So sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT, tại sao các địa phương phải ngại ?

19/06/2020 08:29 GMT+7

Tại cuộc họp trực tuyến về thi tốt nghiệp THPT năm 2020, điểm mới mà Bộ GD-ĐT công bố là sẽ tiến hành đối sánh giữa kết quả học bạ và kết quả kỳ thi để phân tích, đánh giá chất lượng giữa các địa phương.

Có giám đốc sở GD-ĐT tỏ ra ngần ngại với việc xếp thứ tự kết quả thi này giữa các địa phương vì cho rằng việc này rất bất cập và gây áp lực cho các sở GD-ĐT. Tiến hành so sánh, đối chiếu có thể gây áp lực và lo lắng cho các địa phương, tuy nhiên cần tìm hiểu và từng bước xây dựng văn hóa này trong nhà trường.

Cần xây dựng văn hóa đối sánh

Dư luận xã hội rất đồng tình với chủ trương của Bộ GD-ĐT tiến hành đối sánh, tương quan giữa kết quả học bạ và kết quả kỳ thi. Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, “việc này không phải bới lá tìm sâu để phát hiện sai phạm mà mục đích đảm bảo chất lượng, nhất là các vùng khó khăn”. Bởi vì kỳ thi năm 2020 và những năm sau với mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT nhưng nhiều trường ĐH sử dụng kết quả này để tuyển sinh, do đó đòi hỏi tính nghiêm minh, chính xác và công bằng cao.
Chúng ta cần thay đổi văn hóa “tốt khoe, xấu che” hay sợ “vạch áo cho người xem lưng” ăn sâu vào tiềm thức của người Việt, cộng thêm bệnh thành tích trong giáo dục, từ đó dẫn tới các báo cáo không trung thực hoặc che giấu các vấn đề yếu kém.
Để xây dựng văn hóa đối sánh, trước hết chúng ta cần ổn định kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng theo luật Giáo dục 2019; việc tuyển sinh ĐH, CĐ do các trường ĐH, CĐ tự chủ bằng nhiều phương thức đa dạng... Kế đến, xây dựng hệ thống đối sánh quốc gia, hay đối sánh theo từng địa phương, đưa ra so sánh với nhiều tiêu chí khác nhau giữa các địa phương trong toàn quốc, trong từng vùng (các tỉnh, các trường trong một vùng đối sánh với nhau). Ngoài ra, cần tuyên truyền sâu rộng trong xã hội rằng việc đối sánh này là bình thường. Bởi vì thực tế có tỉnh nhiều năm liền đỗ tốt nghiệp cao nhưng có năm đỗ thấp thì giám đốc sở GD-ĐT bị HĐND tỉnh chất vấn căng thẳng.

Nhờ so sánh, đối chiếu phát hiện gian lận trong thi cử

Ở Việt Nam, việc so sánh dữ liệu cũng đã được áp dụng đối với giáo dục và tạo nên những hiệu ứng tích cực.
Cục Công nghệ thông tin - Bộ GD-ĐT dựa trên kết quả kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm đưa ra bảng xếp hạng THPT theo chỉ số là bình quân tổng điểm 3 môn thi ĐH của học sinh từng trường, từng tỉnh, thành phố và so sánh phổ điểm thi giữa kỳ thi ĐH và thi tốt nghiệp THPT. Nhờ sự so sánh này mà có năm đã phát hiện ra trường hợp thi hộ. Việc xếp hạng này đã mang lại giá trị và được xã hội ghi nhận. ĐH Quốc gia TP.HCM dựa vào bảng xếp hạng trường THPT để tuyển thẳng học sinh tốt nghiệp giỏi ở một số trường THPT có thứ hạng cao, ban đầu là 5 trường chuyên, đến năm 2020 đã có 150 trường thuộc diện này. Đây là một minh chứng cho giá trị thực tiễn của đối sánh trong giáo dục.
Những năm gần đây, Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm các môn thi, số điểm 9, 10 của toàn quốc và các tỉnh, thành. Nhờ đó, năm 2018 đã phát hiện vụ việc gian lận thi cử nghiêm trọng ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La.
Năm 2004, Sở GD-ĐT TP.HCM công bố bản thống kê đánh giá sự tiến bộ của các trường THPT sau 3 năm học (2001 - 2002, 2002 - 2003, 2003 - 2004). Cách đánh giá này là dựa trên giá trị đo được của 64 trường THPT tính trên thước đo đầu vào lớp 10 (điểm tuyển sinh) và thước đo đầu ra lớp 12 (điểm thi tốt nghiệp)…
Mới đây, nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TPHCM và Sở GD-ĐT TP.HCM đã hoàn thành đề tài “Nghiên cứu đối sánh và xây dựng phần mềm đối sánh điện tử để so sánh, đánh giá các trường THPT TP.HCM”, xây dựng phần mềm đối sánh trường học VN công bố tại website doisanh.edu.vn. Phần mềm này được áp dụng thí điểm tại 12 trường THPT của thành phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.