Năm học mới, nhiều trường lên phương án dạy trực tuyến

Bích Thanh
Bích Thanh
05/08/2021 00:00 GMT+7

Chủ động xây dựng kế hoạch học trực tuyến cho năm học mới với các phương án dự phòng cho nhiều tình huống trong bối cảnh dịch Covid-19 là công việc mà các trường tại TP.HCM đang thực hiện chuẩn bị năm học mới.

Xây dựng sẵn mô hình lớp học ảo

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, Hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì (TP.Thủ Đức), cho biết trên nền tảng là kế hoạch giáo dục năm học trước, nhà trường xây dựng dự thảo chương trình, hoạt động giáo dục chuẩn bị cho năm học 2021 - 2022. Trong đó có dự trù tình huống, lên phương án, phân công giáo viên trong trạng thái bình thường mới, tổ chức dạy học trực tiếp 2 buổi/ngày, tổ chức bán trú và các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm phù hợp.
Còn nếu năm học diễn ra trong bối cảnh đặt ra yêu cầu phải tổ chức dạy và học theo hình thức trực tuyến thì cũng lên phương án xây dựng thời khóa biểu phù hợp, phân công giáo viên, tổ chức các hoạt động khuyến khích, động viên học sinh trong thời gian không thể đến trường học tập trung.
Đồng thời, theo bà Thanh Trúc, trong tình huống nếu học trực tuyến thì nhà trường còn phải chuẩn bị việc hỗ trợ học sinh không có đủ điều kiện theo phương tiện học tập khi ứng dụng công nghệ thông tin.
Hay tại Trường THPT Nguyễn Du (Q.10), nhà trường đã tổ chức cuộc họp hội đồng chuyên môn, hội đồng sư phạm theo hình thức trực tuyến để bàn công tác chuẩn bị cho năm học mới.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay thời gian tới khi có kế hoạch, nhiệm vụ năm học mới, nhà trường sẽ điều chỉnh, bổ sung những nội dung mới để không bị động trong tình hình dịch bệnh. Trong công tác chuyên môn, nhà trường xây dựng 3 phương án giảng dạy thích ứng cho từng giao đoạn là trực tiếp, trực tuyến và kết hợp cả hai phương thức trên.
Bên cạnh đó nhà trường lưu ý các hoạt động từ quản lý đến giảng dạy đều phải ứng dụng công nghệ thông tin để đảm bảo công tác phòng dịch. Đặc biệt xây dựng sẵn mô hình lớp học ảo để kịp thời áp dụng trước những tình huống bất ngờ.
Lãnh đạo trường này nói thêm, trong năm học mới, nhà trường chú trọng xây dựng các chuyên đề kỹ năng theo định hướng tâm lý học đường. Trong bối cảnh dịch bệnh, cuộc sống có nhiều thay đổi, giáo viên tâm lý cần kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về tâm lý, giải tỏa những bức bối, truyền năng lượng tích cực cho học trò.
Và cũng để chuẩn bị cho năm học mới, ông Nguyễn Khắc Huy, Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Bình, nói những công việc có thể chủ động thực hiện thì Phòng giáo dục đã tổ chức như tập huấn giáo viên, bồi dưỡng chuyên môn hè... Để khi quyết định chính thức của năm học thì các trường tiếp tục thực hiện theo lộ trình hằng năm.

Nên giao quyền chủ động cho địa phương

Dù chủ động chuẩn bị những công việc có thể thực hiện khi năm học mới sắp đến trong thời điểm dịch bệnh phức tạp nhưng lãnh đạo phòng giáo dục một số quận huyện e ngại không biết năm học sẽ diễn ra như thế nào nếu bắt đầu thời gian như mọi năm.
Một trưởng phòng giáo dục cho hay hiện giờ công tác tuyển sinh đầu cấp mỗi quận huyện cũng khác nhau. Có nơi thì đã có danh sách học sinh nhưng có nơi thì còn chờ phụ huynh đăng ký cho con em vì bị ảnh hưởng của dịch. Thêm vào đó, hầu hết quận huyện đều có cơ sở giáo dục trưng dụng làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến, điểm chích vắc xin mà chưa biết cụ thể lúc nào sẽ kết thúc. Thêm vào đó, tiến độ sửa chữa trường lớp cũng bị ảnh hưởng do thực hiện giãn cách xã hội nên việc chuẩn bị cho năm học mới còn khá ngổn ngang.
Lãnh đạo phòng giáo dục này còn nói thêm đó là quy mô của TP, tương tự, trên cả nước hiện nay mỗi địa phương cũng bị ảnh hưởng từ dịch bệnh cũng khác nhau. Chính vì vậy để không bị ảnh hưởng chung thì Bộ GD-ĐT nên giao quyền chủ động cho các địa phương về thời gian. Bộ chỉ cần đưa ra khung chương trình, số tuần thực học để từng nơi, tùy vào thực tế sẽ tổ chức năm học. Như vậy năm học mới không cứ phải bắt đầu vào tháng 9.
Tương tự ông Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), cũng cho rằng sự chủ động về thời gian bắt đầu năm học trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay là cần thiết. Thông thường mọi năm đến tầm này là học sinh chuẩn bị tựu trường, sau ngày khai giảng là bước vào tuần thực học đầu tiên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, năm nay dịch bệnh tác động lớn, phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, công tác tuyển học sinh cho năm học mới còn chưa hoàn tất nên Bộ cần có những điều chỉnh phù hợp.
Theo đó, ông Bình cho rằng Bộ nên đưa ra khung thời gian năm học theo hướng mở, tùy tình hình địa phương chủ động xây dưng kế hoạch năm học sao cho đảm bảo chương trình giáo dục.
Quy định tựu trường sớm nhất 1.9
Ngày 4.8, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định số 2551 về khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Theo đó, các mốc thời gian tựu trường, khai giảng cơ bản giống các năm chưa xảy ra dịch bệnh. Trong khi trên thực tế, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và chưa biết kéo dài đến bao giờ.
Cụ thể, Bộ GD-ĐT quy định, thời gian tựu trường sớm nhất vào ngày 1.9. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất từ ngày 23.8. Tổ chức khai giảng ngày 5.9. Kết thúc học kỳ 1 trước ngày 16.1.2022, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ 2 trước ngày 25.5.2022 và kết thúc năm học trước ngày 31.5.2022; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30.6.2022; hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp học trước ngày 31.7.2022; thi tốt nghiệp THPT, thi học sinh giỏi quốc gia và thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. 
Tuệ Nguyễn
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.