Ông bố hành hung bé trai lớp 1 sang chấn tâm lý: Tấm gương xấu cho con

Tấn Đạt
Tấn Đạt
14/07/2020 19:07 GMT+7

Không chỉ lên án hành động ông bố hành hung bé trai lớp 1 sang chấn tâm lý, nhiều người cho rằng chính ông bố đã tạo tấm gương xấu cho con mình.

Như Thanh Niên đã đưa tin, theo báo cáo của Phòng GD-ĐT TP.Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), ngày 8.7, bé N.G.K và bé P.H.L (cùng 7 tuổi, học lớp 1a3 Trường tiểu học Hữu Nghị) trêu đùa nhau trong giờ ra chơi và xảy ra mâu thuẫn.

Mặc dù đã được nhà trường hòa giải, nhưng do bức xúc, đầu giờ chiều 10.7, anh Phạm Duy Đức (42 tuổi, trú P.Hữu Nghị, TP.Hòa Bình; phụ huynh của bé L.) khi đưa con đi học, gặp bé K. ở cổng trường, đã yêu cầu bé đến chỗ khuất và hành hung khiến bé bị thương, chảy nhiều máu mũi, miệng. Theo chị Ngô Thị Ngọc (mẹ bé K.), sau khi bị hành hung, bé K. bị sang chấn tâm lý, sợ không dám đến trường. 

Lời người trong cuộc vụ “bé trai lớp 1 bị bố của bạn hành hung” ở Hòa Bình

Sự việc trên đã khiến nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc. Đồng thời nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục cho rằng đây không chỉ là một hành động làm hại người khác, mà còn làm hại chính đứa con của mình.

Nên trao đổi hoặc nhờ thầy cô giúp đỡ

Cảm thấy rất lo lắng và bất bình trước những hành động của anh Phạm Duy Đức, chị Hoàng Đỗ Minh Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ P.7, Q.10, TP.HCM, có con học lớp 6 tại Trường THCS Nguyễn Văn Tố, TP.HCM, cho biết phụ huynh hành xử như vậy là không đúng. Vì bênh vực con cái mà phải đánh nhau, đây thật sự là một tấm gương xấu.

“Bản thân phụ huynh phải thật bình tĩnh, không tạo áp lực cho con, làm bạn với con thì có chuyện gì con cũng tâm sự với mình”, chị Thảo nói.

Đồng quan điểm với chị Minh Thảo, thầy Phạm Thanh Tuấn, giáo viên bộ môn Giáo dục công dân Trường THCS - THPT Diên Hồng, TP.HCM, chia sẻ việc phụ huynh đánh con người khác là một hành động xấu. Các bạn trong lớp sẽ nghĩ như thế nào về một ông bố như thế, đồng thời đó cũng là một hình mẫu không tốt vì con trẻ có thể học theo.

“Các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh trao đổi lại với con, thầy cô phụ trách để xác định chính xác vấn đề lỗi thuộc về ai, và cùng đưa ra những hướng giải quyết đúng đắn. Đồng thời đối với các em học sinh, bất kỳ vấn đề gì khi nảy sinh mâu thuẫn hoặc gây tranh cãi, các em nên trao đổi hoặc nhờ thầy cô chủ nhiệm, hoặc cha mẹ hỗ trợ và giúp đỡ mình. Các em cũng không nên nhờ các bạn khác, anh chị lớn hơn để cùng giải quyết, vì họ không có trách nhiệm trong việc này và có thể làm trầm trọng thêm vấn đề”, thầy Tuấn cho biết.

Học sinh nên trao đổi hoặc nhờ thầy cô chủ nhiệm hoặc cha mẹ hỗ trợ và giúp đỡ mình khi xảy ra mâu thuẫn với người khác

Ảnh: Tấn Đạt (ảnh minh họa)

 

Sẽ không tốt cho sự phát triển nhân cách

Cô Lê Thị Thúy, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, bày tỏ mọi việc phải được giải quyết trên phương diện hòa giải để gỡ rối chứ phụ huynh không nên dùng vũ lực. Vì như thế phụ huynh sẽ vi phạm pháp luật, thứ hai ảnh hưởng đến tâm lý con người khác, thứ ba tạo tiền đề không tốt cho con của mình sau này. Đó là luôn dựa dẫm lại có ba, mẹ giải quyết khi có bạn nào làm gì mình, thì tính cách con mình cũng sẽ không tốt cho sự phát triển nhân cách sau này.  

Tự làm hại con mình

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi, công tác tại Công ty phát triển Giá trị sống, TP.HCM, cho biết vì yêu thương nên cha mẹ lo lắng cho sự an toàn của con là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, lấy lý do không hài lòng chuyện mâu thuẫn của con mà người lớn thẳng tay hành hung bạn của con mình dẫn đến sang chấn tâm lý hoặc thương tích là điều không chấp nhận được. Bởi pháp luật không cho phép mọi cá nhân tự giải quyết các mâu thuẫn của bản thân và gia đình bằng hành vi bạo lực.

"Việc cha mẹ dùng bạo lực để bảo vệ con lại trở thành tác dụng ngược. Thứ nhất hình ảnh bạo lực sẽ tác động xấu đến tâm lý của chính con mình khiến con có khuynh hướng tự bản thân hình thành những thói quen, hành động bạo lực hoặc trở nên sợ hãi, thiếu tự tin trong cuộc sống. Thứ hai, đứa trẻ của người có hành vi bạo lực sẽ dễ gặp nguy cơ bị bạn bè trong trường cô lập, kỳ thị, gây ảnh hưởng không tốt đến nhận thức cũng như tâm lý của trẻ. Vì vậy, thay vì bảo vệ con thì bạo lực đã khiến cha mẹ tự làm hại đến con mình", chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi nói.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Khánh Chi còn chia sẻ: "Sự bình an của con luôn là điều mong muốn của cha mẹ nhưng cha mẹ cần phải xử sự phù hợp với chuẩn mực đạo đức và quy phạm pháp luật. Đặc biệt cha mẹ cần tinh tế phát hiện những biểu hiện tâm lý và hành vi của con để kịp thời nhận biết những vấn đề con đang gặp phải. Người lớn cần đồng hành bên con trẻ bằng trái tim vị tha để con có thể chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Lắng nghe và thấu hiểu luôn là chìa khóa tốt nhất để giúp con giải quyết mọi tình huống xảy ra".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.