Cụ thể, cả 8/8 thành viên của hội đồng thẩm định vòng 2 bản thảo SGK đạo đức của Công nghệ giáo dục đều đánh giá là không đạt sau vòng thẩm định lần 2.
Trong biên bản, hội đồng thẩm định nhận xét: Các tác giả bản mẫu SGK đã nghiên cứu ý kiến góp ý của hội đồng thẩm định vòng 1 và đã sửa chữa bản mẫu SGK. So với vòng 1, bản mẫu SGK vòng 2 đã được chỉnh sửa khá nhiều.
Tuy nhiên, nhiều nội dung chỉnh sửa chưa đảm bảo đúng, chính xác theo các góp ý sửa chữa của hội đồng thẩm định vòng 1, đặc biệt là các góp ý của hội đồng về bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình môn học, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục trong SGK, về cấu trúc bài học. Bản mẫu SGK vòng 2 vẫn còn nhiều lỗi cần phải đầu tư nhiều thời gian để điều chỉnh, hoàn thiện. Như vậy, ở thời điểm hiện tại, bản mẫu SGK chưa đáp ứng được các quy định của Thông tư 33, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình môn đạo đức lớp 1.
Hội đồng thẩm định cho rằng với các ưu điểm đã có của bản mẫu SGK, các tác giả có thể tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện để thẩm định trong thời gian tới. Các tác giả cần bám sát nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình môn đạo đức lớp 1, Thông tư 33 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, bà Ngô Thị Tuyên, tác giả của bản thảo SGK đạo đức, cho rằng: Biên bản đánh giá của hội đồng thẩm định có một số vấn đề chưa hợp lý. Nhiều góp ý không chính xác, có chỗ vụn vặt, có chỗ không cụ thể, mâu thuẫn nhau, cứng nhắc và hình thức. “Ví dụ, họ cho rằng không có chủ đề quan tâm chăm sóc ông bà, thiếu chủ đề giúp đỡ em nhỏ... Tôi cảm thấy hội đồng không hiểu về dạy học lớp 1, đòi hỏi kỹ năng sư phạm khác hẳn. Ví dụ chủ đề yêu thương gia đình nhưng lại nhận xét là thiếu chủ đề giúp đỡ em nhỏ. Tư duy theo lý thuyết nhiều, căn cứ vào thông tư, quy định...”, bà Tuyên nói.
Bà Tuyên cho biết: “Ngày 5.10 khi tác giả gặp hội đồng thẩm định và có nói rằng tôi sẽ chỉnh sửa lại theo yêu cầu của hội đồng thẩm định và nộp lại đúng hạn theo yêu cầu vào ngày 14.10. Hội đồng thẩm định cho biết ngày 7.10 là hội đồng phải chốt trong khi theo lịch thì hội đồng thẩm định sẽ gặp tác giả vào ngày 2.10, đến ngày 7.10 thì hội đồng sẽ có biên bản đánh giá, ngày 14.10 tác giả sẽ phải nộp lại bản thảo đã chỉnh sửa ở vòng 2 và sau đó họ mới kết luận. Hội đồng thẩm định cho rằng tôi cần làm lại để đề nghị thẩm định lại từ đầu”.
Cũng liên quan đến diễn biến thông tin về sách của GS Hồ Ngọc Đại bị loại, ngày 7.10, PGS-TSKH Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, nguyên giảng viên cao cấp của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đã tiếp tục có thư (với tư cách cá nhân) gửi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi về những bức xúc xung quanh bộ sách toán và tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục bị loại bởi hội đồng thẩm định. Trong thư, sau khi dẫn lại diễn biến sự việc, PGS Nguyễn Kế Hào đề xuất một số nội dung với Phó thủ tướng, đồng thời mong muốn được gặp trực tiếp Phó thủ tướng để nêu quan điểm của mình.
Ông Hào tiếp tục khẳng định quan điểm cho rằng bộ sách Công nghệ giáo dục, về mặt khoa học, đã nhiều lần được nghiệm thu, thẩm định, từng bước hoàn thiện, khá ổn định và còn nguyên giá trị. Không nên nhìn nhận bộ sách do GS-TSKH Hồ Ngọc Đại chủ biên như sách cải cách giáo dục triển khai năm 1981 được điều chỉnh hoàn thiện từ giữa thập niên 1990, cũng không nên nhìn nhận nó như sách của chương trình tiểu học năm 2000 được triển khai và giảm tải, đang thực hiện.
Bình luận (0)