'Tôi chỉ thích thưởng tết bằng tiền, không muốn hiện vật'

Thúy Hằng
Thúy Hằng
19/12/2019 14:54 GMT+7

Làm lụng một năm chỉ mong tiền thưởng tết, đó là tâm tư của không riêng người lao động nào. Nhiều lao động trẻ cho hay điều họ mong muốn là tiền thưởng, còn hiện vật chỉ là thứ yếu, có thể cho thêm hoặc không.

Dư luận đang bàn luận sôi nổi quanh việc thưởng tết bằng tiền hay hiện vật. Mặc dù theo điều 104 Bộ luật lao động 2019 (phải đến 1.1.2021 mới có hiệu lực) quy định, thưởng không nhất định bằng tiền. Nó có thể là tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động. Tâm tư lao động trẻ ra sao về thưởng tết?

Thưởng bằng tiền mua gì cũng dễ

Chị Dương Hồng Thắm, 29 tuổi, trú ở đường Phan Văn Hớn, Q.12, TP.HCM cho biết chồng chị làm ở một tập đoàn, thưởng tết hằng năm được quy bằng tiền tương đương một tháng lương. Điều này đáp ứng nguyện vọng của tất cả nhân viên. Ngoài ra người lao động cũng cảm thấy hài lòng khi trong năm các khoản lương, thưởng, làm việc ngày lễ được tính phù hợp với công sức bỏ ra của nhân công. Ví dụ làm 5 năm thì được thêm 10% lương, 10 năm thì tăng 15% lương, hoàn thành các công trình vượt tiến độ cũng có tiền thưởng, làm thứ 7 thì ngày công tính gấp đôi…

Công nhân khu công nghiệp Tân Tạo đi chợ. Với người lao động, tiền thưởng tết là khoản tiền được mong chờ nhất trong năm

Ngọc Dương

Chị Nguyễn Thị Ngọc, 32 tuổi, trú ở chung cư Proper Plaza, Q.12, TP.HCM làm ở bộ phận kỹ thuật cho một công ty xây dựng tại TP.HCM, cho hay chị luôn mong thưởng tết bằng tiền, từ tiền có thể mua vé tàu xe, vé máy bay, quà cho gia đình hai bên nội ngoại, bánh kẹo đồ ăn ngày tết. “Thưởng bằng hiện vật, thì mỗi công ty làm sao biết hết nhân viên của mình đang cần gì. Chẳng lẽ công ty bán gạo, sẽ tặng gạo, còn công ty nước mắm thưởng nước mắm, bà con mang nước mắm đổi lấy bánh kẹo, thịt heo ăn tết hay sao?”, chị Ngọc nói. Tại công ty của chị Ngọc, Tết Nguyên đán thường thưởng bằng 3 tháng lương bình thường. Công ty cũng có tiệc cuối năm, đồ ăn cho mỗi người tương đương 1,1 triệu đồng. Ngoài ra, cũng chia sẵn mỗi người 7 lon bia, nếu ai không uống hết có thể mang về.

Làm cả năm chỉ ngóng đến lúc “tinh tinh”

Chị Hồ Thị Nhiên (26 tuổi), nhân viên một công ty viết sách, Q.2, TP.HCM, cho hay: “Làm việc cả năm mong chờ nhất lúc được nghe hai tiếng 'tinh tinh' chuông báo tiền thưởng tết đã về. “Có tiền tết là tôi muốn về quê ngay, không thiết gì ăn liên hoan, tổng kết cuối năm nữa. Làm lụng cả năm vất vả với sách vở rồi, nếu thưởng tết cuối năm cũng tặng hiện vật là sách cho nhân viên nữa thì chắc tôi không sống nổi”.
Chị Hoàng Thị Anh, 32 tuổi, công nhân Công ty Tungmung Textile Vietnam (khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM) cho biết nhiều năm nay, công ty của chị thưởng tết cho nhân viên bằng tháng lương thứ 13, kèm hiện vật là bánh kẹo, bia, nước ngọt. “Quan trọng nhất là tiền thưởng, còn hiện vật nếu có thêm cũng vui. Bao nhiêu công nhân từ quê nghèo lên thành phố, làm cả năm mong tiền thưởng tết sẽ giúp họ chi phí được bao nhiêu thứ ở quê nhà”, chị Anh chia sẻ.
 

Người trẻ đi dạo tết

Thúy Hằng

Chị Đoàn Thị Tươi, 28 tuổi, nhân viên Công ty bánh mứt kẹo Bảo Minh (Hà Nội) tâm tư: “Tôi hay bạn bè tôi ai đi làm cũng thích tiền thưởng tết, quà bánh công ty tặng thêm chỉ là phụ. Công ty tôi đặc thù nhiều năm qua vừa tặng nhân viên tiền tết, vừa có bánh kẹo công ty sản xuất, đó cũng là đặc sản mà công ty mình làm ra, có thể mang về biếu ông bà họ hàng. Tuy nhiên, nếu công ty nào có điều kiện hơn có thể tặng thêm hiện vật cho người lao động, là những đồ tiện ích cho cuộc sống hiện đại hơn như tủ lạnh, máy lạnh, lò vi ba... tôi nghĩ không ai chối từ”.
Theo điều 104 Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 1.1.2021
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Thưởng tết xứng đáng để giữ chân lao động

Anh Nguyễn Trương Tuyến, giám đốc điều hành, sáng lập Vinalinks Group, cho hay khi Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực kể từ năm 2021, các nhà sử dụng lao động có quyền làm theo, và dịp thưởng tết, họ có quyền thưởng bằng hiện vật thay thưởng tiền cho người lao động. “Nhưng là một nhà quản lý, tôi cho rằng, thưởng gì để giữ chân được người lao động quan trọng hơn việc thưởng cho xong, thưởng những gì anh đang sẵn có”, anh Tuyến nói.
Theo anh Tuyến, nếu người quản lý không nắm bắt đúng tâm tư nguyện vọng của người lao động, động viên tinh thần, vật chất cho người lao động, cụ thể qua việc thưởng tết, thì rất dễ người lao động sẽ rời bỏ công ty. Và lúc đó, công ty đi tuyển dụng, đào tạo lại nhân sự mới thì còn mất công sức, tiền bạc hơn rất nhiều lần tiền thưởng tết.

Thấy bánh chưng xanh là thấy tết

Q.H

Anh Tuyến cho biết kinh nghiệm thưởng tết tại công ty anh, ngoài phần lương tháng 13 chắc chắn ai cũng có, thì còn một khoản khác được tính theo công thức: lợi nhuận 1 năm chia làm 3 phần bằng nhau; 1 phần để tái đầu tư; 1 phần chia cho đội ngũ điều hành, cổ đông; phần còn lại chia cho các nhân viên theo KPI (chỉ số hiệu quả) để đảm bảo công bằng. Công ty cũng giữ lại một khoản, để đầu năm tặng cho nhân viên đi làm đúng ngày, điều này "giữ chân" nhân sự, không khiến họ "nhảy việc".
Bên cạnh đó, công ty luôn xác định 20% nhân sự quan trọng nhất của công ty, lực lượng ảnh hưởng tới 80% sự thành công của công ty, đối tượng này sẽ có chế độ thưởng tết đặc biệt hơn. “Đó có thể là lá thư cảm ơn người cha, mẹ, người thân đặc biệt nhất của nhân sự đó, cảm ơn họ đã có một người con tuyệt vời, kèm theo phần quà có thể là phiếu mua hàng ở siêu thị để mọi người có những giây phút mua sắm vui vẻ”, anh Tuyến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.