Sẽ có hướng xử lý phù hợp
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết quá trình lựa chọn, phê duyệt từng bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo chương trình mới rất công phu, nhưng không thể tránh khỏi có những sai sót, bởi thực tế đã có nhiều cuốn SGK dù được tái bản nhiều lần vẫn còn “sạn”. Sau một thời gian thực hiện, một bộ phận phụ huynh học sinh đã có ý kiến về ngữ liệu được sử dụng trong sách tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều. Bộ GD-ĐT đã giao cho các đơn vị trao đổi với tác giả, Hội đồng thẩm định SGK quốc gia xem xét trên tinh thần cầu thị, tiếp thu, có hướng xử lý phù hợp.
Tiến sĩ Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng các vấn đề liên quan đến giáo dục bao giờ cũng nhận được sự quan tâm, góp ý rất tâm huyết của cử tri, nhân dân, xã hội. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần tiếp thu trên tinh thần cầu thị. Những ý kiến xác đáng cần điều chỉnh kịp thời, hướng dẫn nhà trường, giáo viên truyền tải đầy đủ chương trình mới. Các vấn đề sâu về chuyên môn phải được thông tin phản hồi thấu đáo, đầy đủ, cụ thể.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, cho rằng đã là đổi mới thì phải có cái mới, và Bộ GD-ĐT phải có giải thích cặn kẽ, thuyết phục, còn những “hạt sạn” thì chúng ta phải “nhặt”, tiếp tục hoàn thiện.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định sẽ yêu cầu các tác giả, Hội đồng thẩm định SGK quốc gia rà soát, giải trình, tiếp thu, hoàn thiện để chất lượng SGK ngày càng tốt hơn. Tới đây, Bộ sẽ mở rộng thêm các kênh góp ý, phản biện nội dung các bộ SGK mới ngay từ khi nhóm tác giả, nhà xuất bản đề xuất bản thảo thẩm định. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh việc biên soạn các bài giảng điện tử với sự tham gia của tất cả các giáo viên, từ đó lựa chọn ra những bài giảng hay nhất, tốt nhất, trao đổi kinh nghiệm để có phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất. Từng bước đa dạng hóa nguồn học liệu cho giáo viên, tiến đến SGK chỉ còn là một trong những nguồn học liệu tham khảo để dạy học.
Nên chăng thay đổi quy trình, cách làm
Phát biểu tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các ý kiến dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn SGK tốt nhất. Do đó, Bộ GD-ĐT phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học. Có vấn đề thuộc chuyên môn sâu, ý kiến góp ý chưa chắc đã đúng, thì Bộ GD-ĐT phải có sự giải thích, trình bày lại một cách thuyết phục. Mặt khác, Bộ GD-ĐT cần xem xét tăng cường, điều chỉnh, bổ sung, nếu cần thiết, tất cả các quy trình về biên soạn, thẩm định, phê duyệt, tập huấn SGK mới cho giáo viên trong những năm tới.
“Bằng công nghệ thông tin, nên chăng chúng ta thay đổi cách làm, đối với bản thảo một cuốn SGK khi mới nộp cho Hội đồng thẩm định SGK quốc gia thì đưa lên mạng và kêu gọi giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cộng đồng, trong đó có các phụ huynh, cùng góp ý, “nhặt sạn” ngay từ đầu sẽ tạo thuận lợi hơn cho nhà xuất bản, Hội đồng thẩm định SGK quốc gia. Đông người “nhặt” thì chắc chắn “sạn” sẽ bớt đi”, Phó thủ tướng chia sẻ.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT cần đẩy mạnh hơn nữa việc biên soạn các bài giảng điện tử theo chương trình, SGK mới, từ đó các thầy cô giáo lựa chọn, tham khảo được những bài giảng tốt nhất, hay nhất và các tài liệu, kiến thức của mình để có các bài giảng phù hợp. Bởi trong cùng một thời gian giảng dạy, nếu thầy cô tạo được hứng thú thì học sinh sẽ không cảm thấy chương trình bị nặng, quá tải.
Hội đồng thẩm định đề nghị, tác giả có quyền không sửa ?
