Giật mình trước phim ngắn 'vợ bạo hành chồng' của sinh viên
08/03/2016 20:00 GMT+7
Chỉ trong 8 phút, phim ngắn do hai sinh viên Cần Thơ thực hiện đã cho người xem những cảm xúc đặc biệt khi đổi vai một cặp vợ chồng trong một gia đình rất 'đặc trưng' của nạn bạo hành.
Tự động phát
Chỉ trong 8 phút, phim ngắn do hai sinh viên Cần Thơ thực hiện đã cho người xem những cảm xúc đặc biệt khi đổi vai một cặp vợ chồng trong một gia đình rất 'đặc trưng' của nạn bạo hành.
Huy Thăng và Kim Cương (cùng mặc áo khoác đỏ) |
Phim có tên “Bình Minh” do biên kịch Trần Ngọc Kim Cương đang học ngành Thông dịch tiếng Hoa và Võ Huy Thăng học ngành Sư phạm tiếng Pháp, Trường đại học Cần Thơ thực hiện. Cả hai sinh viên này đều 20 tuổi.
Bối cảnh của phim “Bình Minh” được Kim Cương và Huy Thăng chọn quay ở một gia đình sống trên bè ở chợ nổi Cái Răng (TP.Cần Thơ), nơi có thể giúp người ta đã cảm nhận dễ dàng nhất những nét đặc trưng của miền Tây Nam bộ với cảnh quay sông nước, ghe xuồng. Nét độc đáo và điểm nhấn của phim là một cuộc xô xát giữa hai vợ chồng trong một gia đình. Cảnh mâm cơm bị hất tung xuống sàn, những tiếng chửi thề liên hồi, những cuốn sách của con cái bị xé nát trong tiếng khóc thét của đứa trẻ.
Ông Nguyễn Văn Lượm, tên thường gọi là Lý Hùng, là một “thầy đờn” ở chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ)
|
Tất cả đều quen thuộc, dễ bắt gặp, ngoại trừ một sự bất thường đến kịch tính đó là người có hành vi bạo hành lại là người vợ. Một người vợ hung dữ, hoàn toàn nằm “kèo trên” khi luôn miệng chửi rủa, thậm chí xô người chồng ngã ngửa.
Trong phim cũng có những cảnh rất đỗi tình cảm khác như người cha nấu ăn, chăm sóc con cái, dặn dò con đến trường... Đó là những cảnh thường gặp ở những gia đình người đàn ông luôn biết chia sẻ với vợ về trách nhiệm và bổn phận với gia đình.
Bà Kim Chưởng, vợ ông Hùng, là người bán nước ở chợ nổi Cái Răng
|
Tuy nhiên, kịch tính xảy ra khi hành động bạo hành của người vợ, sự chăm sóc con cái của người chồng chỉ là những cảnh trong mơ. Gần cuối phim, cảnh người chồng thức giấc giữa trưa, trong bộ dạng mệt mỏi như vừa trải qua giấc ngủ dài sau cơn say mèm. Chuyện “đổi vai” dần sáng tỏ qua đoạn thoại giữa cô con gái và người cha: “Ủa ba thức dậy rồi hả ba?”. “Má mày đâu rồi Hân?”, “Má đi bán từ sớm rồi mà ba”.
Lúc này, người xem liên tưởng đến những hình ảnh ban đầu khi người vợ đang giặt giũ, còn người chồng tay cầm chai rượu liêu xiêu trở về, trước khi bị té xuống sông và được cô con gái đi theo kéo lên. Bộ dạng đó của người chồng gần như đã “lột xác” sau cơn mơ bị vợ bạo hành.
Bé Hân là con gái ông Hùng và bà Chưởng
|
Có thể thấy, ý tưởng độc đáo đổi vai người vợ và người chồng trong một gia đình bạo hành đã tạo cho người xem một cảm xúc rất khác lạ.
