Giáo viên trẻ nêu lý do không mặn mà với trường công

05/12/2023 07:06 GMT+7

Môi trường giáo dục ngày càng rộng mở với nhiều hình thức, lĩnh vực khác nhau giúp sinh viên có đa dạng lựa chọn bên cạnh con đường vào các trường công lập.

GIÁO DỤC TƯ THỤC "HÚT" SINH VIÊN

Sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục tiểu học Trường ĐH Sài Gòn hồi tháng 7, Nguyễn Tuyết Nhung lập tức ứng tuyển vào một trường mang yếu tố quốc tế ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Trải qua vòng nộp đơn và phỏng vấn, nữ cử nhân dạy thử trước lãnh đạo nhà trường, sau đó chính thức trở thành giáo viên (GV) tiểu học tại đây. "Môi trường công lập không phù hợp với bản thân là lý do tôi quyết định "đầu quân" cho trường tư", Nhung chia sẻ.

Theo Nhung, khi làm việc ở trường công, GV thường bị gò bó bởi rất nhiều điều về luật lệ, phong trào... Trong khi đó, với trường tư, cô được tạo nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện dạy học và có cơ hội tự do sáng tạo với các hoạt động từ giờ chính khóa đến ngoại khóa. "Việc GV bị hạch sách cũng hiếm khi xảy ra", cô bộc bạch.

Giáo viên trẻ nêu lý do không mặn mà với trường công - Ảnh 1.

Nhiều sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường chọn thử thách làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập

U.N

Hiện Nhung đảm nhận vai trò GV bộ môn và phó chủ nhiệm ở 2 khối lớp. Để nâng cao năng lực, nữ GV này được tham dự các buổi tập huấn và chuyên đề khác nhau. "Cơ hội phát triển chuyên môn ở trường công lẫn trường tư đều như nhau, quan trọng là phải biết cách tận dụng", Nhung nói.

"Những bạn học ngành sư phạm khóa tôi thường chọn làm việc ở trường công hơn là trường tư vì muốn vào biên chế để có cuộc sống ổn định, và chỉ 6-7 người chọn con đường tư thục. Song, con đường nào cũng có khó khăn riêng, quan trọng là chúng ta hạnh phúc với lựa chọn của mình và luôn nỗ lực vì nó", nữ GV trẻ chia sẻ thêm.

Một xu hướng đáng chú ý là ngày càng nhiều bạn chọn đến trường tư vì đa dạng phúc lợi, cơ sở vật chất tân tiến cũng như có nhiều đồng nghiệp trẻ nên dễ hòa đồng hơn.

Viên Uyên Nhi (GV tại một trung tâm bán trú vệ tinh kết hợp dạy kỹ năng sống ở Q.Tân Phú, TP.HCM)

Không riêng Tuyết Nhung, nhiều tân cử nhân tại TP.HCM cũng chọn làm việc ở môi trường giáo dục tư thục như trường tư, gia sư, trung tâm dạy thêm hay dạy kỹ năng sống, STEM... Một trong những nguyên nhân là để trau dồi các kỹ năng sư phạm như chủ nhiệm lớp, làm việc với phụ huynh, đánh giá năng lực học sinh (HS) trước khi bước vào trường công lập, theo Viên Uyên Nhi, GV tại một trung tâm bán trú vệ tinh kết hợp dạy kỹ năng sống ở Q.Tân Phú.

Vừa tốt nghiệp hồi tháng 7 cùng trường và ngành với Tuyết Nhung, và bắt đầu công việc vào đầu tháng 8, Uyên Nhi chia sẻ, bên cạnh kiến thức các môn chính khóa, cô còn được đào tạo bài bản về kỹ năng sống hay được học STEM từ GV nước ngoài để truyền đạt lại cho HS. Một số ưu điểm khác là cô có thể linh hoạt về thời gian làm việc, tiếp cận kiến thức nhiều khối lớp và có mức lương ổn định, theo nữ GV này.

"Tuy nhiên, khi dạy ở trung tâm, cũng có trường hợp tôi được biết là phụ huynh sợ mình không đủ trình độ, nghiệp vụ sư phạm nên muốn chuyển con sang lớp khác. Những lúc ấy lãnh đạo trung tâm sẽ là người đứng ra giải quyết. Các thử thách khác có thể kể đến khi là GV trẻ ở trung tâm là chưa được soạn nhiều giáo án để đánh giá năng lực, cũng như chưa được đứng lớp như một GV thực thụ", Nhi bộc bạch.

Trong tương lai, khi đủ độ "chín" về nghề, Uyên Nhi cho biết có thể tham gia kỳ thi viên chức để ứng tuyển vào trường công. "Nhìn chung, bạn bè tôi sau khi tốt nghiệp đều tìm được việc làm đúng ngành nên có thể thấy thị trường vẫn cần rất nhiều GV. Một xu hướng đáng chú ý là ngày càng nhiều bạn chọn đến trường tư vì đa dạng phúc lợi, cơ sở vật chất tân tiến cũng như có nhiều đồng nghiệp trẻ nên dễ hòa đồng hơn", Nhi cho hay.

