Xét giáo sư, phó giáo sư: Vì sao 'lọt lưới' nhiều ứng viên không đạt yêu cầu?

Quý Hiên
Quý Hiên
29/10/2020 08:20 GMT+7

Trước nguy cơ một số hội đồng ngành có thể để 'lọt lưới' ứng viên không đủ điều kiện, nhiều nhà khoa học đặt vấn đề chất lượng các hội đồng về năng lực nghiên cứu cũng như tính liêm chính khoa học khi duyệt hồ sơ.

 

Liệu có sự thiếu công bằng ?

Theo nhiều nhà khoa học, bối cảnh xét giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) năm nay có nhiều thuận lợi cho việc thúc đẩy, nâng cao chất lượng ứng viên (ƯV). Trước khi các hội đồng (HĐ) ngành bắt tay vào việc xét GS, PGS, Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài cảnh báo hiện tượng chạy theo thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học, từ đó nảy sinh các cuộc thảo luận sôi động của cộng đồng khoa học về liêm chính khoa học. Và Hội đồng GS nhà nước (HĐGSNN) đã có Công văn số 155/HĐGSNN ngày 15.9.2020 yêu cầu các HĐ ngành thực hiện một số vấn đề liên quan tới bài báo quốc tế của các ƯV.
Tuy nhiên, sau khi các HĐ ngành xét, hàng chục ƯV của một số HĐ đã bị tố cáo là vẫn được HĐ ngành thông qua dù không đạt yêu cầu về số lượng bài báo quốc tế.
“Tôi đã tự kiểm chứng và thấy các ƯV này vi phạm cả 3 vấn đề đã được HĐGSNN đề cập trong Công văn 155. Vậy các HĐ này không biết công văn đó, hoặc biết nhưng cố tình bao che cho các ƯV này?”, GS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam, đặt câu hỏi.
Theo Văn phòng HĐGSNN, trong quá trình xét GS, PGS, HĐGS ngành dược chỉ “không tính điểm” hoặc “tính điểm thấp” cho những bài báo công bố trên tạp chí chất lượng thấp, hoặc được công bố ồ ạt trên 1 cuốn tạp chí (1 số). GS Châu cho rằng vấn đề cần xử lý ở đây không chỉ là đơn giản kê khai bài báo để tính điểm mà qua đó cần phải đánh giá “đạo đức” hay tính “liêm sỉ” của một nhà khoa học. Sau khi có Công văn 155, nhiều HĐ cơ sở đã chủ động dựa vào nội dung công văn này để thực hiện việc xét ƯV của mình một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo GS Châu, sẽ không công bằng khi giữa các HĐ có việc xử lý nặng nhẹ khác nhau.

