Tại chương trình khai mạc Tư vấn mùa thi năm 2020 do Báo Thanh Niên tổ chức, học sinh đặt nhiều câu hỏi liên quan đến việc lựa chọn ngành nghề.
Nhiều ngành nghề mới ra đời
Thủ khoa chọn ngành ra sao ?Trong chương trình có sự tham gia của Nguyễn Phú Nghĩa, thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2019 giao lưu với học sinh. Nghĩa đạt thủ khoa với số điểm 1.108/1.200 điểm xét kết quả từ kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, đồng thời đạt 27,5 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái.
Trả lời câu hỏi về cách chọn ngành học của một học sinh, Nghĩa chia sẻ: “Câu chuyện chọn ngành là câu chuyện cân bằng giữa khả năng và sở thích, sâu hơn nữa là đam mê. Hầu như học sinh nào cũng phải cân nhắc giữa khả năng và sở thích thì nên chọn gì để đi theo. Việc này có nhiều quan điểm. Với Nghĩa, Nghĩa đi theo khả năng của mình, xem học tốt môn gì để chọn ngành phù hợp.
|
Ngay tại chương trình, một học sinh đặt câu hỏi mở đầu rất thời sự liên quan đến việc lựa chọn việc làm của mình. Thắc mắc của học sinh này là ngày nay, khi robot bắt đầu được áp dụng tại hàng loạt công ty ở nhiều ngành nghề, liệu khi học xong, ngành học em dự định học về khối ngành kinh tế có bị lỗi thời hay không?
Trả lời thắc mắc này, thạc sĩ Trần Duy Can, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này đang tác động ngược lại ngành học của các trường. Các trường cũng phải xây dựng chương trình đào tạo có sự cập nhật mới nhất của xã hội. Chẳng hạn với ngành kế toán, sinh viên sẽ học thêm về công nghệ trong kế toán hoặc an toàn thông tin trong kế toán. Trường cũng mở ngành nghề mới có thể đan xen giữa các lĩnh vực như thương mại điện tử.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho biết xu hướng ngành nghề năm 2020 đã có sự dịch chuyển lớn so với năm 2019. Một số ngành nghề mang tính lặp đi lặp lại đang có xu hướng mất đi. Năm nay, đa số các trường mở các ngành phù hợp với xã hội hiện tại là khoa học dữ liệu, IoT, trí tuệ nhân tạo... Theo đánh giá, khối ngành công nghệ đang chiếm khoảng 33% nhu cầu nhân lực ở phía nam. Nhưng yêu cầu là học sinh học ngành này cần nhiều sự sáng tạo hơn, cần kỹ năng chung sống cộng đồng nhiều hơn nữa...
Càng hiện đại, xã hội càng cần cảm xúc nhiều hơn
Tư vấn cho thí sinh, tiến sĩ Nguyễn Hữu Long, Phó giám đốc Học viện Thanh thiếu niên VN - Phân viện miền Nam, cho rằng đừng hỏi máy móc ra đời sẽ lấy mất cơ hội việc làm hay không. Dù phát triển đến thế nào thì mối quan hệ giữa con người vẫn là số 1. Càng hiện đại, xã hội càng cần cảm xúc nhiều hơn. Không máy móc nào thay thế được quan hệ giữa con người. Đừng sợ công nghệ thay thế con người.
Nguyễn Tuấn Anh, học sinh lớp 12C7, Trường THPT Lê Hồng Phong, đặt câu hỏi: “Trong xã hội ngày nay, nhiều ngành nghề “hot” thu hút rất nhiều nhân lực. Vậy giữa ngành mình thích nhưng không “hot” và ngành “hot” nhưng mình không thích thì nên chọn học ngành nào?”.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, chia sẻ: “Không có trường ĐH nào có thể khẳng định 100% sinh viên đào tạo ra trường có việc làm. Các trường có trách nhiệm trang bị cho các em đủ kiến thức, kỹ năng, có năng lực ra trường làm việc trong tương lai. Quan trọng là chính bản thân các em trang bị kiến thức, kỹ năng trong quá trình học để khi ra trường làm việc trong thời đại phát triển không ngừng ngày nay”.
Tiến sĩ Viên cho biết ông vừa tham dự một hội thảo giáo dục quốc tế. Một chuyên gia nước ngoài có nói rằng hiện nay các trường ĐH không chỉ đào tạo kỹ năng mềm mà là đào tạo cả kỹ năng sống và tồn tại. Liệu ngành nghề cụ thể ngày hôm nay rất “hot” nhưng 4 năm nữa còn “hot” không vì vậy các em phải xác định rõ thật sự yêu thích ngành gì. Còn tiến sĩ Nguyễn Hữu Long cũng cho rằng ở thời điểm chọn ngành, học sinh đừng quan tâm ngành “hot” hay không “hot”. Con người mới là “hot” nên học như thế nào để ra trường đi làm trở thành người “hot” mới quan trọng.
Bình luận (0)