Lớp học vơi dần, giáo viên phải “phân thân”
Cô P., một giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, chia sẻ sau 1 tuần dạy học trực tiếp: “Giờ này tuần trước mình vui rộn ràng và cười nói tưng bừng với bọn trẻ trong những tiết học đầu sau 9 tháng. Hôm nay, căn phòng trống trải vì lớp có đến 4 F0. Tiếng của mình vang vang giữa bốn bức tường. Cả trường cũng vơi hẳn học sinh. Có dãy hành lang toàn những căn phòng tắt điện…”.
Mô hình lớp học "2 trong 1" vừa dạy trực tiếp vừa trực tuyến cho học sinh F0, F1 được nhiều nhà trường ở Hà Nội áp dụng |
v.hậu |
Tuy nhiên, cô P. cũng không vì thế mà bi quan, trái lại, cô cho rằng: “Đây cũng là một kỷ niệm để sau này nhớ lại cuộc chiến Covid-19. Sự sống thì không chán nản. Tuần sau các con được quay lại trường rồi. Những ô cửa có thể sẽ còn lốm đốm sáng tối trong một thời gian nữa. Nhưng chắc chắn ngôi trường sẽ lại đầy ắp tiếng cười. Và cô sẽ được dạy với tâm trạng như chưa từng vui như thế!”.
Theo lãnh đạo Trường THPT Hà Nội - Amsterdam, tính đến ngày 15.2, toàn trường có hơn 100 trường hợp F0, trong đó có 9 giáo viên, nhân viên, 63 học sinh THPT và 39 học sinh THCS. 37 trên tổng số 76 lớp (từ khối 7 đến khối 12) có F0 và chuyển sang học trực tuyến. Có lớp sĩ số chỉ 25 học sinh nhưng có đến 13 em là F0.
Vị lãnh đạo này cho biết, với yêu cầu chung nhà trường vẫn mở cửa, lớp nào không có F0 vẫn đi học bình thường. Với những lớp có học sinh là F0, theo hướng dẫn chung thì không đóng cửa cả lớp học mà chỉ cho học sinh nào là F0, F1 học trực tuyến, tuy nhiên nhiều phụ huynh viết đơn đề nghị cho cả lớp chuyển sang học trực tuyến nên nhà trường thực hiện theo nguyện vọng của phụ huynh.
Học sinh đi học lại, ứng phó với F0 Covid-19 trong nhà trường thế nào? |
Một giáo viên chủ nhiệm lớp 7 của Trường THCS Ba Đình (Q.Ba Đình) cho biết, một ngày của cô rất vất vả. Cô vừa phải dạy lớp trực tuyến, trực tiếp và kết hợp cả hai hình thức… “Có hôm tiết 1 tôi dạy trực tiếp, tiết 2 lại dạy trực tuyến lớp khác, sang tiết 3 lại tất tả chạy về lớp mình chủ nhiệm để dạy trực tiếp rồi livestream cho các bạn ở nhà… Cả ngày tôi quay cuồng giữa trực tiếp và trực tuyến, chạy hết lớp nọ đến lớp kia…”, cô Cúc chia sẻ.
Cô Đặng Thị Ngọc Hường, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Nhà trường cùng lúc phải tổ chức dạy trực tiếp và trực tuyến, nếu phát sinh giáo viên là F0, F1 thì trường phải có phương án thay thế, đổi giáo viên từ dạy trực tiếp sang trực tuyến...".
Theo cô Nguyễn Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Q.Ba Đình), các thầy cô trong ban giám hiệu cũng sẵn sàng đứng lớp thay theo đúng chuyên môn của mình khi có giáo viên là F0, F1. Cô Thủy cho biết cũng đã dạy văn thay cho một giáo viên là F1 phải cách ly, ngoài ra thầy cô khác trong trường đều sẵn sàng tương trợ nhau vào các tiết trống.
Lo thiếu giáo viên
Tuy nhiên, nhiều nhà giáo cũng bày tỏ lo ngại nếu tình trạng F0 ngày càng tăng nhanh trong trường học thì sẽ dẫn tới tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng.
Ông Đặng Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An (Q.Tây Hồ), cho hay khi học sinh mới trở lại trường, nhà trường tổ chức mỗi khối 1 lớp học trực tuyến dành cho học sinh F0, F1. Tuy nhiên, sau 1 tuần do số học sinh là F0, F1 tăng, giáo viên cũng có trường hợp là F0 nên nhà trường đã phải chuyển phương án tổ chức các lớp học "2 trong 1", vừa dạy trực tiếp vừa trực tuyến theo từng lớp vì nếu lớp trực tiếp riêng, lớp trực tuyến riêng sẽ thiếu giáo viên trầm trọng.
Ông Hà cho biết, khá nhiều lớp chỉ có khoảng 1/2 số học sinh đến trường; toàn trường có 3 lớp phải chuyển sang học trực tuyến 100%. Nhà trường đề nghị việc dạy học trực tiếp cũng chỉ tập trung vào nội dung cốt lõi theo đúng hướng dẫn dạy học thích ứng với dịch bệnh của Bộ GD-ĐT đã ban hành, giảm mức độ yêu cầu với cả giáo viên và học sinh.
Giáo viên Trường THCS Chu Văn An dạy trực tuyến cho những học sinh F0, F1 |
ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường Lomonoxop (Q.Nam Từ Liêm), thông tin mỗi khối của trường có một lớp dạy học trực tuyến dành cho học sinh F0, F1 nhưng với tình hình F0 tăng nhanh, nhà trường có thể sẽ phải tăng tối đa lên mỗi khối có 3 lớp học trực tuyến. Nếu vậy, việc học lại trở về gần như trạng thái chủ yếu học trực tuyến, bởi với cách dạy như hiện nay, giáo viên rất căng, hầu như không có thời gian nghỉ giữa giờ. Đặc biệt, nếu giáo viên thành F0 thì sẽ thiếu người dạy.
Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Q.Đống Đa), chia sẻ giáo viên dạy học thời điểm này là cực kỳ áp lực và vất vả. Ông Cường cho hay, nhà trường không ngại về giải pháp công nghệ khi phải dạy hỗn hợp nhiều hình thức nhưng nỗi lo lắng nhất lúc này là học sinh và giáo viên bị F0 tăng theo các ngày, cũng dẫn đến việc không có giáo viên dạy thay cho đồng nghiệp.
Một đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho hay qua kiểm tra thực tế tình hình dạy học trực tiếp hơn 1 tuần qua thì điều mà các nhà trường và phòng GD-ĐT lo lắng nhất là thiếu giáo viên khi thực hiện dạy học linh hoạt ứng phó với dịch bệnh, ở cấp trung học có những môn cả trường chỉ có 2 giáo viên của một bộ môn nên có muốn cũng không có người để dạy thay.
Hơn nữa, nếu giáo viên là F0 thì họ cần được nghỉ ngơi, điều trị chứ không thể dạy học trực tuyến được. Đó cũng là những vấn đề phải tính toán và có kế hoạch linh hoạt hơn trong thời gian tới.
Bình luận (0)