Có 1 thí sinh vẫn phải phối hợp tổ chức thi
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết theo thống kê, tổng số thí sinh (TS) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không thể dự thi chiếm tỷ lệ 2,92%. Các địa phương thực hiện cách ly xã hội, lùi thời gian tổ chức kỳ thi vào thời điểm thích hợp. Thời gian tổ chức thi do các địa phương đề xuất khi dịch Covid-19 được kiểm soát, bảo đảm an toàn cho công tác tổ chức thi.
Ngoài ra, TS thuộc diện F1, F2 trong cả nước sẽ dự thi cùng thời gian với TS của các địa phương phải lùi thời gian tổ chức kỳ thi do thực hiện cách ly xã hội. Với các TS là quân nhân, tuy không phải diện F1, F2, nhưng không thể dự thi do bị cấm trại, Ban chỉ đạo kỳ thi sẽ chỉ đạo các địa phương xử lý với các trường hợp này giống như với TS ở vùng bị cách ly hiện nay.
“Bộ đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục ĐH xem xét bố trí tỷ lệ chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho TS, trên tinh thần tự chủ ĐH”, ông Trinh nói thêm.
Cũng trong ngày 10.8, khi đoàn công tác của Bộ thực hiện kiểm tra việc tổ chức thi ở Hòa Bình, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết sau kỳ thi Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thi đợt 2. Về mặt nguyên tắc, ngành GD-ĐT và các địa phương sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho TS. Kể cả khi chỉ có 1 TS vì Covid-19 mà không thể dự thi đợt này, ngành GD-ĐT và địa phương vẫn phải phối hợp để thành lập một hội đồng thi để tổ chức thi cho TS. “Quan điểm của tôi là nên tạo điều kiện để các TS được dự thi tại địa phương, không nên để các em phải đi thi nhờ ở tỉnh khác”, ông Độ nói.
Độ khó của đề thi đợt 2 sẽ ở mức tương đồng đợt 1
Ông Trinh cho biết dù đợt thi sau được tổ chức vào thời điểm nào thì vẫn phải tổ chức kỳ thi công bằng, nghiêm túc, theo đúng quy chế. Việc tổ chức thi và tuyển sinh là trên cơ sở đảm bảo an toàn, đảm bảo quy chế, đồng thời đặt quyền lợi của TS lên trên hết.
Về đề thi của đợt 2, ông Trinh nêu quan điểm: “Dù thi thành nhiều đợt nhưng đây vẫn là một kỳ thi, mục tiêu là giống nhau. Vì thế mà chúng ta xây dựng cấu trúc của đề thi dựa trên mục tiêu của kỳ thi, thể hiện qua ma trận đề thi. Trên cơ sở ngân hàng câu hỏi đã được xây dựng trước đó, bằng biện pháp kỹ thuật, chúng ta xây dựng các đề thi, vừa đáp ứng mục tiêu của kỳ thi, đảm bảo độ khó tương đồng ở mức độ chấp nhận được. Đây là việc mà Bộ sẽ phải làm”.
Không được “sáng tạo” trong chấm thi
Hôm qua (10.8), đoàn công tác của Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quốc gia do ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, dẫn đầu đã lên Hòa Bình kiểm tra thi.
Tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Hòa Bình, ông Độ lưu ý một số vấn đề mà Hòa Bình cũng như các địa phương cần phải thực hiện khi bước vào khâu chấm thi, sau khi TS hoàn thành kỳ thi. Theo ông Độ, các sở GD-ĐT không được chủ quan, phải chuẩn bị kỹ lưỡng, đặc biệt không được “sáng tạo” mà phải tuân thủ đúng các hướng dẫn của Bộ.
Quý Hiên
|
In thiếu đề, thí sinh phải chờ gần 1 tiếng
Ngày 10.8, thông tin từ Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Quảng Ninh cho biết tại buổi thi môn tổ hợp cùng ngày, xảy ra việc TS bị thiếu đề, phải chờ gần 1 tiếng. Cụ thể, một số TS Trường THPT Hòn Gai (TP.Hạ Long) phát hiện thiếu đề môn hóa học nên phải ngồi đợi. Nguyên nhân là Quảng Ninh in sao thiếu đề, không tính đủ số lượng TS dự thi. Để buổi thi diễn ra an toàn, Sở GD-ĐT địa phương này đã xử lý bằng cách bù giờ để TS đảm bảo được làm bài thi theo đúng thời gian quy định.
Lã Nghĩa Hiếu
|
Bình luận (0)