Giáo viên trẻ nêu lý do không mặn mà với trường công - Ảnh 3.

Theo nhiều giáo viên trẻ, môi trường giáo dục tư thục tạo nhiều cơ hội để tự do sáng tạo hoạt động giảng dạy

T.N

KHÔNG GIỚI HẠN Ở LỚP HỌC TRUYỀN THỐNG

Ngoài các lớp học truyền thống theo hình thức trực tiếp, những lớp học trực tuyến qua Zoom hay các nền tảng khác cũng ngày càng thu hút GV trẻ trong những năm gần đây.

Từng tốt nghiệp ngành sư phạm tiếng Anh, N.Q.A (25 tuổi) bắt đầu sự nghiệp với vai trò là GV luyện thi trực tuyến chứng chỉ IELTS và duy trì công việc này đến nay. "Học viên của tôi không chỉ giới hạn ở một khu vực mà mở rộng xuyên biên giới ở nhiều quốc gia như Canada, Mỹ, Úc", anh chia sẻ.

Theo N.Q.A, các lý do dẫn đến hiện tượng một số GV trẻ không "mặn mà" với trường công là mức lương kém cạnh tranh, điều kiện dạy và học không bằng trung tâm ngoài, nhất là ở lĩnh vực ngoại ngữ. "Nhiều sinh viên chưa tốt nghiệp nhưng có điểm IELTS cao và năng lực sư phạm tốt hoàn toàn có thể dạy trực tuyến với thù lao hàng trăm nghìn đồng mỗi giờ. Con số này có thể cao hơn nếu chỉ dạy 1:1", người này tiết lộ.

Không chỉ ngoại ngữ, các môn học chính khóa khác hay những kỳ thi tuyển sinh ĐH của các trường như đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng thu hút không ít GV trẻ muốn theo đuổi con đường giảng dạy trực tuyến, đặc biệt khi thị trường công nghệ giáo dục ngày càng phát triển tại VN.

Tuy nhiên, việc hoạt động ở môi trường trực tuyến không dễ dàng vì yêu cầu GV phải kiêm cả 3 vai là người thầy, doanh nhân và nhân vật giải trí, theo thạc sĩ Bùi Văn Công, GV luyện thi đánh giá năng lực trực tuyến. "Bởi lẽ, các bạn không chỉ dạy học mà còn phải biết cách kinh doanh khóa học và quản lý lớp, biết cách xây dựng hình ảnh và sáng tạo nội dung trên các nền tảng như mạng xã hội, website", thầy Công lý giải.

Tuy nhiên, để có thể theo đuổi nghề lâu dài, thạc sĩ Công khuyên các GV trẻ phải vững kiến thức và xác định tâm thế là dạy học cho thật tốt, vì "HS có thể đến nhờ hình ảnh nhưng chỉ đồng hành nếu nhận được kiến thức hữu ích". "Dạy trực tuyến yêu cầu các bạn phải tự nghĩ ra câu chuyện và tìm cách tương tác với HS thông qua màn hình. Đây cũng là khâu thử thách nhất mà nhiều GV kỳ cựu có khi cũng chưa thể làm tốt vì còn cần cả năng khiếu", thầy Công nhấn mạnh. 

TP.HCM khó tuyển giáo viên mỹ thuật, vì sao ?

Theo đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM, tính đến tháng 11, TP.Thủ Đức và các quận, huyện đã tuyển dụng được 2.219 GV trong số 4.717 chỉ tiêu (đạt khoảng 50%), trong đó gặp khó với việc tuyển dụng GV 2 môn âm nhạc, mỹ thuật. Như ở môn mỹ thuật, thành phố có nhu cầu tuyển dụng 8 GV nhưng chỉ 5 ứng viên dự tuyển. Có trường 10 năm không tuyển được GV mỹ thuật nào.

Dưới góc độ là sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM và hiện làm gia sư môn mỹ thuật cho HS tiểu học, Nguyễn Thị Thư Lan lý giải rằng sĩ số là một vấn đề đáng quan tâm. Cụ thể, điều kiện để dạy và học chất lượng là lớp chỉ nên có tầm 7-8 và cao nhất là 10 HS. Trong khi đó, ở các trường công lập, con số này cao hơn rất nhiều. "Lương cũng là yếu tố khiến nhiều bạn cân nhắc", Lan cho hay.

"Không chỉ tôi, nhiều SV ngành mỹ thuật cũng chọn dạy gia sư để trau dồi kiến thức hội họa và nâng cao năng lực sư phạm. Các bài dạy sẽ xoay quanh những nội dung cơ bản về màu nước, pha màu và cách tư duy màu sắc, đồng thời phân tích về hình khối cũng như làm sao vẽ được một bức tranh đơn giản. Việc khó nhất là làm sao để ứng biến linh hoạt kiến thức chuyên ngành và đơn giản hóa nó giúp các bé nhỏ tuổi vẫn có thể hiểu được và làm được. Ngoài ra, việc quán xuyến một lớp học có nhiều bạn nhỏ cũng tương đối thử thách vì đây là độ tuổi khá hiếu động", nữ sinh viên chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.