Giả định đó trái ngược hoàn toàn với những nếp nghĩ bấy lâu và cả những gì thực tế đang diễn ra mỗi ngày ở những gia đình có tình trạng “bạo hành”. Đó là hình ảnh người phụ nữ luôn yếu thế trong gia đình, họ là người chăm lo con cái, là người chịu đựng những cơn say, những lời cay nghiệt và cả những trận đòn của chồng.
Những đứa trẻ ở chợ nổi Cái Răng
|
Một điều đặc biệt khác của phim ngắn “Bình Minh” là các nhân vật trong phim cùng thuộc một gia đình. Họ diễn xuất ngay tại nhà của họ ở chợ nổi Cái Răng.
Ở ngoài đời, người chồng tên Nguyễn Văn Lượm nhưng mọi người vẫn gọi ông là Lý Hùng, sống bằng nghề chơi đờn ca tài tử cho nhà hàng. Người vợ tên Nguyễn Thị Kim Chưởng (trong phim bà tên Thuỷ), một người rất hiền lành, cam chịu, hằng ngày vẫn mưu sinh bằng nghề bán nước. Bé Hân là con gái ruột của vợ chồng ông Lượm.
|
Cả ba diễn viên đều chưa từng tiếp xúc với điện ảnh, thậm chí bà Chưởng không biết chữ, ê kíp phải đọc mớm thoại từng câu cho bà thuộc dần. Nhưng cả ba đã diễn xuất một cách khá tự nhiên, theo chia sẻ của các nhân vật trong phim, những gì xảy ra trong phim đã không ít lần diễn ra trong chính gia đình của họ. Chỉ có điều, không có sự hoán đổi vị trí vợ chồng như trong phim.
Mặc dù non tay nhưng Huy Thăng và Kim Cương đã rất biết khai thác tình huống khi khuyến khích các diễn viên tự do thể hiện thoại, bằng chính những gì đã từng xảy ra trong gia đình mình.
|
Kịch bản làm phim của Kim Cương và Huy Thăng được Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNDP) chọn cấp kinh phí thực hiện cùng một số nhà làm phim trẻ khác trong dự án phim “Chung tay xóa bỏ định kiến giới” của tổ chức này.
Ở tác phẩm phim đầu tay này, hai tác giả trẻ tuổi 20 đã phần nào thể hiện một vấn đề lớn trong xã hội, nhất là những vùng nông thôn, nơi bình đẳng giới hay nữ quyền vẫn còn là điều gì đó xa xỉ và nạn bạo hành vẫn thường xảy ra.
Hình ảnh hậu trường phim ngắn “Bình Minh”
|
Chia sẻ về phim, Kim Cương và Huy Thăng cho biết, “Chúng tôi đã thuyết phục một gia đình ở chợ nổi Cái Răng đóng phim để có cơ hội nhìn lại gia đình của mình. Và dường như nó đã mang lại hiệu quả. Qua phim ngắn này, chúng tôi cũng muốn thể hiện cho người ta thấy là đàn ông và phụ nữ đều có năng lực như nhau. Cần phải có sự bình đẳng hơn với phụ nữ, đặc biệt ở nông thôn nơi phụ nữ thất học nhiều. Họ thường cam chịu số phận. Họ thấy chồng đi nhậu về là lo bưng cơm hầu nước, không có gì để nói cả".
"Thứ nữa là sự sẻ chia của người đàn ông. Họ phải nhận thức được bữa cơm trong gia đình không phải là trách nhiệm, mà đó là sẻ chia. Sống với nhau thì cùng nhau gánh vác công việc, nuôi dạy con cái, buổi tối về cùng nhau ăn một bữa cơm. Đấy là hạnh phúc, không phải trách nhiệm”, Cương và Thăng nói thêm.
Cuối phim, một thông điệp đầy ý nghĩa được đưa ra, đó là: “Đừng nghĩ phụ nữ yếu đuối khi không biết những gì họ có thể làm”.
Bình luận (0)