“Từ Tâm” và tận tâm
“A lô! Dạ, cho tôi hỏi cô Nhi đang nghe máy phải không vậy?”. Sau tiếng trả lời rằng phải của cô Nhi, người đàn bà giọng già nua rưng rức kể về cảnh đời khốn khổ của bà và đứa cháu nhỏ. Cô Nhi trấn an bà và hứa sẽ đến tận nhà để giúp đỡ vào sáng hôm sau. Quay sang tôi, cô Nhi nói: “Thêm một cảnh khổ nữa. Tôi sẽ cùng anh chị trong nhóm xác minh kỹ và tìm cách giúp bà mới được”.
Cô Nhi (thứ 3, từ phải qua) và các nhà hảo tâm thăm hỏi, hỗ trợ một cảnh đời |
nvcc |
Những cuộc điện thoại như vậy không phải mới với cô Nhi - tên đầy đủ là Lâm Bích Nhi, 36 tuổi, hiện là giáo viên Trường Mầm non Thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền). Bởi từ lâu, nhiều người xem cô Nhi và nhóm thiện nguyện của cô như một địa chỉ nhân đạo, luôn sẵn lòng che chở và bảo bọc những phận đời trước sóng gió truân chuyên.
Cô Nhi kể, từ gần chục năm qua, cô thường xuyên ủng hộ các nhóm thiện nguyện trong và ngoài địa bàn TP. Cần Thơ, khi các nhóm kêu gọi hỗ trợ một hoàn cảnh nào đó. Năm 2018, cô giáo Nhi biết được hoàn cảnh của hai chị em cụ bà ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền là Phan Thị Ghi (sinh năm 1942) và Phan Thị Vo Ly (sinh năm 1943). Hai bà cụ sống cảnh đơn chiếc, trong mái nhà lá xiêu vẹo sau bao năm chống chọi với gió mưa. Thương hai cụ, cô Nhi đăng tải lên mạng xã hội để tìm sự chung lòng của các nhà hảo tâm. Kết quả, cô Nhi đã giúp hai bà sửa lại nhà, tặng các vật dụng cần thiết.
Từ dấu ấn đó, chị Nhi nghĩ đến việc lập một nhóm thiện nguyện để nối vòng tay yêu thương. Chị nghĩ, mọi việc từ thiện đều là tùy duyên và từ tâm mỗi người. Vậy nên chị đặt tên nhóm là “Từ Tâm”. Lúc đầu nhóm chỉ có 4-5 người, nay thì được 9 người, điều đặc biệt là phần lớn thành viên đều là giáo viên các trường trên địa bàn huyện Phong Điền. Cô Nguyễn Thị Diễm Thoa, đồng nghiệp và cũng là thành viên nhóm thiện nguyện Từ Tâm, chia sẻ: “Dù việc dạy học có bận bịu nhưng tôi tranh thủ để tham gia làm thiện nguyện. Giúp được người khác tôi vui lắm, hạnh phúc lắm”.
Cô Nhi (bìa trái) thăm hỏi, tặng quà cho các cụ |
nvcc |
4 năm qua, Từ Tâm đã đến với người nghèo, những hoàn cảnh khó khăn bằng sự tận tâm của người giáo viên. Nhóm đang cất nhà cho 4 anh em người dân tộc Khmer ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Mẹ bỏ, cha đi cai nghiện, các anh em nương náu vào nhau mà sống và nhờ ân tình của người đời mà lớn. Từ Tâm đến với các em, vận động giúp em có mái nhà lành lặn và tặng vật dụng gia đình, nhu yếu phẩm… tổng trị giá khoảng 40 triệu đồng. Sẽ chẳng biết bao nhiêu là đủ cho một cuộc đời nhưng tấm lòng Từ Tâm thì đủ để xoa dịu những tổn thương con trẻ, để các em bước tiếp…
Giở cuốn sổ nhỏ, chị Nhi cộng cộng, đếm đếm rồi nói: “19 hộ. Chính xác là 19 hộ. Nhóm Từ Tâm đang hỗ trợ hằng tháng cho 19 hộ có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi hộ được trao 10kg gạo, nhu yếu phẩm…”. Nghe tiếng xì xào ngoài ngõ, anh Huỳnh Hữu Hoàng, nhà ở Trà Niềng, thị trấn Phong Điền, đã nhận ra giọng cô Nhi và từng người trong nhóm Từ Tâm đang bước vào nhà ông, dù ông là người khiếm thị. Bởi những người này nhiều năm qua vừa là người ơn, vừa là người thân của gia đình ông. Nhận quà, ông nghèn nghẹn: “Cảm ơn, cảm ơn cô chú nhiều lắm!”.
4 năm, một hành trình chưa dài nhưng cũng khó mà tổng kết được nhóm Từ Tâm đã giúp bao nhiêu cảnh đời, sửa lại bao nhiêu mái nhà, an ủi bao nhiêu phận người tổn thương… Với Từ Tâm, họ chỉ cần tổng kết từng “sự vụ” để báo cáo rõ ràng, minh bạch với nhà hảo tâm, chứ không nghĩ đến việc thống kê thành tích. Những cô giáo như là Lâm Bích Nhi, Lê Thị Diễm Hương, Nguyễn Thị Diễm Thoa… không chỉ “như mẹ hiền” ở trường với các em thơ, mà còn “như cô tiên” với những thân phận kém may mắn. Những cô tiên không có phép màu mà có tình thương. Tình thương cải biến cuộc đời, đôi khi còn hơn cả một phép màu.