Nhiều thành viên hội đồng không đáp ứng yêu cầu

Trao đổi với Thanh Niên, nhiều nhà khoa học cho rằng căn cứ vào một số HĐ có nhiều ƯV bị tố vừa qua, thì hồ nghi của dư luận về năng lực của HĐ là có cơ sở. Khoản 2 điều 17 Quyết định 37 quy định, tiêu chuẩn thành viên HĐ các cấp là phải trung thực, có uy tín chuyên môn khoa học cao, có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế có uy tín hoặc xuất bản ở nhà xuất bản có uy tín trong 5 năm liền kề với thời điểm được bổ nhiệm thành viên HĐ. Tuy nhiên, rất nhiều thành viên HĐ không thỏa mãn yêu cầu này. Một nhà khoa học trong nước sau khi tự kiểm tra hồ sơ của 15 thành viên HĐGS ngành y học (được công khai trên trang chính thức của HĐGSNN) đã nhận xét: “Nếu tính những bài báo quốc tế mà thành viên HĐ là tác giả chính hay tác giả liên hệ, có 7 vị không có một bài nào, 1 vị không tìm thấy thông tin (dù hồ sơ khai có 13 bài), có 4 vị có 1 bài, 2 vị có mỗi người 3 bài, 1 vị có 5 bài”.
Một nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài cũng chia sẻ sau khi “đếm” số bài báo quốc tế của các thành viên HĐGS ngành dược: “Mặc dù tôi không kỳ vọng, nhưng không thể ngờ số lượng bài báo quốc tế của họ tệ đến thế!”.
Theo nhà khoa học này, theo yêu cầu, nếu chỉ tính bài báo mà thành viên HĐ là tác giả chính thì có 3/7 người của HĐ ngành dược không đạt tiêu chuẩn, có 2 GS có bài trên tạp chí/nhà xuất bản chất lượng thấp, 2 GS còn lại khá hơn nhưng vẫn rất ít bài mà mình là tác giả chính.
Có một thông tin mà nhiều nhà khoa học khi biết đều bày tỏ sự băn khoăn là việc một số thành viên HĐ là đồng tác giả với các ứng viên bị nghi “chạy bài”, xuất bản bài ồ ạt để đối phó với các tiêu chuẩn xét GS/PGS, ngay trong những bài được cho là không đạt yêu cầu về bài báo quốc tế uy tín.
“Trong 5 năm gần đây, GS N. (một thành viên lãnh đạo HĐGS ngành dược - PV) có 10 bài báo quốc tế nhưng chỉ có 1 bài là tác giả chính, lại đăng trên tạp chí chất lượng thấp, bị loại khỏi Scopus. Trong đó, GS N. đứng tên chung 5 bài với ƯV PGS Tr., 3 bài trên cùng một số của tạp chí Journal of Clinical and Diagnostic Research (đã bị loại ra khỏi danh mục Scopus năm 2018), 2 bài trên cùng một số của tạp chí Journal of the Pakistan Medical Association. GS N. còn đứng tên chung 3 bài với ƯV GS T. trên Systematic Reviews in Pharmacy, tạp chí mà ƯV PGS Tr. đã âm thầm rút khỏi vai trò biên tập viên”, nhà khoa học này nói. Đồng thời nhà khoa học này nhận xét thêm: “Chuyên ngành của GS N. là công nghệ dược phẩm và bào chế thuốc, nhưng mấy bài đứng tên cùng ƯV PGS Tr. đều thuộc chuyên ngành kinh tế dược; các bài đứng tên cùng ƯV GS T. cũng không cùng chuyên ngành bào chế thuốc. Điều này cho thấy nhiều khả năng GS N. chỉ đứng tên “gift author” (tác giả quà) chứ không có đóng góp thực chất cho bài báo”.
Một thành viên HĐ ngành dược khác, PGS T.H, còn được phát hiện là thầy hướng dẫn nghiên cứu sinh ƯV PGS V.T, người cùng hướng dẫn là ƯV GS T. Cả T. và V.T đều bị tố không trung thực trong việc khai số lượng bài báo quốc tế trong hồ sơ xét GS/PGS năm nay. Cả 3 người này đứng tên chung với nhau trong 7 bài báo, trong đó có 2 bài báo quốc tế. Vì thế, khi HĐ xét 2 ứng viên này, nếu PGS T.H vẫn được tham gia thì khó giữ được sự khách quan trong việc tính số lượng bài báo quốc tế cho các ứng viên.
Hội đồng GS các ngành y dược sẽ họp để rà soát lại hồ sơ
Theo Văn phòng HĐGSNN, hôm nay 29.10, HĐGS các ngành y dược sẽ họp để rà soát lại hồ sơ của những ƯV ngành này bị tố cáo là không đủ điều kiện công nhận GS/PGS. Đặc biệt, các HĐ này đã mời GS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật, người tự kiểm tra hồ sơ của 16 ƯV ngành y dược bị tố cáo đợt đầu và có báo cáo gửi Văn phòng HĐGSNN, cùng tham gia rà soát.
Cần thay đổi cơ chế chọn thành viên hội đồng
Theo nhiều nhà khoa học, nếu vẫn duy trì mô hình xét GS/PGS như hiện nay (thông qua HĐGSNN), muốn việc xét có chất lượng thì trước hết phải có HĐ có chất lượng mà trong đó thành tích khoa học của các thành viên HĐ là yếu tố cần. Bởi nếu không thực sự có kinh nghiệm công bố quốc tế, các thành viên HĐ chỉ có thể xét theo kiểu đếm số bài, rồi thấy bài ở tạp chí vội đánh giá cao mà không biết thực tế trong thị trường xuất bản quốc tế hiện nay. Cho nên cái cần thay đổi là cơ chế xét duyệt GS/PGS, cơ chế chọn thành viên HĐ.
Theo GS Phạm Đức Chính, thành viên HĐGS ngành cơ học, tiêu chuẩn chức danh GS/PGS hiện nay tuy nhấn mạnh hướng tới chuẩn mực quốc tế, nhưng chưa đặt ra các tiêu chí đánh giá cụ thể các bài báo quốc tế. Do đó, việc đánh giá hồ sơ ƯV phụ thuộc vào các HĐ chuyên môn. Trước các hiện tượng mua bán bài báo khoa học tràn lan khiến dư luận lo ngại về hướng đi tiếp theo của nền khoa học Việt Nam, việc Chính phủ và HĐGSNN đã chỉ đạo nghiêm túc xem xét các trường hợp, cá nhân cụ thể có các biểu hiện mua bán bài báo và không trung thực, thiếu đạo đức và liêm chính trong khoa học, là động thái rất tích cực.
“Cộng đồng đang dõi theo các quyết định của HĐGSNN cho đợt xét năm nay, và các quyết định cụ thể sẽ là một cảnh báo cần thiết cho cộng đồng khoa học Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế với không ít khó khăn trước mắt. Nếu như Quỹ Nafosted là bước đi đầu dẫn khoa học Việt Nam tiến vào hội nhập quốc tế, thì HĐGSNN đang đi tiên phong chấn chỉnh đạo đức và liêm chính khoa học trong tiến trình hội nhập phức tạp này”, GS Chính nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.