Thu nhập "khủng", vì sao?
Trao đổi với Thanh Niên bên lề hội thảo "Các CEO tiết lộ 'bí kíp' để được tuyển dụng" do Hội Nghiên cứu và giảng dạy tiếng Anh TP.HCM (TESOL HCMC) tổ chức mới đây, thạc sĩ Lê Đình Lực, sáng lập và điều hành DOL English, nhận định lương giáo viên tiếng Anh ở các trung tâm của ông dao động từ 30-90 triệu đồng/tháng. "Những vị trí quản lý thậm chí còn cao hơn" ông Lực nhấn mạnh.
Theo ông Lực, mức lương trên phụ thuộc vào 2 yếu tố là "tài" và "đức" của giáo viên cũng như số giờ dạy mà thầy cô đảm nhận, không liên quan đến tuổi tác. Thế nên, sinh viên mới ra trường vẫn có thể thỏa thuận lương cao nếu đáp ứng các yêu cầu. Trong đó, "tài" gồm ngôn ngữ tốt, năng lực sư phạm tốt, tư duy logic tốt còn "đức" gồm cái tâm với nghề và cái tâm với tổ chức mình đang công tác.
"Các tiêu chí được đánh giá, đo lường từ phản hồi của học viên lẫn dữ liệu trên hệ thống, như việc giáo viên chấm và chữa bài cho học viên ra sao hay quan tâm đến học viên thế nào. Ngoài ra, vì dự định phát triển nhiều sản phẩm mới và mở rộng thị trường ra nước ngoài nên chúng tôi không chỉ tuyển người giỏi mà còn là những người có giấc mơ lớn", nam giám đốc khẳng định.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc điều hành hệ thống Anh ngữ trẻ em Gee-O English, nhận xét về mặt bằng chung, lương giáo viên tiếng Anh dạy người lớn và dạy trẻ em là gần như nhau. Tại hệ thống Gee-O English, giáo viên tiếng Anh sẽ nhận 2 mức lương, thứ nhất là lương cơ bản nếu làm việc toàn thời gian, và thứ hai là lương theo số giờ dạy thực tế.
"Sinh viên mới ra trường dạy tầm 5, 6 lớp mỗi tuần sẽ nhận khoảng 12-13 triệu đồng, sau vài năm tăng lên 16-18 triệu đồng mỗi tháng. Đến khi hoạt động lâu năm, tổng thu nhập của giáo viên dao động từ 30-40 triệu đồng. Tại trung tâm của tôi, trong tuần giáo viên chỉ dạy buổi tối, còn buổi sáng thầy cô có thể tham gia nhiều hoạt động 'nâng cấp' bản thân như nghe chia sẻ từ chuyên gia hay được đào tạo thêm", bà Hương kể.
Với các trường ĐH, thạc sĩ Nguyễn Phước Lân, Phó giám đốc Trung tâm tin học - ngoại ngữ, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM, cho biết mức lương giáo viên cơ hữu sẽ khác với thỉnh giảng. Cụ thể, mức lương thỉnh giảng sẽ tương tự ở các trung tâm tiếng Anh, dao động trong khoảng 300.000-400.000 đồng/giờ. Còn nếu là giảng viên cơ hữu, mức lương thầy cô nhận được ít nhất là 20 triệu đồng/tháng.
Giáo viên tiếng Anh không chỉ giỏi mỗi tiếng Anh
Thạc sĩ Nguyễn Phước Lân cũng lưu ý, từng độ tuổi, chương trình sẽ có những yêu cầu, tiêu chuẩn giảng dạy khác nhau dành cho giáo viên tiếng Anh, như thiếu nhi sẽ khác với người lớn, hay tiếng Anh phổ thông khác luyện thi IELTS. "Nhu cầu tuyển dụng giáo viên trong tương lai xuất phát từ hiện tại nhưng sẽ đòi hỏi cao hơn nữa", thạc sĩ Lân dự đoán.