Theo thông tin từ Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt lớp 1, trong quá trình thẩm định, một số vấn đề dư luận phàn nàn về SGK tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh Diều hiện nay (như dùng từ ngữ khó hiểu, khó nhớ, ngữ liệu bài đọc không hay, không rõ tính giáo dục...) cũng đã từng được hội đồng thẩm định góp ý và đề nghị tác giả điều chỉnh. Tuy nhiên, tác giả sách đã bảo lưu quan điểm.
Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn trước việc hội đồng thẩm định đưa ra đề nghị điều chỉnh nhưng tại sao tác giả viết SGK vẫn “bảo lưu quan điểm” mà sau đó SGK vẫn được đánh giá là đạt với số phiếu cao?
PGS Lê Anh Vinh, Phó viện trưởng Viện Giáo dục Việt Nam, người tham gia viết SGK toán tiểu học theo chương trình mới, cũng từng cho biết: Hội đồng thẩm định làm việc theo tinh thần mở, tạo điều kiện cho các tác giả thay đổi. “Sách của tôi cũng được chỉ báo có tới khoảng 200 chi tiết cần sửa, nhưng có những cái chúng tôi tiếp thu, có những cái chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm và sau khi đối thoại thì được hội đồng thẩm định chấp nhận”, ông Vinh nói.
Theo quy định về thẩm định SGK, hội đồng thẩm định thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT theo tinh thần của Thông tư 33 (về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK). Thông tư này có 4 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí về SGK. Hội đồng thảo luận và xây dựng 40 minh chứng cần đạt để làm căn cứ thẩm định. Hội đồng làm việc độc lập với bản thảo và họp phân tích, kết luận lần 1, với sự tham gia của tác giả. Có 3 mức đánh giá bản thảo là “đạt”, “đạt nhưng phải sửa” và “không đạt”.
Những bản thảo được đánh giá là đạt nhưng phải sửa (những điểm chưa thích hợp chứ không phải sai), tác giả có 1 tháng để sửa và thẩm định vòng 2 (trình tự giống như vòng 1). Với SGK lớp 1 được thẩm định vừa qua, sau vòng 1, theo Bộ GD-ĐT, không có bản thảo nào “đạt” ngay, ngoài một số “không đạt”, hầu hết bản thảo “đạt nhưng cần sửa chữa”.
Thông tư 33 của Bộ GD-ĐT cũng quy định: “Nội dung mỗi cuộc họp của hội đồng phải được ghi biên bản có chữ ký của thành viên hội đồng dự họp và đại diện đơn vị tổ chức thẩm định”.
|
Nên có hội đồng thẩm định độc lập khi sử dụng SGK ?
Thông tư 33 mới có quy định: “Trường hợp hội đồng và nhóm tác giả SGK không có tiếng nói chung thì trong quá trình thẩm định, hội đồng có thể đề xuất với Bộ GD-ĐT để xin ý kiến chuyên môn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nếu cần thiết”.
Thời điểm công bố kết quả thẩm định SGK lớp 1, khi có ý kiến cho rằng sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại bị loại ngay từ vòng thẩm định đầu tiên có phải do cách thẩm định cứng nhắc, yêu cầu bộ sách nào cũng giống nhau? Đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) đã phủ nhận điều này và lý giải: Việc các nhóm tác giả có cách tiếp cận nội dung khác nhau đó chính là sự sáng tạo, đa dạng. Yêu cầu cốt lõi là SGK phải bám sát chương trình đã ban hành, tuân thủ nguyên tắc nhất quán trong các bộ sách từ lớp 1 - 12.
Cũng theo vị lãnh đạo Vụ Giáo dục tiểu học, vì tôn trọng sự dân chủ trong quy trình thẩm định SGK, tôn trọng ý kiến của hội đồng thẩm định và tác giả nên mới có quy định đề xuất “bên thứ ba” trong Thông tư 33. Tuy nhiên, quá trình thẩm định SGK lớp 1 vừa qua Bộ không nhận được đề nghị này từ cả phía tác giả và hội đồng thẩm định.
Xung quanh việc Bộ GD-ĐT đề nghị rà soát lại SGK tiếng Việt 1 bởi chính hội đồng đã thẩm định SGK đó, TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD-ĐT, đặt vấn đề: Có lẽ nên có một hội đồng thẩm định SGK trong khi sử dụng, hội đồng này cần độc lập với hội đồng thẩm định SGK trước.
Bình luận (0)