Ấn tượng in đậm trong tâm trí tôi là phiên tòa xử vụ TNGT khiến 2 học sinh trường Lương Thế Vinh tử nạn luôn có thầy Văn Như Cương dự, nét mặt trầm tư, đau đớn, bên cạnh hàng chục em học sinh thắt khăn tang.
Khi tôi nhận được tin thầy Văn Như Cương mất, những kỷ niệm xưa lại ùa về và xin gửi lời vào bài thơ đêm qua tôi đã viết, như là nén tâm nhang tiễn biệt thầy về nơi yên nghỉ ngàn thu.
[VIDEO] Nhìn lại sự nghiệp của PGS Văn Như Cương
Nhà báo Từ Ngọc Lang (65 tuổi) từng có thời gian công tác tại Trường ĐH Sư phạm Vinh với thầy Văn Như Cương và sau này cũng được tiếp xúc với thầy do theo dõi mảng giáo dục của báo Phụ nữ Thủ đô. Anh đã có những chia sẻ với Thanh Niên về người thầy đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng các đồng nghiệp và các học trò.
“Năm 1971, sau khi bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Toán học tại LX cũ, thầy Văn Như Cương về nước và trở lại mái trường mình đã từng gắn bó, Trường ĐHSP Vinh. Thời kỳ đó, do đang trong chiến tranh chống Mỹ nên các khoa của Trường ĐHSP Vinh phải đi sơ tán khắp nơi, thực hiện nhiệm vụ dạy và học trong hoàn cảnh rất ác liệt, nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cũng do mỗi khoa sơ tán một nơi khác nhau, nên sinh viên học khoa nào cũng chỉ biết thầy, cô dạy mình, chứ hầu như không biết gì về các thầy, cô giáo ở các khoa khác, trừ những thầy cô nào đó có nét gì đặc biệt hay được sinh viên bàn tán, bình luận.
Người thầy dạy toán truyền lửa tình yêu nghề cho sinh viên sư phạm không phải bằng toán mà bằng thơ. Đó là hình ảnh nhà giáo Văn Như Cương trong ký ức cựu sinh viên khoa toán Trường đại học Sư phạm Hà Nội.
Tôi học ở khoa Văn, Trường ĐHSP Vinh nhưng nhờ các bạn sinh viên bên khoa Toán mà tôi được nghe kể về tài năng, phong cách, bản lĩnh của thầy Văn Như Cương, tuy nhiên, chưa hề được gặp thầy. Mãi đến 1975, tốt nghiệp ra trường, tôi ở lại trường làm cán bộ nên mới có điều kiện đi đến các khoa và được gặp thầy Văn Như Cương. Ấn tượng của tôi, thầy Văn Như Cương dạy giỏi, thẳng thắn, trực tính, luôn giữ bộ râu đầy cá tính và cách ăn mặc rất… Liên Xô.
Hồi đó, trong khi các cán bộ của trường do hoàn cảnh khó khăn nên ăn mặc rất giản dị, tuềnh toàng, thì thói quen để râu dài và hay mặc bộ Comple sang trọng mang từ Liên Xô về của thầy Văn Như Cương lại bị cho là “không hòa mình với quần chúng”, đã gây không ít phiền phức cho thầy.
Sau này, khi trở về Hà Nội làm việc tại Báo Phụ nữ Thủ đô, tôi lại có nhiều dịp tiếp xúc với thầy Văn Như Cương vì theo dõi mảng giáo dục của báo. Lại một ấn tượng in đậm trong tâm trí tôi là hình ảnh thầy Văn Như Cương trong một phiên tòa liên quan tới một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường cao tốc Láng - Hòa Lạc (xảy ra ngày 19.11.2001) khiến 2 học sinh lớp 9A1, trường Lương Thế Vinh tử vong.
Điều bất ngờ là vụ án rất phức tạp, phải xử đi xử lại nhiều lần ở TAND các cấp, do nhiệm vụ nên tôi đều tham dự. Điều khiến cho tôi rất xúc động là phiên xét xử nào cũng có thầy Hiệu trưởng Văn Như Cương đến tham dự với nét mặt trầm tư, đau đớn. Trên hàng ghế đầu còn có hàng chục em học sinh trường Lương Thế Vinh thắt khăn tang và ôm di ảnh của hai bạn Phạm Phương Linh và Phạm Anh Thư - là 2 nạn nhân vụ tai nạn.
Bên lề nhiều phiên tòa, thầy Cương đã phát biểu với báo chí bày tỏ mong muốn công lý phải được thực thi, nhằm góp phần bảo vệ cho các em học trò đáng thương của mình. Nay nghe tin thầy mất, chị Phạm Phương Dung, mẹ cháu Phạm Phương Linh, không khỏi sững sờ kể: “Hằng năm, cứ vào dịp 20.11, tôi lại đại diện cho cháu đến chúc mừng thầy. Có năm tôi được thầy tặng lại bó hoa. Tôi đã mang về để trên bàn thờ con và thầm nói với con đây là bó hoa thầy Văn Như Cương gửi tặng con, thầy vẫn luôn nhớ đến con…”
Mẹ cháu còn kể, đám tang của cháu năm đó, chính thầy Văn Như Cương cũng là người viết điếu văn… Đêm qua chị đã thắp hương cho con và nói trong nước mắt: “Thầy đã ra đi, con đi trước thầy, con chuẩn bị đón thầy nhé…”
Khi tôi nhận được tin thầy mất, những kỷ niệm xưa lại ùa về và xin gửi lời vào bài thơ đêm qua tôi đã viết, như là nén tâm nhang tiễn biệt thầy Văn Như Cương.
Bình luận (0)