Giáo viên chưa thạo Excel, Word thì liệu có thể nâng tầm kỹ năng lao động?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
25/06/2022 15:38 GMT+7

Trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, nền kinh tế số phát triển mạnh mẽ, nếu giảng viên mới chỉ biết Excel, Word hay chưa thành thạo thì liệu có thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng tầm kỹ năng cho lao động?

Đó là một trong những vấn đề được đặt ra tại hội thảo Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng trong và ngoài nước, tổ chức tại Trường CĐ Văn Lang Sài Gòn, với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ, trung cấp và doanh nghiệp.

Có giáo viên không biết cộng trừ trong Excel

Có mặt tại hội thảo, thạc sĩ Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB-XH, cho biết vai trò của giáo dục nghề nghiệp trong việc nâng tầm kỹ năng cho lao động Việt Nam là rất quan trọng, vì hệ thống trường nghề đang đào tạo ra một lực lượng lao động lớn cung cấp nguồn nhân lực sản xuất trực tiếp cho doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia có mặt tại hội thảo

MỸ QUYÊN

Ông Sự nhìn nhận: "Tay nghề chất lượng cao không gói gọn trong trình độ ĐH hay CĐ, mà chính là kỹ năng tạo sản phẩm cho xã hội. Muốn nâng tầm kỹ năng lao động thì trước hết phải nâng tầm kiến thức, kỹ năng cho nhà giáo. Thầy cô phải có kiến thức thực tế, biết được doanh nghiệp đang vận hành như thế nào, có nhu cầu gì, yêu cầu người lao động đáp ứng tiêu chí ra sao, công nghệ phát triển đến đâu... Bên cạnh đó, trong thời đại số, người dạy phải thật giỏi tin học mới có thể vận dụng được công nghệ vào giảng dạy".

Thế nhưng thực tế ra sao? Theo ông Sự, bên cạnh những giáo viên có năng lực thực sự, vẫn có không ít thầy cô có đầy đủ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, nhưng khi làm Excel không biết cộng trừ nhân chia ra sao, phải dùng phần mềm máy tính trên điện thoại để hỗ trợ. Trong khi đó, tiếng Anh là công cụ để mở ra kho kiến thức vô tận trên thế giới nhưng không phải giáo viên nào cũng đủ trình độ để khai thác, thậm chí có thầy cô còn chưa giao tiếp được.

"Nhà giáo chưa thực sự chuyển đổi số, chưa vận dụng được công nghệ vào dạy học, thiếu kiến thức thực tế ở doanh nghiệp thì chưa thể nâng tầm kỹ năng cho lao động. Chính vì vậy, chất lượng giáo viên phải được nâng lên, nhà trường phải gắn kết với doanh nghiệp", thạc sĩ Đặng Minh Sự nêu quan điểm.

Ông Đỗ Võ Đăng Khoa, Giám đốc nhân sự của Tập đoàn WMC, đánh giá kỹ năng mềm chính là yếu tố quan trọng để giúp người lao động nâng cao hiệu quả công việc, góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

"Ngày nay sinh viên có sự năng động, sáng tạo nhưng kỹ năng quản lý cảm xúc, chịu được áp lực công việc còn kém. Các bạn cũng chưa có sự linh hoạt, kiên nhẫn trong quá trình vận hành công việc nên hiệu quả công việc chưa cao. Các trường nên chú trọng đến việc đào tạo kỹ năng cho người học, bên cạnh kiến thức chuyên môn luôn được cập nhật thực tế thường xuyên", ông Đăng Khoa chia sẻ.

Có kỹ năng mới không bị xem là "lao động giá rẻ"

Tham gia đóng góp ý kiến cho hội thảo, thạc sĩ Vũ Thị Nhung và thạc sĩ Hồ Thị Thảo (cùng công tác tại Học viện An ninh nhân dân), cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo ra sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp, giữa các nền kinh tế và giữa con người với máy móc và giữa chính người lao động với nhau.

Nâng tầm kỹ năng cho lao động trước hết phải được chú trọng từ môi trường đào tạo

MỸ QUYÊN

"Khi tự động hóa thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, người lao động chắc chắn phải thích ứng nhanh với sự thay đổi của sản xuất, nếu không sẽ bị dư thừa, bị thất nghiệp. Thị trường lao động trong nước và quốc tế có sự phân hóa mạnh mẽ giữa lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao. Và kỹ năng thấp thì lương sẽ thấp, kỹ năng cao lương sẽ cao", thạc sĩ Nhung cho hay.

Một điều tất yếu được các chuyên gia khẳng định, đó là lao động không có kỹ năng sẽ trở thành lao động giá rẻ, chỉ làm việc mang tính thời vụ, dễ dàng bị sa thải khi không còn đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Thạc sĩ Hồ Thị Thảo nhìn nhận để góp phần nâng tầm kỹ năng lao động, các trường nhất định phải hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp vì doanh nghiệp chính là nơi dẫn dắt công nghệ. "Trường nghề nên chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo những gì thị trường đang và sẽ cần trong tương lai. Mô hình này yêu cầu phải có sự gắn kết với doanh nghiệp. Nhà trường và doanh nghiệp sẽ chia sẻ nguồn lực chung như cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực, rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống", thạc sĩ Thảo đề xuất.

Thạc sĩ Phạm Huỳnh Mai (Trung tâm Phát triển năng lực sinh viên, Trường ĐH Văn Lang), cho rằng việc xây dựng nội dung, chương trình giáo dục kỹ năng cho học sinh, sinh viên rất quan trọng vì họ chính là lực lượng lao động trong tương lai.

"Nhà trường nên lồng ghép vào các hoạt động thực tế, giao lưu với doanh nghiệp, mời diễn giả truyền cảm hứng để tăng cường giáo dục kỹ năng chuyên sâu và có tính thực tiễn cao", thạc sĩ Mai bổ sung thêm.

Nhiều giải pháp thiết thực

Theo ông Trương Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường CĐ Văn Lang Sài Gòn, hội thảo nhận được gần 40 bài tham luận của các chuyên gia ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau của các trường ĐH, CĐ, các đơn vị quản lý nhà nước, các doanh nghiệp. Với 3 nhóm chủ đề chính gồm giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa và giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

"Có bài viết tập trung khai thác yếu tố nâng cao chuyên môn, tay nghề của đội ngũ lao động, có những bài viết đề cao việc trang bị các nhóm kỹ năng mềm, kỹ năng thực hành xã hội, tư duy - thái độ cho đội ngũ lao động, nhất là lao động trẻ. Các giải pháp được chia sẻ trong các bài viết rất thiết thực, có thể áp dụng ngay vào việc cải tiến phương pháp tổ chức đào tạo, giảng dạy và học tập", ông Hùng cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.