Cùng với chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, giáo dục và đào tạo đã có những thay đổi căn bản, sâu sắc, nhưng vẫn còn những băn khoăn trăn trở của người dân, của xã hội.
Một trong những đổi mới rõ nét nhất của giáo dục là thay đổi kiểm tra, đánh giá và thi cử ở mọi cấp học, từ tiểu học đến thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ. Ngành giáo dục đã tập trung vận dụng các phương pháp giảng dạy tích cực như dạy học nêu vấn đề, theo dự án, tổ chức dạy học theo các chủ đề tích hợp liên môn, dạy học phân hóa để phát triển năng lực học sinh. Đổi mới quản lý tổ chức dạy và học theo hướng sách giáo khoa (SGK) không còn là pháp lệnh.
Tuy nhiên, dư luận xã hội vẫn còn nhiều băn khoăn.
Đó là đã qua một chặng đường 5 năm nhưng đến nay Bộ vẫn chưa ban hành chương trình tổng thể giáo dục phổ thông. Định hướng một chương trình và nhiều bộ SGK sẽ như thế nào khi giáo viên vẫn còn thói quen sử dụng một bộ SGK cùng với sách hướng dẫn giáo viên trong quá trình giảng dạy.
tin liên quan
Không vì phản ứng mà ngại đổi mớiNhân dịp năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (ảnh) đã có cuộc trao đổi cởi mở, thẳng thắn xung quanh những vấn đề “nóng” của giáo dục hiện nay.
Tình trạng học sinh bỏ học nhiều ở các vùng khó khăn, nhất là vùng núi Tây Bắc và ĐBSCL, trong khi học phí ngày càng tăng theo lộ trình. Tinh thần của Nghị quyết số 29 là “Triển khai giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020”, nhưng với học phí ngày càng tăng sẽ khó cho việc triển khai giáo dục bắt buộc 9 năm, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đã áp dụng giáo dục bắt buộc, miễn học phí 9 năm trở lên. Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, một năm cả nước thu học phí THCS khoảng 2.000 tỉ đồng, vậy nên chăng miễn phí cấp THCS để tạo ra một nền tảng giáo dục cơ bản vững chắc?
Quyết tâm của ngành giáo dục là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nhưng sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp nhiều, lương giáo viên thấp, áp lực và trách nhiệm cao. Những vấn đề này sẽ dẫn đến khó thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm và chắc chắn lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ giáo viên.
tin liên quan
Giữ cảm giác thiêng liêng ngày khai giảngTheo nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, khai giảng chỉ nên duy trì phần lễ và ngắn gọn vừa để kết thúc trước khi học sinh kịp chán vừa bớt đi sự ồn ào dung tục.
Một vấn đề nổi lên trong giai đoạn vừa qua, đó là nhiều địa phương đã có quyết tâm mạnh mẽ đối với vấn đề tiêu cực trong dạy thêm, học thêm; trong đó, TP.HCM quyết liệt cấm dạy thêm, học thêm trong trường học. Dư luận xã hội đồng tình với giải pháp mạnh mẽ này. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ có “cấm” mà cái quan trọng nhất là cần có giải pháp nâng cao đời sống của giáo viên, giúp họ có thể nuôi sống không chỉ bản thân mà còn gia đình, nhất là giúp họ sống và làm việc xứng đáng với “lương tâm và trách nhiệm” của nhà giáo.
Tuy nhiều băn khoăn nhưng chúng ta cũng kỳ vọng khi ngành giáo dục đã tiếp thu ý kiến xã hội để có những điều chỉnh kịp thời, phù hợp với mô hình trường học mới (VNEN), Thông tư 30 và đặc biệt là xây dựng chính sách nâng cao vị trí, vai trò và chất lượng của nhà giáo thông qua việc triển khai xây dựng luật Nhà giáo. Bởi vì, Raja Roy Singh, nhà canh tân giáo dục Ấn Độ, khẳng định: “Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao quá tầm những giáo viên làm việc cho nó”.
Bình luận (0)