cũng nhận được báo cáo từ các sở GD-ĐT địa phương, song chỉ theo dịp như tổng kết học kỳ hay tổng kết ngành trong khi việc tuyển dụng ở các địa phương thì diễn ra quanh năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.