Chuyện ông thầy đi bán vé số
Ở nội ô thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, thỉnh thoảng người ta lại bắt gặp hình ảnh thú vị. Một người đàn ông trạc tuổi 40, mặt mày khôi ngô, quần tây áo sơ mi “đóng thùng” bảnh bao đi bán vé số. Buôn bán lịch thiệp, không nài nỉ, không chèo kéo mà ai cũng mua từ chục tờ trở lên. Phần nhiều khách hàng đều trả tiền dư hơn nhiều so với trị giá vé số. Ai cũng gọi người đàn ông bán vé số đó là “thầy” - “thầy Tân của người nghèo”.
Thầy Tân bán vé số để giúp đỡ bà con có hoàn cảnh khó khăn |
duy khôi |
Thầy Nguyễn Nhựt Tân là giáo viên mỹ thuật của Trường Tiểu học Thị trấn Phong Điền 1, cũng là thành viên đắc lực của nhóm thiện nguyện Từ Tâm. Bén duyên từ những lần cùng cô Bích Nhi và các đồng nghiệp làm thiện nguyện, thầy Tân mải mê theo những bước chân gieo mầm yêu thương.
Có những trường hợp thầy Tân và nhóm kêu gọi không được nhiều tiền, quà, mà hoàn cảnh thật sự khó khăn. Đêm về trằn trọc, thầy nghĩ cách nào để giúp họ. Vậy là thầy Tân “khai trương” bán vé số. Thầy bán không đều đặn mà khi có trường hợp nào cần giúp, thầy mới tranh thủ giờ không lên lớp, lặn lội đi bán. Cô Nguyễn Thị Tư, người buôn bán ở chợ Phong Điền, cho biết: “Lúc đầu thấy thầy Tân bán vé số ai cũng cười, tưởng thầy nói chơi. Ai dè... Biết ra thì thầy bán vé số giúp người nghèo, ai cũng ủng hộ thầy hết thảy”.
Bữa gặp thầy, thầy đang đi bán vé số để hỗ trợ cho một hoàn cảnh thương tâm. Thầy nhẩm tính đã bán được bao nhiêu tờ vé số, tiền khách gửi phụ thêm là bao nhiêu và tiền lời vé số… Thầy tính toán, nâng niu từng ngàn đồng, và thầy vui khi cộng ra số tiền đã là kha khá. Hình ảnh chỉn chu của thầy Tân khiến tôi “lăn tăn” nhiều câu hỏi: học trò và phụ huynh liệu có “nghĩ khác” về thầy; liệu thầy có mắc cỡ khi bán vé số; liệu rồi giữa chuyện bán - mua, có khách hàng nào lấy quyền “thượng đế” làm thầy cảm thấy “bùi ngùi” khi mình là giáo viên… Như đọc được suy nghĩ của tôi, thầy Tân cười hiền khô: “Tôi không mắc cỡ mà còn tự hào vì chuyện mình làm. Có sao đâu, giáo viên, bán vé số hay bất cứ nghề gì, miễn mình làm đàng hoàng, sống tử tế thì thôi”.
Ngoài bán vé số, thầy Tân còn làm nhiều nghề khác: phu lục lộ - vá đường, lấp ổ gà dọc các tuyến đường ở địa phương; phát thuốc xông miễn phí cho bà con mùa COVID-19 và còn chạy xe ôm từ thiện. Mấy hôm rày, ngày nào thầy cũng chở một người bị tai nạn, đau ở chân đến bệnh viện huyện để tập vật lý trị liệu. Trên xe thầy Tân lúc nào cũng có nón bảo hiệm “xi-cua”, trên đường đi dạy về hoặc đi đâu, thấy có người lội bộ, thầy mời lên xe đưa đến đúng nơi, đưa về đúng chỗ. Nghề nào thầy Tân cũng phục vụ tận tình, với giá 0 đồng, đôi khi còn “boa” ngược lại cho khách khi thấy những cảnh đời gian khổ. Có sao đâu, một ánh mắt cảm ơn, một nụ cười hạnh phúc, một cái gật đầu chào nhau, cũng đủ để thầy Tân mãn nguyện. Rõ ra, gieo nhân lành gặt tình thương.
***
Chiều cuối tuần của ngày tháng tư nắng rát da, cô Nhi, thầy Tân và các thành viên trong nhóm thiện nguyện Từ Tâm lại tranh thủ sau giờ dạy, hẹn gặp nhau bàn chuyện thiện nguyện. Lại là những mảnh đời, lại là những chuyến đi và những san sẻ của những giáo viên miệt vườn.
Phong Điền mùa này, những vườn dâu đang mùa chín rộ. Những vườn sầu riêng, măng cụt… cũng bất chấp cái nắng đành hanh mà mướt xanh cành lá. Màu xanh miệt vườn đẹp lắm. Nghĩ về màu xanh của đất, tôi lại nghĩ vì nét đẹp Từ Tâm của người nơi đây.
Bình luận (0)