Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng và hành trình dài đau đáu cho giấc mơ Việt Nam

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
08/02/2022 15:02 GMT+7

Từng say mê Đi xa về gần (tập 1), thì ở tập 2 Còn mãi hương xa (trong bộ sách Giấc mơ Việt Nam tôi ), độc giả có dịp gặp lại giáo sư Nguyễn Đăng Hưng trong những ngày thực hiện giấc mơ ấy, đầy gập ghềnh.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng luôn ấp ủ giấc mơ Việt Nam, đau đáu góp mình cho sự nghiệp giáo dục và khoa học. Vì vậy ở tập 2 Còn mãi hương xa (do NXB Hội nhà văn và Omega Plus ấn hành), vẫn nối dài giấc mơ ấy, vẫn những trăn trở ấy, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng thông qua nhiều trải nghiệm trên con đường làm khoa học, khi lại ẩn hiện qua những tản mạn về văn hóa - xã hội - đời sống cùng những nơi đã qua, những con người đã gặp, đã gắn bó, thuộc nhiều nước trên thế giới; về nhiều con người tài hoa, có đức có tài đóng góp cho đất nước..., khiến nội dung cuốn sách càng đọc càng thích thú.

Còn mãi hương xa (do NXB Hội nhà văn và Omega Plus ấn hành) tiếp tục nối dài giấc mơ và trăn trở của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng

Bạn đọc như thấy trọn vẹn hơn giấc mơ mang tên Việt Nam của tác giả

NVCC

Được biết, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng sinh ngày 1.1.1941 tại làng Bồ Mưng, xã Thanh Quýt (nay là xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ông là cựu học sinh trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký và Chu Văn An (Sài Gòn); Giáo sư thực thụ, Tiến sĩ khoa học đặc biệt (Docteur Spécial) Đại học Liège và là người sáng lập Văn phòng đào tạo Cao học Bỉ – Việt EMMC (European Master in Mechanics of Construction) tại Đại học Bách khoa TP.HCM.

Ông từng nhận Huy chương của Viện Hàn lâm Khoa học, Văn học và Nghệ thuật Hoàng gia Bỉ (1984); Huy chương Lao động hạng nhất của chính phủ Bỉ (1996) và được vinh danh là một trong 12 người nước ngoài làm đổi thay nước Bỉ (tuần báo VIF-EXPRESS, ngày 16.7.1999); Huân chương Đại sĩ quan của Vua Léopold II, Vương quốc Bỉ (1999); Huân chương Đại sĩ quan của Hoàng gia, Vương quốc Bỉ (2006).

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là một trong những người tiên phong hợp tác học thuật Bỉ – Việt. Sớm sang Bỉ từ tháng 12.1960, ông đã đạt thành quả rất tốt khi theo học ngành kỹ sư vật lý, rồi cấp bậc tiến sĩ tại Đại học Liège. Ông từng kinh qua nhiều chức vị: nghiên cứu sinh, trợ lý, phó giáo sư rồi trở thành giáo sư thực thụ về ngành Cơ học Chất rắn. Ông cũng là một chuyên gia nổi tiếng quốc tế về ngành khoa học mũi nhọn này.

Vì những thành quả đó, giáo sư đã nhiều lần được vinh danh, nhiều lần được tặng thưởng từ Bỉ cũng như Việt Nam. Ông còn được các cơ quan ngôn luận Bỉ đề cao là một trong những công dân Bỉ gốc nước ngoài đã có cống hiến cho việc làm thay đổi nước Bỉ.

Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng bày tỏ về tác phẩm mới: “Tôi đã viết như người muốn tỏ bày những câu chuyện trong khoảng thời gian tôi về Việt Nam thực hiện ước muốn khắc khoải, khôn nguôi trong lòng: Làm một cái gì đó cho quê hương Việt Nam. Nguyện vọng thì chẳng có gì cao xa, nhưng thực hiện thật không đơn giản. Gặp bạn bè tâm huyết ôn lại những khúc mắc, những bước đi gian nan… ai cũng khuyến khích tôi nên viết lại. Và tôi viết…".

