Giáo sư Trương Nguyện Thành: Kéo dài tết Tây, ăn tết ta ít ngày lại!

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
18/01/2020 18:57 GMT+7

Giáo sư (GS) Trương Nguyện Thành là người luôn giữ truyền thống tết cổ truyền dù qua Mỹ từ khi còn rất nhỏ. Nói về tranh luận 'có nên tiếp tục ăn tết ta?', ông cho rằng nên ăn tết ta ít ngày lại so với hiện nay.

Ăn tết ta đối với GS Trương Nguyện Thành (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang) luôn là những kỷ niệm khó quên. Bởi ông qua Mỹ khi đã 19 tuổi, nên những ký ức về việc đón tết cổ truyền đã ăn sâu vào máu thịt của ông.

Gói ít nhất 12 đòn bánh tét để nấu

Sau khi lập gia đình, GS Trương Nguyện Thành có hai người con là Takara và Taki. Vì những ký ức đẹp về việc ăn tết ta nơi quê nhà, mỗi năm ông luôn tìm cách nhắc nhở con về tết cổ truyền của Việt Nam. 
Ông Thành kể hằng năm ông luôn cùng các con gói bánh tét. Cha con ông gói ít nhất 12 đòn để nấu. Ông quan niệm đây là dịp dạy cho con trai biết về văn hóa quê cha. Taki, con đầu của ông, bắt đầu học gói từ lúc 12 tuổi. Đến nay Taki đã có thể gói bánh khá tốt. Takara, con thứ hai của ông, cũng đã bắt đầu học gói bánh tét vào mỗi dịp tết. Hiện tại đã thành nếp quen nên cứ vào giữa tháng 1.2019, các con ông lại hỏi: “Khi nào gói bánh tét?”. Với ông, gói bánh tét là một nghệ thuật và ông nhất quyết phải gói bằng lạt, thắt dây như ở Việt Nam chứ không gói bằng dây ny lông. Ngoài ra, năm nào cha con ông cũng bày biện các món ăn như ở quê nhà để bày lên bàn thờ cúng tổ tiên.

Con trai Takara của GS Trương Nguyện Thành tập gói bánh tét

T.N.T

Nên nghỉ tết 3 ngày!

Là người luôn giữ truyền thống về tết cổ truyền như vậy nên khá dễ hiểu là GS Trương Nguyện Thành vẫn ủng hộ ăn tết ta. Tuy nhiên, ông chia sẻ quan điểm của mình là nên chọn ăn tết ta theo một phương án khác. Đó là kéo dài tết Tây, nghỉ nối liền với Noel để kích thích du lịch và ăn tết ta ngắn lại. Chỉ nên rút ngắn lại nghỉ 3 ngày tết ta để cúng ông bà.
"Chọn cách như vậy sẽ giúp kinh tế và hiệu quả công việc sẽ tốt hơn. Ngày nay người dân văn phòng hầu như có tâm lý nghỉ tết từ tết Tây đến tận tết ta. Khoảng thời gian giữa 2 cái tết này hầu như không làm việc, chỉ tiệc tùng nhậu nhẹt là chính. Vậy thì nên nghỉ tết ta ngắn lại để bắt đầu công việc sớm hơn", GS Thành cho biết. 
Theo GS Trương Nguyện Thành, Thái Lan là nước có sự thay đổi tết cổ truyền theo cách làm nhỏ lại. Chúng ta cũng biết tết Songkran, hay còn gọi là tết té nước, rất nổi tiếng ở Thái Lan vào ngày đầu năm theo Phật lịch. Trước đó, tết Songkran diễn ra từ ngày 13 - 15.4 hằng năm nhưng từ năm 2018 trở đi, Chính phủ Thái Lan chính thức kéo dài thời gian tết lên 5 ngày, kéo dài từ ngày 12 - 16.4. Việc kéo dài thêm 2 ngày này nhằm kích thích du lịch, tạo điều kiện cho du khách nước ngoài đến tham gia tết Songkran nhiều hơn ở đất nước này. 

GS Trương Nguyện Thành mặc áo dài truyền thống trong lễ tổng kết năm học khi còn là Phó hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen

NVCC

Tuy nhiên, từ lâu người Thái Lan chủ trương tiết giảm, làm nhỏ lại những hoạt động, nghi lễ truyền thống không cần thiết. Chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa, cầu nguyện, tưởng nhớ tổ tiên. Người dân chủ yếu đi ra đường hòa vào lễ hội để té nước vào nhau cầu may mắn. Chính phủ Thái Lan cũng siết chặt giao thông vào những ngày này vì 7 ngày tết từ lâu được gọi là "7 ngày nguy hiểm" với hàng trăm người thiệt mạng vì tai nạn. Tuy vậy, sau đúng 7 ngày, tất cả mọi hoạt động mua bán, làm việc sẽ được diễn ra như bình thường. 
Theo GS Trương Nguyện Thành, ở Việt Nam không nhất thiết phải ăn tết ta kéo dài đến cả 2 tuần như hiện nay. Tiết giảm số ngày nghỉ tết sẽ mang đến nhiều cái lợi hơn cho đất nước. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.