Giao tranh khốc liệt tại tâm điểm Severodonetsk

01/06/2022 06:28 GMT+7

Trong lúc giao tranh tiếp tục diễn ra khốc liệt ở vùng Donbass (miền đông Ukraine), EU đã đạt đồng thuận trong việc cấm nhập dầu mỏ từ Nga.

Nga đã kiểm soát một phần

Trận chiến giành quyền kiểm soát TP.Severodonetsk ở tỉnh Luhansk thuộc vùng Donbass đang ngày càng gay gắt. Reuters dẫn lời tỉnh trưởng Serhiy Haidai ngày 31.5 nói Nga đã kiểm soát một phần Severodonetsk và đang tiến về trung tâm thành phố. Trước đó, ông Leonid Pasechnik, lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng (LPR), cho biết lực lượng Nga đã kiểm soát 1/3 TP.Severodonetsk, nhưng tốc độ tiến công chậm hơn mong muốn. Theo TASS, nỗ lực này đang thêm phức tạp do hệ thống phòng thủ dày đặc của Ukraine và sự hiện diện của một số nhà máy hóa chất lớn ở khu vực.

Xem nhanh: Chiến dịch của Nga ngày 97, sẽ lặp lại 'Mariupol' ở Donbass?

Người đứng đầu LPR cũng chỉ ra mục tiêu chính của họ hiện nay là “giải phóng” Severodonetsk và thành phố lân cận Lysychansk. Reuters nhận định nếu cả hai nơi này thất thủ, Nga sẽ kiểm soát hoàn toàn Luhansk và có thể tiếp tục tiến công tại Donetsk. CNN dẫn thông báo của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine hôm qua cho biết Nga đang tập trung vào việc thiết lập quyền kiểm soát Severodonetsk với các hoạt động tấn công và chiến tranh điện tử trong khu vực.

Khói bốc lên từ thành phố Severodonetsk ngày 30.5

AFP

Tình hình ở Severodonetsk tiếp tục gây khó khăn cho người dân. Ông Haidai nói khoảng 15.000 người vẫn còn kẹt ở Severodonetsk và việc sơ tán đang bị dừng lại. Bên ngoài Severodonetsk, Bộ Tổng tham mưu Ukraine ngày 31.5 cho biết một loạt khu vực khác đang bị bắn phá dữ dội. Theo đánh giá Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW, Mỹ) đưa ra cùng ngày, lực lượng Nga tại Kharkiv đang tập trung ngăn chặn Ukraine phản công đến biên giới. Trong khi đó, cuộc phản công của Ukraine ở phía bắc tỉnh Kherson không đạt được mục tiêu nào trong 48 giờ qua nhưng đã làm gián đoạn các hoạt động của Nga. Cả hai bên chưa bình luận về các đánh giá này.

Châu Âu cấm nhập dầu Nga

Trong lúc chiến sự ngày càng nóng, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 30.5 đã đưa ra biện pháp trừng phạt Nga mạnh tay nhất từ trước đến nay liên quan đến xung đột tại Ukraine. Sau nhiều tuần tranh cãi vì sự phản đối của Hungary và các nước phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Nga như Slovakia, CH Czech, EU đã nhất trí về việc thông qua gói trừng phạt thứ sáu đối với Moscow, bao gồm cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga.

Lãnh đạo châu Âu nhất trí "về nguyên tắc" cấm nhập khầu đến 90% dầu mỏ từ Nga

Theo Reuters, lệnh cấm sẽ miễn trừ dầu vận chuyển bằng đường ống để những nước như Hungary có thời gian tìm kiếm nguồn cung thay thế. Điều này có nghĩa EU chỉ cấm vận dầu thô vận chuyển đến khối này bằng tàu.

Nam Ossetia hủy trưng cầu dân ý về gia nhập Nga

Theo AFP, nhà lãnh đạo Alan Gagloev của vùng ly khai Nam Ossetia ở Georgia ngày 30.5 đã ra sắc lệnh hủy cuộc trưng cầu dân ý việc sáp nhập vào Nga vì không chắc chắn về hậu quả pháp lý của vấn đề được đưa ra trưng cầu dân ý. Ông Gagloev cũng lệnh tổ chức tham vấn với Moscow về toàn bộ các vấn đề liên quan đến việc sáp nhập Nam Ossetia vào Nga.

Trước đó, người tiền nhiệm Anatoly Bibilov của ông Gagloev hôm 13.5 ký sắc lệnh quyết định tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 17.7 vì “nguyện vọng lịch sử” của người dân Nam Ossetia là gia nhập Nga. Georgia đã kiên quyết phản đối kế hoạch trên. Đầu tháng này, ông Bibilov đã thua trong nỗ lực tái tranh cử. Nam Ossetia là tâm điểm trong cuộc xung đột giữa Nga và Georgia năm 2008. Điện Kremlin sau đó công nhận vùng lãnh thổ này là quốc gia độc lập và thiết lập các căn cứ quân sự tại đây.

Tuy vậy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết thỏa thuận của EU lập tức có tác dụng với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga và mục tiêu của EU là cấm vận 90% lượng dầu nhập khẩu từ Nga vào cuối năm nay. Đáp lại, trưởng phái đoàn đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna (Áo) Mikhail Ulyanov cho biết Moscow sẽ tìm các khách hàng khác cần dầu của Nga, theo TASS.

Cấm vận bủa vây, người Nga đi du lịch nơi đâu?

Gói trừng phạt mới nhất cũng loại ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. AFP dẫn lại thông báo của Sberbank hôm qua cho biết ngân hàng không bị các biện pháp này ảnh hưởng. Cùng ngày, tập đoàn Nga Gazprom cũng thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho Hà Lan sau khi công ty năng lượng Hà Lan GasTerra từ chối thanh toán bằng đồng rúp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.