Nhiều bạn trẻ cho biết, tết Nguyên đán là lúc người ta rộng rãi, hào phóng hơn với bản thân cho những chi tiêu sau một năm tiết kiệm, nhất là khi nghe thấy “ting ting”, tiền thưởng tết đã về. “Nhìn cái gì cũng muốn mua”, thấy gì khuyến mại cũng hấp dẫn, nhiều người mua sắm quá tay, dẫn tới lúc ra tết thì cạn tiền, phải vay mượn để chi tiêu trong những tháng sau đó.
Để riêng tiền dự phòng
Sống tối giản lại, đặc biệt trong dịp tết là phương châm của MC Minh Hằng, 29 tuổi, trưởng phòng, phòng truyền hình Việt Nam Hội nhập. Chị chia sẻ: “Tết đến có hàng trăm thứ cần mua sắm, nên tôi luôn có một kế hoạch chi tiêu, viết cụ thể ra để mình chỉ mua những thứ thật cần thiết, bỏ qua những thứ không thật cần thiết, tránh lãng phí. Tôi không mua mỹ phẩm, quần áo mới bởi đã có đủ trong năm. Tôi liệt kê những thứ bắt buộc cần có, như đồ ăn, đồ dùng, đồ biếu và đặc biệt không tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh, bởi chắc chắn sẽ ăn không hết. Phần quan trọng là tôi phải để dành một phần tiền thưởng tết dự phòng, để sau tết không bị “âm” tiền”.
|
Tự thưởng cho bản thân nhưng không quá đà
Anh Nguyễn Quang Huy, 35 tuổi, kiến trúc sư công ty kiến trúc H.Q.H (TP.HCM), cho biết tết là thời gian đặc biệt mà anh sẽ tự thưởng cho bản thân sau một năm cống hiến, lao động miệt mài và tiết kiệm nhiều. “Tôi có thể mua tour du lịch cho mình và gia đình, mua tặng cho mẹ cái tủ lạnh đời mới hiện đại hơn. Tất nhiên là mình phải cân đối chi tiêu, trong sự cho phép tài chính, không bị quá đà”.
Chị Trần Thị Hương, 36 tuổi, nhân viên kế toán Khách sạn Wyndham Legend Hạ Long (Quảng Ninh) chia sẻ, bản thân chị chưa bao giờ dùng ví điện tử, chỉ rút tiền mặt từ cây ATM để tiêu. Do đó, khi vừa nhận được lương, tiền thưởng tết, chị tự động chia ra các khoản cố định như sau: Biếu ông bà 2 bên nội ngoại vài triệu tiền tết ; Một khoản dành để lì xì cho mọi người trong gia đình, người thân, đồng nghiệp; Mua bánh kẹo/hoa quả tết. Như vậy là vừa đủ tiền thưởng tết.
|
Chọn mặt để... vay tiền
Chị Nguyễn Thị Huyền Trang, Trưởng phòng marketing Công ty tài chính Home Credit Vietnam, cho rằng, để không bị thâm nợ, mỗi người trẻ nên lập kế hoạch tiết kiệm cho năm mới và bắt tay vào thực hiện ngay khi có lương hoặc thưởng tết, không đợi đến khi chi tiêu xong mới tiết kiệm. Theo chị Trang, người trẻ cần lập danh sách cụ thể những vật dụng cần mua cho tết. Đối với những món đồ có giá trị lớn hơn 1/5 khoản thu nhập hàng tháng, cần cân nhắc kỹ hoặc tham khảo những hình thức trả góp phù hợp .
Thời điểm giáp tết cũng là lúc nhiều nhãn hàng, trung tâm mua sắm có nhiều chương trình khuyến mại, các bạn trẻ có thể dành thời gian so sánh giữa các mặt hàng, điểm bán để mua sắm với chi phí tối ưu nhất, để tiền thưởng tết được chi tiêu khoa học nhất. Nếu có nhu cầu vay tiền mặt, các bạn nên cẩn trọng và lựa chọn những công ty có thông tin minh bạch, rõ ràng, không nên vay tín dụng đen hoặc các hình thức vay vốn từ các cá nhân tổ chức không có giấy phép của ngân hàng nhà nước.
|
“Để tránh bị “đổ nợ”, các bạn cần cân nhắc đến khả năng trả nợ hàng tháng của bản thân. Khả năng trả nợ = 70% x Thu nhập khả dụng (Thu nhập khả dụng = tổng thu nhập – tổng chi phí). Ví dụ tổng thu nhập là 4 triệu đồng, chi phí mọi thứ là 3,2 triệu đồng; thu nhập khả dụng là 800.000 đồng. Khi đó, tiền dự phòng là 240.000 đồng và khả năng trả nợ là 560.000 đồng”, chị Trang cho hay.
Cảnh giác chiêu lừa, chiếm đoạt tiền trong tài khoản dịp tếtNgày 5.1 và 8.1, đồng loạt ngân hàng Vietcombank và Techcombank đều phát các cảnh báo tới khách hàng của mình những thủ đoạn lừa đảo, lấy cắp thông tin. Theo đại diện các ngân hàng, thời điểm cận tết hằng năm luôn là thời điểm khách hàng có nhu cầu giao dịch tăng cao đột biến, đặc biệt là các giao dịch mua sắm trực tuyến. Đây cũng là thời điểm mà các hoạt động gian lận, lừa đảo tài chính diễn ra phức tạp với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Một số thủ đoạn lừa đảo, để khách hàng tự chuyển tiền như: Đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên bưu điện thông báo khách hàng bị nợ cước viễn thông, hoặc khách hàng có bưu kiện, yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền để thanh toán cước viễn thông hoặc chuyển tiền cước phí vận chuyển bưu kiện hoặc cước lưu kho. Mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu/rửa tiền/mua bán ma túy và yêu cầu khách hàng chuyển tiền tới tài khoản của cơ quan công an (giả mạo) để tạm giữ, phục vụ công tác điều tra. Mạo danh nhân viên ngân hàng thông báo khách hàng trúng thưởng, và yêu cầu khách hàng chuyển tiền phí để nhận thưởng...
Đại diện các ngân hàng cho biết, khi có bất kỳ nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo đối với giao dịch ngân hàng, mọi người hãy tạm thời khóa hoặc đổi mật khẩu dịch vụ và liên hệ ngay với trung tâm hỗ trợ khách hàng.
|
Bình luận (0)