Hàng trăm bình luận của bạn đọc báo Thanh Niên gửi về tòa soạn trong 2 ngày qua sau bài viết Có nên tiếp tục ăn tết ta?: Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa’. Nhiều ý kiến phản biện với giáo sư (GS) Võ Tòng Xuân được lập luận rất chặt chẽ, khúc chiết. Chúng tôi xin trích dẫn một số ý kiến tranh luận sôi nổi của bạn đọc về chủ đề trên.
Ăn tết ta tốn kém hay không là do chính mình
Bạn đọc Black Pearl, trú TP.HCM nói: “Tốn kém hay không là do chính mình. Nhà tôi không có điều kiện, nhưng đêm 30 cả nhà vẫn cùng nhau đón tết. Ông bà ngồi gói vài cặp bánh chưng, vợ chồng tôi sửa soạn bông hoa, trái cây trên bàn thờ, 2 đứa con có nhiệm vụ lau chùi nhà cửa cùng làm cùng cười đùa kể chuyện tết xưa. Cái không khí đó chỉ có ở tết cổ truyền”.
Bạn đọc Nguyễn Thị Tâm, TP.HCM chia sẻ: “Tết ta là dịp để chúng ta có dịp sum vầy và nhớ về nguồn cội. Tết cổ truyền là nét đẹp văn hóa của Việt Nam ta từ trước đến giờ, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón 1 năm với hy vọng tốt đẹp hơn. Việt Nam nghèo không phải là do tết. Đừng so sánh với phương Tây, bên họ có những cái mà ta không có, còn bên mình có mà họ không có thì đó mới gọi là nét văn hóa đặc trưng. Một điều nữa, nếu không có tết ta thì chắc không có dịp để thăm viếng ông bà cha mẹ luôn quá, vì các doanh nghiệp xiết việc nghỉ phép của công nhân rất chặt...”.
|
Dat Huynh, bạn đọc ở TP.HCM trao đổi: “Tại sao không nhập tết Tây vào tết ta mà lại đi nhập tết ta vào tết Tây? Chúng ta hòa nhập nhưng không hòa tan. Tết không có tội, lãng phí, tốn kém và kéo dài hay không là do ý thức của mỗi gia đình. Ai không thích thì cứ đóng cửa ngủ mấy ngày xuân, hoặc đăng ký đi làm mấy ngày tết để đất nước giàu mạnh”.
Bạn đọc Vietroad, TP.HCM lên tiếng: “Làm mà không ăn vậy thì làm để làm gì? Nghỉ ngơi cũng là cách để nâng cao hiệu quả công việc, GS cho rằng nước ngoài họ không ăn tết dài ngày nhưng mỗi năm họ đều có một kỳ nghỉ hè còn dài hơn mình ăn tết. Vậy sao họ không nghèo? Giáo sư nói Nhật Bản bỏ ăn tết ta nên họ giàu, vậy Trung Quốc có ăn tết ta sao họ cũng giàu?”.
Chúng tôi học cách ăn tết của GS Võ Tòng Xuân
Bạn Lâm Huỳnh Cường (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho hay: “3 năm rồi gia đình tôi chỉ đón tết Tây theo phong tục của ông bà. Cũng cúng kiếng, cũng dựng nêu. Nhiều người nói không có hoa mai, hoa đào, nhà tôi cứ vặt lá mai đúng ngày cũng ra hoa đẹp rực rỡ. Còn tết ta (âm lịch) được nghỉ tôi làm việc khác. Nhờ trời nên cúng kiếng theo “ngày Tây” vậy mà vẫn mạnh khoẻ, làm ăn được thấy không có vấn đề gì. Nói chung chứng minh hoa đào hoa mai có thể nở vào ngày tết Tây là quá đủ rồi. GS Võ Tòng Xuân là tấm gương để tôi học tập. Sang năm tôi sẽ bớt “bày vẽ” lại và đón tết Tây gọn nhẹ lại.
