Tư vấn mùa thi: Học ở Việt Nam chuyển tiếp ra nước ngoài được không?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
08/06/2020 08:02 GMT+7

Nhiều câu hỏi được đặt ra trong chương trình Tư vấn mùa thi là cơ hội việc làm của ngành trí tuệ nhân tạo; học ở Việt Nam chuyển tiếp ra nước ngoài được không?...

Học trường nào để có thể chuyển tiếp ra nước ngoài sau khi hết dịch Covid-19, các trường ĐH bổ sung thêm phương thức xét tuyển mới nào… là những thắc mắc được đặt ra trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên chiều 6.6.
Chương trình được phát sóng trên Đài phát thanh - truyền hình tỉnh Bình Dương, đồng thời trực tuyến trên thanhnien.vn, Facebook.com/Thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên.

Điều kiện để học chuyển tiếp…

Tại Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc tuyển sinh, chia sẻ: “Năm nay là năm đầu tiên trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, bên cạnh phương thức xét học bạ và điểm thi THPT. Trường cũng xét tuyển học sinh tốt nghiệp các trường quốc tế tại Việt Nam có văn bằng chứng chỉ quốc tế. Các em có thể học ở Việt Nam 1 - 2 năm để tránh dịch Covid-19, sau đó nếu có nhu cầu sẽ chuyển tiếp ra nước ngoài”.
Xung quanh việc học trong nước có thể chuyển tiếp ra nước ngoài, một thí sinh băn khoăn: “Em có dự định đi du học nhưng tình hình dịch bệnh nên kế hoạch thay đổi. Em đã tham dự kỳ thi SAT đạt 1.300 điểm, với mức điểm này em có thể xét tuyển vào Trường ĐH Việt Đức không và có thể học tiếp ở nước ngoài không?”.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết: “Nếu em đạt 1.150 điểm em sẽ được tuyển thẳng vào trường; với 1.300 điểm thí sinh vừa được tuyển vừa được nhận học bổng. Trường có chương trình trao đổi sinh viên với các trường ĐH Đức và chương trình thực tập năm cuối ở CHLB Đức. Hằng năm tại trường có khoảng 30% sinh viên được nhận học bổng của Viện Trao đổi hàn lâm Đức để học 1 học kỳ cho tới 1 năm học, sau đó có thể tiếp tục học bậc cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ ở quốc gia này”.

Cơ hội việc làm của ngành trí tuệ nhân tạo

Một thí sinh theo dõi chương trình đặt câu hỏi: “Ngành trí tuệ nhân tạo ứng dụng có phù hợp với nữ giới không? Ra trường có dễ kiếm việc?”.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết: “Xuất phát từ nhu cầu lao động thực tế, được tích hợp giữa các nhóm ngành công nghệ thông tin, điều khiển tự động hóa và nhu cầu phát triển mạnh mẽ của internet, em là nữ có thể học ngành này. Tốt nghiệp, em có thể làm trong các công ty thiết kế hệ thống điều khiển nhúng, thiết kế hệ thống điều khiển thông minh... với mức lương thuộc dạng “tốp” trong nhóm ngành nghề kỹ thuật - công nghệ hiện nay”.
Trả lời cho thắc mắc “Em muốn học ngành công nghệ dệt may, sẽ trở thành một thợ may chuyên nghiệp hay một nhà thiết kế?”, thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh - Truyền thông, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay: “Đây là một ngành đặc thù kết hợp giữa kỹ thuật và thiết kế thời trang. Tốt nghiệp, các em sẽ trở thành kỹ sư, có thể sản xuất, duy trì, vận hành những thiết bị hệ thống trong xưởng may, công ty liên quan đến dệt may...”.
Trước câu hỏi của một học sinh lớp 12 ở TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương) về chuyên ngành hướng dẫn viên trong ngành Việt Nam học, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, thông tin: “Khi nhập học, các em được chọn chuyên ngành ngay từ đầu. Việt Nam học có chuyên ngành văn hóa du lịch, với các kiến thức chủ yếu về hướng dẫn viên. Sau khi tốt nghiệp, các em hoàn toàn đủ điều kiện để tham gia nghề hướng dẫn viên du lịch. Theo định hướng phát triển kinh tế thì du lịch là ngành trọng điểm của Việt Nam, nên nhu cầu nhân lực luôn luôn cao”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.