Một điểm đáng lưu ý khác là nếu muốn đảm nhận vị trí cơ hữu ở trường công lập, theo quy định của Bộ GD-ĐT, giáo viên phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm đào tạo trong một năm và tương ứng với bậc học mình sẽ dạy, thay vì dùng chung một loại chứng chỉ cho tất cả cấp học như trước đây. Trong một số trường hợp, nếu dạy cho trường tư, ứng viên có thể được "nợ" chứng chỉ này và bổ sung sau một năm.
"Về ngôn ngữ, giáo viên tiểu học và THCS phải có năng lực tương đương B2, THPT là C1 còn ĐH là C1 trở lên. Một số trường ĐH ngoài yêu cầu về bằng thạc sĩ đúng ngành như ngôn ngữ học hoặc giảng dạy tiếng Anh, còn yêu cầu ứng viên có chứng chỉ IELTS từ 8.0 trở lên. Ngoài ra, để dạy bậc ĐH, giảng viên còn cần có nhiều kỹ năng như đứng lớp, phản biện, đánh giá và phản hồi sinh viên", thạc sĩ Lân chia sẻ.
Chị quyết tâm theo ngành tâm lý học từ căn bệnh của em trai
Riêng với trẻ em, nhất là ở lứa tuổi mẫu giáo, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hương nhận định cần rất nhiều thời gian để thầy cô có thể làm thân và giảng dạy cho các con, "không thể nhanh được". Trong đó, giáo viên khi vào lớp phải đặc biệt lưu ý đến sắc mặt của mình vì trẻ em rất nhạy cảm. "Các con thấy thầy cô mặt căng thẳng là sợ ngay, không muốn vào lớp nữa. Thế nên, sự vui vẻ trong mỗi buổi học là rất quan trọng", bà Hương nói.
Vì thế, với đối tượng học viên là trẻ em, nữ giám đốc khuyên giáo viên phải luôn quan tâm đến những thay đổi trong tâm-sinh lý của các con để xử lý các tình huống bất ngờ phát sinh trong lớp học, một điều hiếm sẽ xảy ra trong lớp học của người lớn. "Bên cạnh đó, thầy cô cũng cần học cách giao tiếp hiệu quả với phụ huynh, vì họ luôn cần biết con mình đang được học trong một môi trường an toàn, vui vẻ", bà Hương nhấn mạnh.
Thạc sĩ Lê Đình Lực thì lưu ý, làm nghề giáo không chỉ dừng ở việc giỏi tiếng Anh rồi đi dạy nhận tiền là xong. Đó gọi là đi dạy chứ không phải làm nghề giáo. "Học sinh thời nay rất chủ động, có những bạn dù 1-2 giờ sáng vẫn nhắn tin hỏi bài thầy cô. Và nếu xác định theo đuổi nghiêm túc con đường làm giáo viên tiếng Anh, sinh viên mới ra trường cần chấp nhận có khi phải tạm dừng thói quen cá nhân để hỗ trợ học viên những lúc cần thiết", ông Lực nêu quan điểm.
Một vấn đề khác được nam giám đốc nêu ra là hiện tại, có rất nhiều học sinh phổ thông đạt 8.0 IELTS. Một lớp 30 học sinh, có khi đến 20 bạn đã đạt được mức điểm này, theo thạc sĩ Lực. Thực tế trên yêu cầu giáo viên không chỉ đạt trình độ tiếng Anh tương tự mà còn phải vững vàng về chuyên môn, như cách dạy cho từng cấp bậc năng lực hay cách nắm bắt, thấu hiểu và giải quyết vấn đề của học viên, nhất là với các bạn trình độ "siêu sao" muốn nhắm đến mức điểm IELTS rất cao.
Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Chủ tịch Hội TESOL HCMC, nhận định bằng cấp về giảng dạy tiếng Anh (TESOL) đang là "điều kiện cần" mà hầu hết tổ chức giáo dục, trung tâm tiếng Anh đều yêu cầu. Vì lẽ đó, các chương trình đào tạo TESOL ngày càng nở rộ tại Việt Nam. "Nhưng để theo đuổi và phát triển sự nghiệp, các bạn cần hiểu thêm những điều kiện 'cần và đủ' từ nhà tuyển dụng và tiền bối đi trước", tiến sĩ Lộc bộc bạch.
Bình luận (0)