Người thầy đáng kính của nhiều thế hệ sinh viên

Nhà giáo Trần Chút từ trần vào tối 1.10. Thầy sống và ra đi thản nhiên trước danh vị, lợi lộc, trước những ồn ào, thị phi. Là người không có học hàm học vị mà vẫn nhận được sự trọng nể của đồng nghiệp, học trò.

 

Nhiều công trình nghiên cứu việt ngữ có giá trị

Không thể nói hết niềm vui của mọi người khi ra đón thầy. Ai cũng cảm thấy lo lắng vì so với mấy tháng trước thầy gầy đi nhiều, vẻ hốc hác hiện rõ trên gương mặt và dáng đi hơi liêu xiêu. Thầy vốn nhanh nhẹn, tinh anh mà xuống sắc như thế khiến mọi người lo lắng. Thầy bình thản cho biết thời gian gần đây bệnh ung thư máu của thầy trở nặng nên sức khỏe suy giảm nhanh.
Hôm nay thầy đến để gặp mặt mọi người trong bộ môn vì sợ sau này sức khỏe kém hơn thì sẽ không đi đâu được nữa. Thầy còn mang đến gửi tặng phần học bổng Cánh Buồm Xanh dành cho sinh viên ngành ngôn ngữ học như mọi năm thầy vẫn đều đặn hỗ trợ. Mọi người, không ai bảo ai, lặng đi, xúc động, lo âu vì lờ mờ cảm nhận được có lẽ đây là lần cuối được cùng ăn trưa với thầy. Với bộ môn ngôn ngữ học còn non trẻ, thầy luôn hết lòng, luôn dành cho sự giúp đỡ cả vật chất và tinh thần, mặc dù cuộc sống của thầy không dư dả gì.
Thầy sinh năm 1940 tại Quảng Trị. Năm 1964, thầy tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và từng là cán bộ kỳ cựu, thuộc thế hệ các nhà khoa học đầu tiên của Viện Ngôn ngữ học. Khi viết sách, thầy dùng bút danh Hồng Dân. Thầy đã cùng các nhà Việt ngữ học như Hoàng Tuệ, Nguyễn Kim Thản, Lê Xuân Thại… thực hiện nhiều công trình nghiên cứu Việt ngữ có giá trị khoa học, trong đó có cuốn Ngữ pháp tiếng Việt (tên bản thảo in ronéo là Mẹo tiếng Việt) xuất bản năm 1983. Hiện nay, cuốn sách này vẫn được giới nghiên cứu Việt ngữ đánh giá là cuốn ngữ pháp tiếng Việt chuẩn mực nhất từ trước đến nay. Thầy còn nhiều lần tham gia biên soạn sách giáo khoa môn tiếng Việt cho chương trình phổ thông trung học.

Tâm hồn nghệ sĩ và tấm lòng bao dung

Mọi người khi được tiếp xúc với thầy đều rất cảm mến người thầy có dáng dong dỏng cao, tác phong nhanh nhẹn, thần thái tinh anh. Thầy vốn kiệm lời nhưng qua cách nói chuyện sâu sắc, nhẹ nhàng, dí dỏm, mọi người dễ cảm nhận được vốn kiến thức ngữ học sâu rộng, ngữ cảm nhạy bén của một bậc thầy đáng kính. Những đồng nghiệp trẻ, những học trò nhỏ của thầy luôn nhớ về thầy và lưu giữ trong tâm trí hình ảnh người thầy có một nhân cách lớn, mang tâm hồn nghệ sĩ và một tấm lòng bao dung vô tận với đồng nghiệp và học trò. Thầy thản nhiên trước danh vị, lợi lộc, trước những ồn ào, thị phi. Thầy là người hiếm hoi không có học hàm học vị mà vẫn nhận được sự trọng nể của đồng nghiệp, của học trò...
Năm 2017, sau tiệc mừng sinh nhật lần thứ 80 của thầy, chúng tôi bày tỏ mong muốn thầy giữ gìn sức khỏe và hẹn thầy sẽ tổ chức tiệc mừng thọ thầy lần thứ 85. Thầy không nói gì, chỉ mỉm cười. Hôm gặp thầy ở tiệc trưa, chúng tôi có hứa với thầy sẽ giúp thầy in lại cuốn Mẹo tiếng Việt để phát hành rộng rãi. Cuốn sách đã được phân ra cho các thầy cô trong bộ môn ngôn ngữ học đánh máy lại và chúng tôi đang làm các thủ tục cần thiết để tái bản cuốn sách. Mọi người vừa làm vừa thầm mong cuốn sách sẽ kịp ra mắt vào dịp 20.11 năm nay và thầy sẽ đến tham dự sự kiện này. Vậy mà… giờ thầy đã đi rất xa. Một khoảng trống, tiếc thương để lại cho các đồng nghiệp, học trò.
Cánh Buồm Xanh - chương trình khai khóa và trao học bổng cho sinh viên bộ môn ngôn ngữ học - năm nay sẽ vắng bóng thầy nhưng những phần học bổng thầy trao tặng mỗi năm sẽ được gửi đến cho những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như là một sự khích lệ đáng quý trong bước đường học tập. Thầy trò bộ môn ngôn ngữ học chúng tôi sẽ luôn nhớ và lưu giữ những kỷ niệm đẹp về người thầy kính yêu.
Nhà giáo Nhân dân Trần Chút, tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội năm 1964, là giảng viên chính bộ môn ngôn ngữ học, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, nguyên Phó chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.HCM, nguyên Phó trưởng khoa Ngữ văn, Bí thư Chi bộ khoa. Ông đã từ trần hồi 19 giờ 35 ngày 1.10.2020 tại nhà riêng, hưởng thọ 81 tuổi.
Tác phẩm đã xuất bản: Nói và viết đúng tiếng Việt (viết chung, 1967); Ngữ văn tiếng Việt (viết chung, 1983); Tiếng Việt lớp 10 (chủ biên, 1990); Tiếng Việt lớp 11 (chủ biên, 1991); Dẫn luận Ngôn ngữ (viết chung, 1991); Rèn luyện cách viết (1987); 20 bài nghiên cứu về ngôn ngữ trên Tạp chí Ngôn ngữ và kỷ yếu các hội nghị khoa học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.