Và ông đúc kết: "Hai cuốn sách trong bộ sách Giấc mơ Việt Nam tôi như một sự tổng hợp và khép lại sự nghiệp giáo dục đào tạo hơn 40 năm của tôi tại Bỉ và Việt Nam, qua đó chắc hẳn bạn đọc đã thấy trọn vẹn hơn cả giấc mơ mang tên Việt Nam của tôi".

Cuốn sách mới của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng rất phong phú và chân thực

NXB

Nhà văn Trương Văn Dân (Việt kiều tại Ý) từng nhận xét: “Tôi đã từng xúc động đến bật khóc khi thấy hình ảnh giáo sư Hưng, một ông cụ 72 tuổi, sau khi công thành danh toại trở về quê cũ, cung kính phủ phục lạy trước mộ song thân. Lần thứ hai khi thấy giáo sư mặc áo dài khăn đóng lặn lội ra xứ người (Iran) để vinh danh chữ Quốc ngữ cũng đã làm tôi ứa nước mắt”.

Và phải yêu đất nước mình đến tột cùng, giáo sư Nguyễn Đăng Hưng mới mở hết gan ruột để nói về cái tết truyền thống trong sách: "Phải đi ra sống ở nước ngoài mới thấm thía cái tết quan trọng thế nào đối với một người có tâm hồn Việt Nam. Tôi cảm nhận điều này trong suốt quãng đời 50 năm sống ở châu Âu. Nhưng với tôi, cái tết như nằm trong huyết quản. Hễ được thư gia đình, bạn bè nói đến tết là tôi mường tượng ra những ngày ấy, ngày gia đình hội ngộ, cúng giỗ ông bà, thăm viếng gia tộc. Thời trẻ, những cái tết đã để lại trong tâm khảm tôi những hình ảnh vô cùng êm đềm. Cứ phải trông mãi mà tết không đến...".

Đọc những trang viết của giáo sư Nguyễn Đăng Hưng trong tác phẩm mới mà càng thấm thía cho nỗi lòng của những người con xa xứ luôn đau đáu với quê nhà...

Nhớ những đêm trăng tôi lẽo đẽo theo ông nội đi dạo, ngắm trăng và hoa trên những con ngõ đi vào khu nhà thờ tộc Nguyễn Đăng…. Những năm còn hòa bình, cuộc sống quê tôi sao êm đềm đến thế. Lần đầu tiên, tôi cũng cắp sách rụt rè theo chân má tôi vào lớp học trường làng. Con đường đi đến trường khúc khuỷu quanh co, lắm khi sình lầy qua cơn mưa. Tôi nhớ mãi giọng ông nội tôi ngâm vang những bài cổ thi dưới trăng. Tôi đã thuộc lòng từ thuở ấu thơ những bài thơ thất ngôn bát cú của Bà Huyện Thanh Quan, vang vọng câu: Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/Thương nhà mỏi miệng cái gia gia. Sau này tôi yêu văn học cũng vì ảnh hưởng xa xôi từ ông tôi...

Từ ký ức tuổi thơ lưu lạc, tôi thường tự bảo mình dù thế nào chăng nữa cũng phải làm gì cho quê hương, cho tuổi trẻ Việt Nam. Tôi coi đó như một sứ mệnh, một hoài bão, của thân phận, của định mệnh.

Tuổi già chợt đến như một cơn mưa rào, tôi thấy như dần dần thấm vào lòng đất. Tôi nghĩ sẽ có ngày mình bị khỏa lấp bởi cát bụi, sẽ trở về với cát bụi. Tôi xem viễn cảnh này như một điều hiển nhiên. Tôi cố gói ghém những ngày còn lại để khỏi vướng bận hay tiếc nuối điều gì. Tôi cũng sẽ bố trí để ngày ra đi như sẽ bước lên một chuyến tàu êm ả. Tôi quan niệm gặp lại người thân phải đem lại niềm vui và khi đi xa phải ghi lại kỷ niệm đẹp.

Trích Còn mãi hương xa (do NXB Hội nhà văn và Omega Plus ấn hành)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.