Hôm nay, 29.6, tại Nhà thiếu nhi TP.HCM (Q.3, TP.HCM) diễn ra vòng chung kết toàn quốc và trao giải sân chơi tiếng Anh "Thiếu nhi Việt Nam - Vươn ra thế giới" năm 2024, các đội đến từ các tỉnh thành, cùng tranh tài thuyết trình, nghệ thuật và trả lời ứng xử hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Bên lề sự kiện này là các hoạt động phụ huynh, học sinh cùng trải nghiệm việc học tiếng Anh bằng công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm để trẻ mẫu giáo, tiểu học, học tiếng Anh hiệu quả.
An toàn cho con trên môi trường mạng
Chị Minh Hằng, phụ huynh trú ở Q.Gò Vấp, TP.HCM là mẹ của bé Thanh Khoa, 6 tuổi, vừa hết lớp lá và một bé út 4 tuổi đang học mẫu giáo tại TP.HCM. Chị Minh Hằng cho biết các bé đều học ở các trường mầm non công lập tại thành phố, trong trường có hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh. Về nhà, muốn con có thêm thời gian được nói tiếng Anh, gia đình chị Minh Hằng tải thêm các ứng dụng về các thiết bị điện tử, di động ở nhà để con được trải nghiệm thêm.
"Quan điểm của vợ chồng tôi là con còn nhỏ, không đặt nặng các chuyện học thêm ở các trung tâm, chủ yếu con chỉ học trên trường. Ngoài ra, con học các câu lạc bộ như bơi lội chẳng hạn để rèn luyện sức khỏe. Còn lại, việc học tiếng Anh bước đầu chỉ là làm quen, vừa chơi vừa học, nên chúng tôi chọn cho con học qua các ứng dụng, ở nhà cũng học được, chỉ cần ông, bà, ba mẹ hay cô, dì có thể ngồi cạnh, quản lý con dùng thiết bị điện tử, đúng giờ sẽ thu máy lại. Còn không mất thời gian đưa đón con ở các lớp học thêm. Con sẽ phải tự nỗ lực, cố gắng nhiều hơn trong thời gian học ở trên trường", chị Minh Hằng cho hay.
Phụ huynh này cho biết tới nay, Thanh Khoa, 6 tuổi có phản xạ với tiếng Anh tốt. Ví dụ ra ngoài đường, thấy người nước ngoài, con chủ động nói xin chào, phản xạ trả lời một số câu hỏi từ người nước ngoài một cách tự nhiên. Nhưng làm sao để kiểm soát thời gian con dùng các thiết bị điện tử? Người mẹ cho hay: "Mỗi ngày tôi đặt ra quy định là con học tiếng Anh khoảng 45 phút, chia thành các buổi khác nhau. Sáng 15 phút, trưa 15 phút… Gia đình sẽ quản lý thời gian con cầm điện thoại, iPad để con không dùng quá nhiều".
Tới nay, gia đình chị Minh Hằng đã tải ít nhất 4 ứng dụng để con được học tiếng Anh. Nếu thấy ứng dụng nào "mới", "ổn hơn", chị Minh Hằng vẫn tiếp tục thử để xem có phù hợp với con không.
"Tiêu chí dùng ứng dụng của nhà tôi là thứ nhất về giao diện, hình ảnh thân thuộc với trẻ. Nhà cung cấp ứng dụng cũng phải tin cậy. Kế tiếp, phải có ngôn từ dễ hiểu, giọng nói chuẩn. Đó là lý do chúng tôi cài nhiều ứng dụng học tiếng Anh, có cái dùng một thời gian, đến một giai đoạn mình thấy không hợp nữa thì lại bỏ", nữ phụ huynh chia sẻ.
Tại sự kiện về việc học tiếng Anh của trẻ em diễn ra tại Nhà thiếu nhi TP.HCM hôm nay có sự tham gia của diễn viên, người dẫn chương trình Vân Hugo. Vân Hugo cho biết chị cũng đang trải nghiệm cho các con (các bé đang là học sinh trung học và mầm non) học tiếng Anh qua các ứng dụng công nghệ.
Các tiêu chí của chị là các ứng dụng phải giúp trẻ vừa học vừa chơi, khiến trẻ dễ tập trung và yêu thích việc học tiếng Anh hơn khi tìm thấy niềm vui trong học tập. Ứng dụng cũng cần có giáo viên bản ngữ, phát âm chuẩn, để không chỉ trẻ nhỏ học được mà phụ huynh khi ngồi cạnh con cũng có thể học tập cùng con. "Đặc biệt, khi cho con học gì, tôi đều chú trọng yếu tố an toàn. Tôi nghĩ đây cũng là điều rất nhiều phụ huynh có con nhỏ đều quan tâm. Làm sao mà con được bảo vệ trên môi trường mạng, con được an toàn, được học thông qua chơi vui vẻ", Vân Hugo cho hay.
Tiếng Anh là công cụ, hay có tiếng Anh là có tất cả?
Ông Lâm Thế Khải, Giám đốc sản phẩm, phụ trách digital Tập đoàn giáo dục Đại Trường Phát, đại diện ứng dụng học tiếng Anh Edufun cho biết ở góc độ một phụ huynh người Việt, con đang học ở các trường công lập, ông luôn muốn con nói giỏi tiếng Anh.
"Khi con giỏi tiếng Anh, cộng với việc con giỏi chuyên môn, thì con có thêm nhiều cơ hội tốt hơn được làm việc trong các tập đoàn lớn. Con học tiếng Anh ở trên trường, ở các lớp học hay qua các ứng dụng, về nhà, trong quá trình sinh hoạt với gia đình, người thân, bạn bè, con sẽ nói tiếng Việt, do đó tôi nghĩ rằng việc cân bằng tiếng Anh - tiếng Việt với các trẻ em người Việt là điều không khó để các phụ huynh có thể đồng hành cùng con", ông Lâm Thế Khải nói.
Tuy nhiên, ông Lâm Thế Khải cho rằng tiếng Anh đang được các gia đình đầu tư, quan tâm cho con được phát triển từ sớm, "song theo tôi tiếng Anh chỉ là công cụ. Điều kiện cần là tiếng Anh, điều kiện đủ là tập trung trau dồi cho công việc chuyên ngành, chuyên môn, khi có cả điều kiện cần và điều kiện đủ, các học sinh, sinh viên sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển bản thân, thêm các cơ hội thành công ở các lĩnh vực hơn".
Đến tham dự vòng chung kết và trao giải sân chơi tranh tài tiếng Anh "Thiếu nhi Việt Nam - Vươn ra thế giới" hôm nay có sự hiện diện của Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư Nguyễn Phạm Duy Trang; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Trưởng ban Quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thị Mai Hữu và nhiều đại diện trường học trên cả nước. Chung cuộc, giải nhất và giải thuyết trình ấn tượng thuộc về đội thi đến từ Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền (Hải Phòng).
Bình luận (0)