Đời người chẳng biết thế nào. Có những người không bệnh tật ốm đau gì, nhưng lại tất tưởi ra đi. Vì vậy, hãy tận hưởng cuộc sống khi còn có thể! Đó là mẹ an ủi Huấn mà nói thế. Chứ sống mà gắn liền với giường bệnh như Huấn, thì làm sao tận hưởng đây? Nhiều lúc chán nản, Huấn chỉ muốn giải thoát cho mau lẹ. Biết được ý nghĩ đó, mẹ Huấn đã khóc rất nhiều. Huấn thương mẹ và cố tỏ ra nghe lời để chiều lòng bà.
Huấn đã có những năm tháng hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Nhà có hai chị em, Huấn là út nên được cưng chiều. Những bước đi chập chững đầu đời luôn có bàn tay nâng đỡ của cả cha lẫn mẹ. Bỗng một ngày, Huấn không thấy bố trở về nhà nữa. Mắt mẹ đỏ hoe. Chị gái rũ rượi như tàu lá chuối hơ lửa. Huấn tròn xoe đôi mắt ngơ ngác hết nhìn mẹ lại nhìn chị gái. Ngày bé, ai cũng khen đôi mắt Huấn tròn và đen như hạt nhãn. Đôi mắt giống bố. Mẹ bảo thế. Nhưng Huấn chẳng thích vậy, Huấn muốn giống mẹ. Với Huấn, mẹ là người đẹp nhất. Huấn yêu mẹ.
Bà nội ôm Huấn vào lòng nức nở: "Con mất bố rồi. Bố bị tai nạn giao thông mất rồi"... Huấn chưa ý thức được nhiều về nỗi đau mất mát đó. Mất bố, Huấn nhận được gấp đôi tình yêu thương của mẹ. Chắc là mẹ muốn bù đắp thật nhiều cho Huấn để Huấn bằng bạn bằng bè.
Nhưng Huấn vẫn thấy mình không được như bạn bè. Cơ thể Huấn yếu đuối, mặc dù Huấn đã quyết tâm làm điều ngược lại. Huấn càng cố, thì càng thất bại. Huấn không thể nô đùa với chúng bạn, mỗi lần cố gắng, là mỗi lần đầu gối Huấn bầm tím, xây xát vì ngã khuỵu. Huấn lặng lẽ ngồi nhìn lũ bạn trai chơi bóng ở sân trường. Huấn không hiểu vì sao mình lại kém cỏi như vậy cho đến một ngày mẹ phát hiện hai chân Huấn dần dần teo lại.
Từ bệnh viện về, mẹ Huấn chỉ khóc. Mẹ giấu Huấn. Bác sĩ bảo, Huấn mắc bệnh lý thần kinh cơ di truyền. Dấu hiệu đầu tiên là yếu cơ ở gốc chi, sau đó bệnh tiến triển nặng dần. Đến một lúc nào đó, Huấn sẽ không đi lại được, cơ trơn lẫn cơ tim đều bị ảnh hưởng và sẽ ra đi ở độ tuổi từ mười lăm đến hai nhăm vì suy hô hấp hoặc bệnh cơ tim.
Mẹ không nói cho Huấn biết, nhưng dần dà, Huấn cũng hiểu điều tồi tệ đang đợi mình ở phía trước.
***
Mẹ Huấn đã quen với tình trạng bệnh của Huấn. Cơ thể Huấn như có một sợi dây vô hình liên kết tới cơ thể mẹ. Huấn đau thì mẹ đau. Huấn thấy khó ở thì mẹ bồn chồn, nóng ruột trong người. Trong suốt mười năm trời Huấn nằm liệt trên giường bệnh, đã bao lần, mẹ Huấn bỏ dở công việc cơ quan, đôn đáo chạy về đưa Huấn đi cấp cứu. Lần nào về cũng đúng lúc Huấn cần mẹ nhất. Huấn một mình đối mặt ranh giới sự sống và cái chết mong manh như thế kể từ khi chị gái lên thành phố học đại học đã ba năm nay. Giờ mẹ đi làm, Huấn làm bạn với chiếc điện thoại, nơi đó là cả một thế giới bao la đầy màu sắc, có những mảnh ghép đồng điệu với số phận như Huấn. Huấn khâm phục những cuộc đời có cùng hoàn cảnh như mình, biết vượt lên số phận để sống những ngày còn lại thực sự ý nghĩa.
