Giếng cổ ở đền Lê Văn Hưu bị phá khi trùng tu di tích

16/03/2022 06:04 GMT+7

Giếng ngọc trong khuôn viên di tích lịch sử cấp quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu đã bị phá bỏ, thay vào đó địa phương sẽ xây dựng giếng mới kích thước nhỏ hơn. Điều này khiến nhiều người cho rằng dự án tu bổ, tôn tạo di tích đang làm hỏng di tích.

Giếng cổ bị phá bỏ

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền thờ Lê Văn Hưu (tại thôn 3, xã Thiệu Trung, H.Thiệu Hóa, Thanh Hóa) giai đoạn 3 đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của người dân lẫn nhà nghiên cứu, người am hiểu về lịch sử, văn hóa khi chính quyền cho phá bỏ giếng cổ để xây dựng giếng mới với diện tích nhỏ hơn. Cách tu bổ, tôn tạo giếng ngọc bằng việc phá bỏ cái cũ, làm cái mới như vậy theo nhiều người là không tôn trọng yếu tố lịch sử, di tích và tâm linh, dù rằng thiết kế xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Giếng ngọc ở di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu đã bị phá bỏ

MINH HẢI

Có mặt tại khu vực đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu, chúng tôi ghi nhận các tổ thợ đang tiến hành xây dựng nhà từ đền, ao đền. Riêng giếng ngọc (nằm phía trước đền, cạnh ao đền) thì đang thi công dở dang. Đơn vị thi công đã phá bỏ phần lớn tường giếng, đáy giếng đã được nạo vét bùn đất để chuẩn bị làm giếng mới. Ông Trần Văn Hinh, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn 3, xã Thiệu Trung, cho biết giếng ngọc có từ lâu đời, đường kính rộng hơn 10 m. Ngày trước, người dân trong thôn thường lấy nước từ giếng về sinh hoạt. Ông Hinh cho biết cũng có một số người dân, phật tử thường đến chùa Hương Nghiêm (nằm cạnh đền thờ Lê Văn Hưu) không đồng tình với việc phá giếng cũ, xây giếng mới, nên ông phải động viên để nhận được sự đồng tình khi phá giếng cũ làm giếng mới.

“Làm cái này (phá giếng ngọc - PV) không khảo sát được kỹ lắm. Các cụ cao niên trong làng thì không còn nhiều. Chúng tôi vừa động viên nhân dân, nếu làm to thì không có đường đi sang chùa. Cũng có một số người dân, phật tử không đồng ý. Dân sợ động đến long mạch này. Vừa rồi có bức xúc nên mới có họp dân. Bà con không đồng ý, nhưng giờ cũng đồng ý rồi”, ông Hinh nói và còn bày tỏ lo lắng theo thiết kế giếng mới chỉ sâu có 2,5 m thì quá cạn, nguy cơ không có nước vào mùa khô.

Ông Nguyễn Xuân Văn, một người con xã Thiệu Trung có am hiểu về lịch sử, văn hóa, cho rằng: “Giếng ngọc nói chung thường được người dân xem như là “con mắt”, “mắt rồng” hay “huyệt đạo” của làng”. Từ bao đời nay, giếng ngọc trong đền thờ Lê Văn Hưu luôn được người dân bảo vệ, giữ gìn. Việc lấp giếng cũ, xây giếng mới kích thước nhỏ hơn đang gây bức xúc cho người dân xã Thiệu Trung nói riêng và các nhà nghiên cứu văn hóa nói chung. “Việc tu bổ giếng là cần thiết, nhưng tu bổ giếng cổ có tuổi đời hàng trăm năm bằng cách như thế là vi phạm các yếu tố về lịch sử, di tích, và tâm linh của người dân”, ông Văn nói.

Phối cảnh đền thờ Lê Văn Hưu sau khi tu bổ, tôn tạo

Làm theo thiết kế

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án H.Thiệu Hóa (đơn vị đại diện chủ đầu tư), khẳng định các giấy tờ, thủ tục cải tạo giếng ngọc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, và được Cục Di sản (Bộ VH-TT-DL) chấp thuận. “Giếng cũ có đường kính rộng lòng giếng hơn 10 m, nay thiết kế đã được phê duyệt làm giếng mới đường kính lòng giếng rộng hơn 6 m. Đáy giếng nằm ở phần diện tích phía nam của giếng cũ. Việc làm nhỏ giếng lại là để có diện tích làm đường lưu thông giữa chùa Hương Nghiêm với đền Lê Văn Hưu, và có diện tích để xây dựng nhà bia. Hiện chúng tôi vẫn cho thi công theo thiết kế”, ông Tùng cho hay.

Dù nhiều tư liệu về lịch sử và tài liệu tuyên truyền hiện nay của H.Thiệu Hóa đều ghi chép giếng ngọc ở đền Lê Văn Hưu có tuổi đời hàng trăm năm nay, nhưng thật bất ngờ khi trao đổi với PV, ông Lê Đức Hạnh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin UBND H.Thiệu Hóa, lại cho rằng giếng ngọc trong đền Lê Văn Hưu không phải giếng có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. “Năm 2003 hay 2004 gì đó, nhà chùa (chùa Hương Nghiêm) kè lại từ cái ao, cái vũng nước đọng thì bảo là cái giếng. Chứ nói là trăm năm tuổi với ngàn năm tuổi, lấy đâu ra. Nền giếng còn sót lại giống cái ao tù chứ có gì đâu. Sau này làm đền xong, phối cảnh với chùa Hương Nghiêm nó sẽ hài hòa giữa đền và chùa. Giờ tôn trọng yếu tố lịch sử nên thu nhỏ cái giếng lại, còn giếng vẫn nằm trên nền cũ”, ông Hạnh nói.

Trao đổi với Thanh Niên, sư thầy Thích Nguyên Thành, trụ trì chùa Hương Nghiêm, bày tỏ: “Quan điểm cá nhân tôi là không muốn làm lại cái giếng. Giếng ngọc múc bỏ đi rồi làm cái giếng mới là không phù hợp cho lắm. Hôm vừa rồi họ có bảo tôi ký vào biên bản họp tham vấn ý kiến về việc xây dựng giếng mới, nhưng tôi không ký vì tôi có họp đâu mà ký. Trước đây, thiết kế thì không được mời họp, giờ đến lúc phá đi mới mời họp tham vấn ý kiến thì làm sao tôi ký được”.

Liên quan đến các ý kiến trái chiều của người dân, mới đây, Sở VH-TT-DL Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị UBND H.Thiệu Hóa căn cứ vào hồ sơ dự án làm rõ nội dung phản ánh của người dân, khi người dân đặt ra câu hỏi “tu bổ hay phá di tích” giếng ngọc tại đền Lê Văn Hưu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.