Thí sinh trượt hết các nguyện vọng đại học đợt 1, phải làm sao?

Lê Thanh
Lê Thanh
09/10/2020 18:10 GMT+7

Sau khi các trường công bố điểm chuẩn, nhiều thí sinh không may trượt hết các nguyện vọng đợt 1. Tuy nhiên, cánh cửa vào ĐH vẫn còn rộng mở và nhiều con đường để đi đến thành công đang chờ thí sinh ở phía trước.

"Giờ em chưa biết tính sao?"

Nguyễn Tuấn Tú, cựu học sinh vủa Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ, Q.4 (TP.HCM), cho biết: “Em thi tốt nghiệp THPT đạt 21,15 điểm (tổ hợp 3 môn toán, hóa, sinh) và 21,65 điểm (tổ hợp toán, lý, hóa), tất cả 3 nguyện vọng lần lượt vào các ngành kỹ thuật điện tử viễn thông, công nghệ sinh học (Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) và ngành kế toán (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) của em đều trượt”.
Tú chia sẻ: “Mấy ngày nay em rất buồn và chưa biết tính sao...”.

Thí sinh tại Q.Thủ Đức (TP.HCM) tham dự trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Lê Thanh

Tương tự, nữ sinh Anh Thư, cựu học sinh Trường THPT An Nghĩa (H.Cần Giờ, TP.HCM), chia sẻ: “Điểm thi tổng tổ hợp 3 môn: toán, lý, hóa của em trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được 22,5 điểm. Em bị trượt hết các nguyện vọng em yêu thích ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Kinh tế-luật TP.HCM.
Câu chuyện trượt tất cả các nguyện vọng mà mình yêu thích như Tuấn Tú và Anh Thư không phải là trường hợp cá biệt trong các mùa tuyển sinh, xét tuyển vào các trường ĐH.

Còn nhiều lựa chọn khác để vào ĐH

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, trượt tất cả các nguyện vọng mà mình yêu thích trong khi điểm xét tuyển không thấp là bất ngờ lớn với nhiều thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay.
“Trong giai đoạn hiện tại, lời khuyên đầu tiên các bạn cần làm là giữ bình tĩnh để kịp thời xem xét thông tin, tìm kiếm và nắm bắt cơ hội cho mình. Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường D9H xét tuyển bổ sung nên việc chưa trúng tuyển nguyện vọng đợt 1 không phải là dấu chấm hết, các bạn thí sinh vẫn còn những lựa chọn khác để có thể vào ĐH”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung nói.

Nhiều thí sinh không biết phải làm sao nếu mình trượt tất cả các nguyện vọng yêu thích?

Lê Thanh

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, chia sẻ “Thí sinh nên xác định rõ, mục tiêu xét tuyển ĐH không phải là trúng tuyển vào một trường “top”, mà quan trọng nhất là để có thể theo học đúng ngành yêu thích ở trình độ ĐH. Vì vậy, khi chưa may mắn trúng tuyển tất cả các nguyện vọng đã đăng ký, các bạn cần nhanh chóng tham khảo các trường có đào tạo ngành mình yêu thích (hoặc ngành gần với ngành yêu thích) để “khoanh vùng” lựa chọn, sau đó tiếp tục theo dõi thông tin xét tuyển nguyện vọng bổ sung hoặc đăng ký các phương thức xét tuyển riêng của các trường này (nếu có)”.

Rút kinh nghiệm từ thất bại để đi đến thành công 

Theo thạc sĩ Phạm Thanh Tuấn, chuyên viên tham vấn tâm lý học đường Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, như chúng ta đã biết, ĐH không phải con đường duy nhất để các em có thể lựa chọn cho tương lai cuộc đời của mình.
“Thay vào đó, các em có thể dành thời gian để ôn luyện hoặc chọn một công việc nào đó phù hợp để làm, năm sau thi lại và đăng ký xét tuyển những ngành mà các em yêu thích. Theo tôi, các bậc phụ huynh cũng không nên tạo áp lực bắt buộc con em mình phải học ĐH bằng mọi giá”, thạc sĩ Tuấn nói.

Phụ huynh động viên, hỏi thăm thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020

Lê Thanh

Tương tự, thạc sĩ công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), cũng cho rằng: “Nếu đủ điểm vào ĐH là tốt, còn nếu không đủ điểm vào ĐH thì cũng chưa phải trời sập. Lúc đó các em có thể học nghề, trung cấp hoặc CĐ cũng thành công như thường. Khi các em tốt nghiệp đi làm, có thu nhập nếu muốn học lên ĐH thì vẫn có thể tiếp tục”.
Theo thạc sĩ Trần Minh Hải, có nhiều ngã rẽ để vào đời mà ĐH không phải là con đường duy nhất. “Vì vậy, nếu chẳng may con em mình rơi vào trường hợp trượt tất cả các nguyện vọng đại học thì với vai trò là cha mẹ, người thân chúng ta cần đồng cảm với các em. Bằng cách chăm sóc, yêu thương, tôn trọng và trò chuyện để các em cảm được sự yêu thương thì trở ngại nào các em cũng vượt qua. Thậm chí, nhân cơ hội không đậu ĐH, các em có thể tạm nghỉ một năm để đi làm tình nguyện, làm thêm, du lịch...Từ đó khám phá được sở thích, năng khiếu và định hướng cho bản thân thực tế hơn với những quyết định sát sườn hơn cho tương lai của các em”, thạc sĩ Trần Minh Hải, chia sẻ.
Thạc sĩ Trần Minh Hải nói thêm: “Trong cuộc sống, ai muốn thành công về nghề nghiệp cũng đã từng gặp thất bại đôi lần trong đời. Người có nội công thâm hậu không phải là người luôn luôn thành công mà là người can đảm chấp nhận thất bại rồi vượt qua thất bại, rút kinh nghiệm từ thất bại để đi đến thành công sau này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.