Hôm nay, Huấn cảm nhận cơ thể rất khác, từng nhịp thở như có một bàn tay ma quỷ nào đó chặn lại, lồng ngực Huấn rung lên bần bật. Huấn thấy trần nhà chao đảo, một màu trắng mờ áo bao chùm, đung đưa, nhấn chìm Huấn vào giấc ngủ.
Trong giấc ngủ ấy, Huấn nhìn thấy vầng sáng tỏa ra từ ánh hào quang cầu vồng lấp lánh nhiều màu sắc phía chân trời, một thiên thần nhỏ mặc chiếc váy màu xanh da bò, vai đeo chiếc cặp màu tím có hình ba chú ngựa con ngộ nghĩnh bước ra từ phía ánh sáng đó sà xuống trước mặt Huấn. Thiên sứ Hải An! Đúng rồi, bé Hải An bảy tuổi mà Huấn rất ngưỡng mộ đây rồi. Vẫn khuôn mặt sáng, thông minh; vẫn hình ảnh nhí nhảnh với hai bím tóc thật đáng yêu trên đầu. Nhưng ấn tượng và dễ nhận ra nhất là đôi mắt! Đôi mắt rất sáng, tròn xoe, đen nháy như hạt nhãn giống y như đôi mắt của Huấn khi còn bé. Huấn ngạc nhiên hỏi: "Sao em vẫn còn đôi mắt? Anh cứ tưởng, đôi mắt đó em đã ban tặng cho người khác rồi?". Hải An mỉm cười rất tươi và nói: "Đôi mắt của em đã trở nên vĩnh hằng vì nó vẫn đang sống trong một cơ thể khác"... Huấn nhớ lại câu nói của Hải An với mẹ của bé: "Con muốn sau này khi mất đi, những bộ phận trên cơ thể con vẫn còn tồn tại"... Sao Hải An nhỏ tuổi mà suy nghĩ được những điều lớn lao như thế! Đúng thật, Hải An đã trở nên bất tử trong trái tim mọi người cả về thể xác lẫn tâm hồn khi những mạch máu nhỏ li ti chẳng bao giờ ngừng chảy qua đôi mắt thiên sứ nhỏ ở một hình hài khác.
Trong phòng phòng bệnh, chiếc đồng hồ hình bầu dục treo trên bức tường ốp gạch men kính trắng toát vẫn đều đặn phát ra những tiếng kêu "tựt tựt" như thôi thúc Huấn. Thời gian không chờ đợi Huấn chần chừ thêm nữa. Thiên sứ Hải An đã đến đây để tiếp cho Huấn lòng can đảm nói ra điều ấp ủ bấy lâu của mình. Chắc chắn khi biết được quyết định của con, mẹ Huấn sẽ rất buồn, nhưng mẹ sẽ vì Huấn mà đồng ý. Huấn tin như vậy!
Huấn dần dần hồi tỉnh lại sau đợt điều trị tích cực của các y bác sĩ tại phòng cấp cứu bệnh viện. Vẫn như mọi lần, một bàn tay ấm nóng đang xiết chặt lấy tay Huấn như muốn chia sẻ sức lực từ cơ thể mẹ sang cơ thể xanh xao gắn đầy những thiết bị y tế trên người Huấn. Huấn mở mắt và bắt gặp đôi mắt đầy lo âu đang hướng về mình. Huấn cố nở một nụ cười rất tươi để mẹ yên lòng. Chưa bao giờ Huấn thấy vui như hôm nay. Cuộc sống sẽ trở nên ý nghĩa khi ta trao đi niềm yêu thương của mình và chắc chắn sẽ nhận lại niềm yêu thương ấy. Giấc mơ mà Huấn vừa trải qua là giấc mơ của sự giải thoát. Không phải sự giải thoát hèn nhát của kẻ trốn chạy sự sống, mà là sự giải thoát về tâm tưởng, muốn làm một điều có ích cho cuộc đời.
***
Bà Lương dậy từ sáng sớm và đã làm xong mâm cơm cúng thắp hương trên ban thờ. Mâm cơm cúng rất đặc biệt, vì có cả món trám om kho cá. Món ăn mà ngày trước Huấn rất thích. Bà nhìn đồng hồ, giờ này, chuyến tàu hỏa từ Hà Nội chắc chắn đã cập bến ga Việt Trì. Hôm nay vợ chồng Ninh sẽ đem cu Bin lên chơi với bà ngoại.
