Cơ sở giáo dục đại học phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Bộ GD-ĐT vừa ra thông tư ban hành quy chế quản lý văn bằng, chứng chỉ, bao gồm: bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THTP, bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học (bằng tốt nghiệp đại học, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ), và các loại chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân. Đây là quy chế mới vừa có tính hợp nhất, vừa có tính thay thế cho các quy chế hiện hành (trong đó có một quy chế được ban hành từ năm 2007 và sửa đổi năm 2012, một quy chế được ban hành năm 2015), có hiệu lực từ ngày 15.1.2020.
Quy chế mới đưa ra 4 nguyên tắc trong quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, gồm: nguyên tắc quản lý thống nhất, đồng thời thực hiện phân cấp cho các sở GD-ĐT và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở đào tạo giáo viên, giáo dục đại học; văn bằng chứng chỉ chỉ được cấp một lần (trừ trường hợp bị ghi sai nội dung); nghiêm cấm mọi hành vi gian lận; bảo đảm công khai, minh bạch trong cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
Theo nguyên tắc thống nhất quản lý và phân cấp, giao quyền tự chủ về văn bằng, chứng chỉ thì Bộ GD-ĐT quy định chi tiết nội dung chính ghi trên văn bằng, phụ lục văn bằng giáo dục đại học; quy định mẫu bằng tốt nghiệp THCS, THPT, tốt nghiệp các ngành/trường đào tạo giáo viên, mẫu chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân; quy định nguyên tắc in phôi, quản lý, cấp phát, thu hồi, hủy bỏ văn bằng, chứng chỉ.
Các cấp sở, phòng GD-ĐT có trách nhiệm quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, quản lý việc sử dụng phôi bằng, chứng chỉ theo phạm vi được phân cấp; các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo giáo viên tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ.
Trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ được phân cấp cụ thể như sau: bằng tốt nghiệp THCS do trưởng phòng GD-ĐT cấp; bằng tốt nghiệp THPT do giám đốc sở GD-ĐT cấp; bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm do người đứng đầu cơ sở đào tạo giáo viên hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH có ngành đào tạo GV cấp; văn bằng giáo dục ĐH do giám đốc ĐH, hiệu trưởng trường ĐH, giám đốc học viện, viện trưởng viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo và cấp văn bằng ở trình độ tương ứng cấp (giám đốc ĐH cấp văn bằng giáo dục ĐH cho người học của các đơn vị đào tạo, nghiên cứu trực thuộc chứ không phải cho người học ở các trường ĐH thành viên); giám đốc sở GD-ĐT, thủ trưởng cơ sở GD cấp chứng chỉ cho người học theo quy định.
Yêu cầu công khai với cả văn bằng, chứng chỉ đã cấp
Đặc biệt, quy chế mới có một điều riêng yêu cầu thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ phải được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng, chứng chỉ phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học để phục vụ cho yêu cầu này. Tuy nhiên, yêu cầu này không áp dụng với cơ sở giáo dục của ngành công an, quân đội và một số trường hợp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Thông tin công bố công khai về cấp văn bằng, chứng chỉ gồm các nội dung: tên văn bằng, chứng chỉ; họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, chứng chỉ; số hiệu và số vào sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ; ngày tháng năm cấp văn bằng, chứng chỉ.
Thông tin công bố công khai về cấp văn bằng, chứng chỉ phải đúng với sổ gốc cấp văn bằng, chứng chỉ, phải được cập nhật và lưu trữ thường xuyên trên cổng thông tin điện tử của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ; bảo đảm dễ quản lý, truy cập, tìm kiếm và phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Việc công bố công khai thông tin về cấp, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ văn bằng chứng chỉ như trên được thực hiện với cả văn bằng, chứng chỉ đã được cấp trước ngày quy chế mới có hiệu lực thi hành.
Bình luận (0)