Bạn đọc Chi Mai ở Bạc Liêu nói: “Có thể cổ vũ cho tết Tây bằng cách cho công chức nghỉ nhiều hơn vào dịp này (3, 4 ngày). Tết ta thì chỉ cho nghỉ ngắn ngày thôi: 1 ngày chẳng hạn. Như vậy dần dần người dân sẽ bớt ăn tết ta quá lâu. Chúng ta lại tập trung vào làm việc”.
|
Trong khi đó, bạn Lâm Huỳnh Cường (Bà Rịa - Vũng Tàu) trao đổi: “Theo tôi thì không nghỉ ngày nào cũng đâu có sao? Tết trung thu nhà nước đâu có cho nghỉ ngày nào mà cũng đâu có "mất tết trung thu"? Các ngày tết của người Chăm, người Khmer, người Hmong đâu có được nghỉ lễ mà cũng đâu có mất? Tôi chưa biết tại sao nhà nước không bỏ mấy ngày nghỉ lễ cổ truyền đi và dồn vào mấy ngày phép tự do. Tăng số lượng ngày phép lên gấp đôi, tăng cơ chế giám sát ngày nghỉ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào không đảm bảo số lượng ngày nghỉ phép thì phạt thật nặng. Như vậy chẳng phải là ổn định xã hội hơn sao?”
Bạn Đỗ Trường Xuân (Đồng Nai) hoan nghênh: “Tôi ủng hộ ý kiến của GS, bởi vì văn hóa và thuần phong mỹ tục không chỉ ở cái tết ta và nhất là cái tết ta lại đem lại nhiều tai nạn, rượu chè, bài bạc đủ thứ thói hư tật xấu gây mất người, mất của cho biết bao gia đình. Nên gộp tết ta vào tết Tây và cho nghỉ 1 tuần để mọi người đi du lịch, về đón tết với gia đình và nên đưa giáo dục văn hóa tết vào nhà trường”.
Tương tự, bạn đọc Trần Văn Hùng ở Hà Nội nói: “Tôi rất đồng tình quan điểm với GS Võ Tòng Xuân về việc chúng ta nên bỏ tết ta bởi vì đâu phải có 3 ngày tết là xong đâu, còn lai rai đến hết tháng giêng vì dịp này các lễ hội mở ra khắp nơi rồi người dân đi cầu tài cầu lộc. Nói như GS còn ăn tết ta đất nước càng nghèo là rất chính xác”.
|
Tỉ mỉ hơn, bạn Hồ Trinh, Hà Nội lập luận: “Không phải bỏ ăn tết ta, mà ăn tết ta sớm hơn khoảng 1 tháng, điều chỉnh cho trùng với tết Tây. Lúc này cho nghỉ tết 2 tuần, bắt đầu nghỉ từ Noel. Nghỉ 2 tuần đủ thời gian để người lao động ở xa về quê nghỉ ngơi, chung vui, họp mặt. Phương Tây cũng nghỉ vào dịp này. Ban đầu sẽ lạ lẫm và bỡ ngỡ, nhưng dần cũng sẽ quen! Ngày tết ta, có thể cho nghỉ 1 ngày, mọi người làm mâm cơm tưởng nhớ tổ tiên ông bà cũng được rồi. Nếu được điều chỉnh như vậy, rất thuận lợi khi Việt Nam giờ đây đã hòa nhập trong giao thương kinh tế quốc tế. Trước đây, tôi từng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, Noel họ đã bắt đầu nghỉ tết Tây rồi, trong khi mình vẫn làm việc. Đến khi mình nghỉ ăn tết ta, Tây lại làm việc, rất bất lợi trong giao dịch quốc tế, như đặt hàng, điều chỉnh đơn hàng, ký hợp đồng thương mại, chuyển tiền...
Bạn Bui Lan (Hà Nội) góp ý kiến: “Là phụ nữ truyền thống, năm nào tết ta tôi cũng vất vả lo mọi việc một mình, nhiều lúc cũng muốn bỏ ăn tết ta đi cho nhẹ thân. Nhưng giờ càng lớn tuổi nhìn lại tôi lại thấy mỗi dân tộc đều có 1 sức mạnh mềm riêng, trong đó ăn tết ta góp 1 phần không nhỏ gìn giữ các giá trị văn hóa, gắn kết con cháu với bố mẹ, ông bà, tổ tiên, gắn thầy với trò.
Nhưng tôi luôn mong muốn chúng ta tiêu tiền dịp tết ta thật hợp lý. Và quan trọng là hãy để người phụ nữ trong nhà cảm thấy ăn tết ta thực sự vui, không phải đủ 5 ngày tết tất bật quần quật trong bếp trong khi các đức ông chồng cứ nhậu vô tư bên bàn ăn rồi biết bao hệ luỵ khác…”.
Bình luận (0)