Từ dịch Covid-19, có thể tiến tới bỏ thi lớp 10 được không?

26/07/2021 07:27 GMT+7

Cứ đến hẹn lại lên, năm nào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương, nhất là ở các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội... luôn căng thẳng.

Điều này khiến những nhà giáo như chúng tôi cứ băn khoăn mãi câu hỏi: Có cần thiết đến mức như thế không đối với một kỳ thi chỉ để vào lớp 10? Giải pháp nào thật hợp lý để xóa bỏ mối lo lắng và tốn kém tồn tại bấy lâu nay?
Quyền được chọn trường của người học là lẽ đương nhiên. Song vì chất lượng, “thương hiệu” của các trường không đồng đều, khiến việc thí sinh có nguyện vọng vào các trường tốp đầu, trường “điểm” là rất lớn. Hệ thống giáo dục công lập chưa đủ vì nguồn lực tài chính nên các trường tư nhân ra đời với phương châm “xã hội hóa giáo dục”, “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong khi đó, sự tín nhiệm của phụ huynh vào trường tư chưa nhiều, trong đó có nguyên nhân học phí.
Một mặt nữa là chủ trương phân luồng của Bộ GD-ĐT cho học sinh sau khi học xong THCS luôn đứng trước nguy cơ “phá sản”, vì hầu hết phụ huynh không muốn cho con em học nghề, học hệ giáo dục thường xuyên…
Những nguyên nhân này đã “châm ngòi lửa” cho sự cạnh tranh vào lớp 10 hằng năm luôn nóng, đặc biệt ở các TP lớn.
Nhưng có phải vào được lớp 10 của trường “top”, trường “điểm” là có được tất cả? Không hẳn như thế! Lớp 10 chỉ là bước mở đầu cho một giai đoạn học phổ thông mà thôi. Trước mắt còn cả một quá trình, kể cả giai đoạn khi vào học đại học và ra trường thực việc.
Hãy nhìn vào xu hướng giáo dục như hiện nay, đó là chất lượng giáo dục của các trường, mô hình của các loại hình giáo dục đang chuyển đến thế ngang bằng. Vậy thì, sự phân loại chất lượng, làm nên tên tuổi các trường phổ thông chủ yếu dựa vào lực học của học sinh, trong đó dĩ nhiên có chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, hãy thử thống kê mà xem, trong những trường “điểm” ở một quận, có phải học sinh ở ngoài quận chiếm tỷ lệ rất lớn?
Không hiếm trường hợp học sinh từ Q.12 của TP.HCM phải đi hơn 10 cây số hằng ngày để lên học ở Q.1.
Nếu các học sinh khá giỏi này học đúng tuyến vào trường trong quận của mình, chúng tôi tin rằng dần dà các trường “bị đánh giá thấp” này sẽ không còn thua kém các trường gọi là “điểm” kia. Điều này cần thấy rõ tạo nên sự cạnh tranh đầu vào giữa các trường chủ yếu là do cách làm, do áp lực tâm lý người học.
Muốn có sự thay đổi lớn xung quanh việc tuyển sinh lớp 10, điều đầu tiên là cần phải nâng cao chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất đồng bộ các trường THPT ở các khu vực khác nhau. Từ đó các học sinh giỏi của quận sẽ có nhiều lựa chọn để học gần nhà.
Nếu TP.HCM thực hiện được việc xét tuyển lớp 10 thường năm nay do tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp thì đây sẽ là một tiền đề để tiến tới xét tuyển theo phân luồng, phân tuyến, bỏ kỳ thi tuyển sinh 10, chỉ tổ chức thi tuyển cho những học sinh có nguyện vọng vào trường chuyên.
Ngoài ra, còn phải có các giải pháp tối ưu để học sinh không ngần ngại vào các trường nghề, hệ giáo dục thường xuyên nhằm đảm bảo mục đích phân luồng từ THCS.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải quản lý được chất lượng “học thật, thi thật” của các trường THCS, cả trường công, và nhất là trường tư hiện nay.
Những điều kiện để tiến tới việc bỏ kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở những TP lớn như Hà Nội, TP.HCM thật sự khó vì đòi hỏi quá trình lâu dài. Song nếu cố gắng ngay từ bây giờ, nhiều hy vọng sẽ làm được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.