Sáng nay, 31.10, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Lê Hồng Phong (Hà Nội) và 63 điểm cầu (địa điểm tương ứng với 63 tỉnh/thành). Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Một trong những nội dung được Phó thủ tướng nhắc đến nhiều trong phát biểu của mình là những thành quả trong đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THTP 6 năm qua (khởi đầu được gọi là kỳ thi THTP quốc gia).
Theo Phó thủ tướng, năm nay là năm cuối cùng của lộ trình 6 năm đổi mới kỳ thi một cách chủ động. Mỗi một năm chúng ta đổi mới từng bước một, chưa năm nào tốt như năm nay là bởi đây là năm cuối cùng của lộ trình. Đến năm nay là hoàn thành lộ trình đó.
“Kỳ thi tới đây như thế nào là một chủ đề rất sâu, phải đáp ứng nhiều yêu cầu, kể cả hội nhập quốc tế, và phải đáp ứng mặt bằng chung của đất nước mình”, Phó thủ tướng nói rồi, rồi lưu ý: “Chúng ta chỉ nói đến thi nhưng quên mất nó chỉ là một phần trong mục kiểm định - đánh giá từ phổ thông đến đại học mà chúng ta đã đổi mới được nhiều trong 6 năm qua”.
Phó thủ tướng cũng cho rằng, một nước đang phát triển như Việt Nam thì khó mà đòi hỏi các vấn đề phải được như các nước phát triển. Câu chuyện thiếu cơ sở vật chất, thiếu biên chế, luơng giáo viên sẽ vẫn là những câu chuyện bị kêu ca hàng năm. Rồi các tiêu cực trong giáo dục, năm nào cũng có.
"Rồi chuyện thi, năm nào cũng có chuyện (đó là nguyên cớ để có nhiều ý kiến cho rằng cần phải bỏ đi), nhưng chúng ta vẫn kiên trì, để rồi sau 6 năm chúng ta mới thấy thành quả. Tới đây không phải là dừng lại, không đổi mới nữa, mà chỉ là hoàn thành chặng 1 của đổi mới. Tiếp đây ta sẽ đổi mới, bởi với giáo dục, đổi mới là một hành trình liên tục. Nên rất cần sự bình tĩnh nhìn nhận”, ông Đam nói.
Ông Đam cũng cho rằng, một giải pháp là chìa khóa cho đổi mới chính là xây dựng được một văn hóa giáo dục lành mạnh. Phải làm sao để từng trường học phải là biểu tượng cho văn hóa. “Chẳng hạn, trước nhiều thầy cô, tôi cũng xin nói thẳng thôi, là tất cả những thứ mà chúng ta vật vã, khổ sở về đổi mới thi cử, chưa thể giao về cho các địa phương, bởi thi chặt như thế còn ăn gian, còn xin điểm, còn đủ thứ. Cái đó chúng ta phải chấn chỉnh, với một tinh thần xây dựng để tất cả các cơ sở giáo dục phải là một thiết chế biểu tượng cho văn hóa. Tới đây chúng ta phải tập trung làm được”, ông Đam chia sẻ.
Phân định đúng sai của Trường ĐH Tôn Đức Thắng là phải theo luật
Trong phần phát biểu của mình, ông Đam cũng nhắc đến một kết quả nổi bật trong thời gian qua là chúng ta đã thực hiện được là tự chủ giáo dục đại học. Dù con đường đó còn phải tiếp tục, nhưng bước đầu chúng ta đã chứng minh được tính đúng đắn của nó, đã luật hóa được trong luật Giáo dục và luật Giáo dục đại học sửa đổi.
Ông Đam nhắc đến câu chuyện Trường đại học Tôn Đức Thắng (với việc ông Lê Vinh Danh bị kỷ luật) gần đây, một chủ đề khiến cho vấn đề tự chủ đại học lại được xới lên. “Chúng ta cần nhìn nhận bình tĩnh để nhận thấy rằng tự chủ được như trường Tôn Đức Thắng cũng chưa ăn thua gì so với tự chủ đại học đúng nghĩa. Tôi đã giao cho Bộ GD-ĐT lập một đoàn vào, do một đồng chí thứ trưởng dẫn đầu đoàn công tác vào để xem xét, cái gì đúng nói là đúng, cái gì sai nói là sai. Chúng ta sẽ ủng hộ việc tự chủ theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan chủ quản cấp trên không nên can thiệp vào hoạt động hành chính, chuyên môn của trường đại học” ông Đam cho biết.
Ông Đam khẳng định, tự chủ về mặt chuyên môn, về học thuật là hồn cốt của giáo dục đại học. Đại học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức mà còn phải là nơi tạo ra kiến thức, muốn thế thì phải được tự chủ về nhân lực, về bộ máy, về tài chính để phục vụ cho tự chủ về chuyên môn. Còn thế nào là đúng, là sai, thì cứ chiểu theo các quy định của pháp luật. Ngoài luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học còn có nhiều luật khác chi phối, như luật Công chức viên chức, hoặc đảng viên thì được chi phối bởi điều lệ của Đảng. Cho nên để giải quyết câu chuyện liên quan tới Trường đại học Tôn Đức Thắng thì phải bình tĩnh nhìn nhận.
Không lạc quan tếu, cũng đừng quá bi quan
Ông Đam cũng nhắc nhở, không để ngành giáo dục rơi vào các thái cực trong nhìn nhận, đánh giá. Trong giáo dục chúng ta có nhiều thành tựu, chẳng hạn đánh giá theo Pisa, đánh giá theo chỉ số nguồn nhân lực của Ngân hàng thế giới (tức là những đánh giá số đông với giáo dục phổ thông), chúng ta có những bước tiến rất tốt. Với đại học, 5 năm trước trước đây, từ chỗ ngoài 100 nước (nghĩa là không được xếp hạng), chúng ta tiến bộ dần, bây giờ đứng thứ 70.
Điều đó cho thấy Nghị quyết 29 của chúng ta đi đúng hướng, chúng ta đạt được những kết quả toàn diện. Nhưng mặt khác, giáo dục năm nào cũng có chuyện nọ chuyện kia, nếu không thận trọng thì chỉ nhìn vào từng vụ việc cụ thể, có cái trục trặc thì mất lòng tin, xóa bỏ đi hết các kết quả khác.
“Có cái thì chúng ta lạc quan tếu, ví dụ đánh giá Pisa, có một số cái mình chỉ đứng thứ mười mấy thôi, thì tưởng mình đã nhất thế giới. Cho nên phải tránh hai cái cực đoan đó, bình tĩnh lại để có lòng tin mà phấn đấu. Tôi nói thế để cho thấy chúng ta đã vượt lên được khó khăn để đạt được sự tiến bộ toàn diện ở nhiều mặt. Những điều đó, không vì một số điểm chúng ta chưa hài lòng, một số khiếm khuyết gần như là đương nhiên trong quá trình đổi mới, mà chúng ta làm mất đi lòng tin vào sự nghiệp đổi mới giáo dục. Xã hội kỳ vọng vào giáo dục rất cao, chúng ta phải luôn nỗ lực”, ông Đam nhắc nhở.
"Giáo dục không tách rời khỏi hoàn cảnh phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Giáo dục không làm ra tiền, mà còn tiêu nhiều tiền, nhưng nếu không có nó thì không tạo ra các điều kiện để làm ra tiền, để phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta đã ưu tiên rồi, nhưng tới đây các cấp ủy Đảng, chính quyền phải tiếp tục ưu tiên cho giáo dục".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam
|
Bình luận (0)