Ngày giỗ thứ năm của Huấn. Nỗi buồn đã nhường chỗ cho những niềm vui mới. Bà Lương tiến tới ban thờ châm thêm mấy nén nhang. Bà tủm tỉm cười khi bắt gặp hai đôi mắt giống y chang của hai cha con như dõi theo mình.
Tiết trời đã bước sang thu, những cơn gió heo may se se lạnh mang theo những ký ức xưa tràn về.
"Mẹ đã luôn đau khổ vì con. Mẹ đã luôn cố gắng và hy sinh rất nhiều để con được sống. Con biết, với mẹ, con là tất cả. Là tình yêu, là niềm hạnh phúc và cả lẽ sống cuộc đời mình. Thế nên, con sẽ không để mẹ đánh mất tình yêu đó. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, con sẽ trao tặng đôi mắt của mình cho một cơ thể khác như để tâm hồn con sống mãi cùng mẹ. Có câu rằng: "Cho đi yêu thương là nhận lại hạnh phúc". Con tin, từ nay mẹ sẽ được hạnh phúc. Đó là món quà con để lại thế gian này cho mẹ".
Bà Lương nhớ lại bức thư mà Huấn đã soạn sẵn trên điện thoại. Huấn đã chọn đúng thời điểm, bấm nút gửi zalo sang máy điện thoại của bà trước khi bước vào một giấc ngủ dài. Chiều lòng con trai, bà đã nuốt nước mắt vào trong để thực hiện di nguyện của con một cách miễn cưỡng. Nhưng càng ngày, bà càng ngộ ra những gì Huấn viết trong thư là đúng.
Người nhận giác mạc của Huấn chính là Ninh, một kỹ sư công nghệ thông tin hơn Huấn vừa vặn một con giáp. Ninh mắc bệnh giác mạc ở cả hai mắt từ nhỏ. Càng ngày, bệnh Ninh càng tiến triển, có nguy cơ bị mù vĩnh viễn nếu không được ghép giác mạc từ người hiến tặng. Món quà quý giá từ Huấn đã chữa lành đôi mắt cho Ninh, giúp chàng kỹ sư trẻ nhìn thấy ánh sáng tươi đẹp của cuộc sống và thấy cả ánh sáng từ vẻ đẹp tâm hồn của những con người tưởng như xa lạ.
"Con không do mẹ sinh ra, nhưng trong cơ thể con đã có một phần máu thịt của mẹ. Mẹ hãy cho con được thay Huấn bù đắp những mất mát, hy sinh mà mẹ đã âm thầm chịu đựng từng ấy năm trời. Hãy cho con được lo lắng, chăm sóc cho mẹ. Mẹ nhé!".
Bà Lương nhìn vào đôi mắt của Ninh khi chàng trai nói, bà thấy trong đôi mắt ấy có dáng hình của Huấn. Bà mỉm cười và khẽ gật đầu.
Kể từ ngày đó, cứ vào dịp cuối tuần, Ninh lại lên thăm bà, quan tâm tới cuộc sống của bà như chính mẹ đẻ mình.
Nếu như bà Lương càng ngày càng cảm nhận được sự chân thành của Ninh, thì thời gian cũng làm cho Diệu Hương, con gái bà nhận ra sự hòa hợp về tâm hồn với chàng kỹ sư trẻ. Cũng chẳng biết tự bao giờ, mối lương duyên ấy đã đưa Ninh và Diệu Hương đến với nhau. Họ đã quyết định bước chung trên một con đường.
Tiếng ồn ào ngoài cửa, cu Bin tự đẩy chiếc cổng sắt chạy ùa vào ôm chầm lấy bà ngoại. Bà Lương bế cu Bin lên âu yếm, thơm vào cái má phúng phính đáng yêu của cháu. Bầu không khí sum họp, ấm cúng tràn ngập không gian ngôi nhà nhỏ.
Mấy tháng nữa, vợ chồng Ninh sẽ chuyển công tác về thành phố ngã ba sông này để có điều kiện gần gũi, chăm sóc bà Lương nhiều hơn. Bà rất mừng vì quyết định đó của các con.
Mặt trời đã đứng bóng, ánh sáng nhuộm vàng luồn qua kẽ những bông hoa thu hải đường màu cam đang thì khoe sắc hắt bóng xuống sân vườn như những ngôi sao nắng nhảy múa theo làn gió. Ánh sáng đem yêu thương lan tỏa như cái cách mà Huấn đã trao đi để gieo mầm hạnh phúc.
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: songdep2023@thanhnien.vn hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)